Các nước nỗ lực vì TPP

Theo Tuệ Minh/saigondautu.com.vn

Các nhà thương thuyết của 11 thành viên còn lại trong Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ nỗ lực để đạt được đồng thuận trong 3 ngày đàm phán (bắt đầu từ 6/11) tại Nhật Bản.

Nhiều nhà phân tích hy vọng TPP sẽ sớm được thực thi trước khi có thể mở cửa đón thêm một số nền kinh tế tiềm năng khác, trong đó có Hàn Quốc.
Nhiều nhà phân tích hy vọng TPP sẽ sớm được thực thi trước khi có thể mở cửa đón thêm một số nền kinh tế tiềm năng khác, trong đó có Hàn Quốc.
Theo tuyên bố của trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản Kazuhisa Shibuya, 11 nước còn lại trong TPP sẽ họp tại thành phố Urayasu, tỉnh Chiba, để tìm cách duy trì TPP. Ông Kazuhisa Shibuya cho biết tất cả thành viên, kể cả New Zealand, hiện còn bất đồng trên hồ sơ mở cửa thị trường địa ốc, đều tỏ ý muốn đạt được tiến bộ và kết quả ngay trong tuần này, thời điểm 2 ngày trước Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam.
Ngoài ra, bên lề APEC, một cuộc họp cấp bộ trưởng của TPP sẽ đúc kết thỏa thuận chiến lược này. Tokyo kỳ vọng sẽ đạt được kết quả để chứng tỏ với các nước khác trong vùng Thái Bình Dương là Nhật Bản có thể hành động một cách hiệu quả với tư cách là một quốc gia đứng đầu về tự do mậu dịch. Đồng thời, qua đây, khuyến khích chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump xem xét lại chính sách bảo hộ thương mại của nước này.
TPP được ký kết tháng 2/2016, với 12 nước tham gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam, chiếm khoảng 40% kinh tế toàn cầu.
Ngay sau khi nhậm chức vào tháng 1/2017, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi TPP, cho rằng hiệp định đa phương này làm ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người dân Hoa Kỳ và nhấn mạnh Washington sẽ tiến hành đàm phán  các hiệp định thương mại song phương (FTA). Trước động thái này của Hoa Kỳ, 11 nước thành viên còn lại đã nỗ lực khôi phục hiệp định trên thông qua các vòng đàm phán. Nhiều nhà phân tích hy vọng TPP sẽ sớm được thực thi trước khi có thể mở cửa đón thêm một số nền kinh tế tiềm năng khác, trong đó có Hàn Quốc.
Việc Tổng thống Donald Trump rút khỏi TPP đã vấp phải nhiều chỉ trích. Ông Evan Medeiros, Giám đốc phụ trách các vấn đề châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ dưới thời cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, nhận định rằng không có một FTA nào có thể thay thế được TPP.
Được xem là một kiến trúc sư chính trong chiến lược tái cân bằng về châu Á của Hoa Kỳ, ông Medeiros giải thích giá trị chiến lược của TPP không những là Tổ chức Thương mại thế giới mở rộng với những rào cản đằng sau biên giới được loại bỏ, mà hiệp định này còn có thể thực sự thay đổi luật chơi về cách thức mà các nước sẽ xúc tiến thương mại và đầu tư, đặc biệt với tất cả những lĩnh vực mới như nền kinh tế kỹ thuật số. 
“Tổng thống Donald Trump nên xem xét lại lập trường về thương mại quốc tế” là lời kêu gọi của Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn vận chuyển hàng hóa và dịch vụ FedEx đưa ra sau khi ông Trump thực hiện lời hứa tranh cử là rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP. Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Fox Business Network, Tổng giám đốc FedEx, Fred Smith tuyên bố Hoa Kỳ tách rời thương mại tương tự như tìm cách hít thở không có oxi.
Ông F.Smith cho biết FedEx có hàng ngàn lao động phụ thuộc vào thương mại quốc tế và khoảng 40 triệu người dân Hoa Kỳ có công ăn việc làm nhờ thương mại, lợi ích của thương mại phân tán nhiều hơn và khó nhìn thấy hơn so với nỗi đau mất việc trong những lĩnh vực như sản xuất. Ông Smith nhấn mạnh việc Hoa Kỳ quyết định rút khỏi TPP là rất đáng tiếc vì nước hưởng lợi thực sự từ việc này là Trung Quốc...