Các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về chứng khoán sẽ bị xử lý ra sao từ 1/1/2021?

Tuấn Phùng

Luật Chứng khoán 2019 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 quy định rõ về xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân trên thị trường chứng khoán. Trong đó, kể từ ngày 1/1/2021, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định của các tổ chức, cá nhân được đánh khá nghiêm khắc.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cụ thể, theo Điều 132, Luật Chứng khoán 2019, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan đến hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Việc xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Các tổ chức, cá nhận sẽ bị xử phạt mức phạt tiền tối đa là 10 lần khoản thu trái pháp luật có được từ hành vi vi phạm nếu: Sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán chứng khoán cho chính mình hoặc cho người khác; tiết lộ, cung cấp thông tin nội bộ hoặc tư vấn cho người khác mua, bán chứng khoán trên cơ sở thông tin nội bộ; hoặc Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng để thực hiện việc mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác mua, bán để thao túng giá chứng khoán; kết hợp hoặc sử dụng các phương pháp giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để thao túng giá chứng khoán.

Những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán cần phải được xử lý nghiêm vì điều này ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, ảnh hưởng đến kênh thu hút vốn quan trọng của nền kinh tế.

Mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực chứng khoán là 03 tỷ đồng. Trường hợp không có khoản thu trái pháp luật hoặc mức phạt tính theo khoản thu trái pháp luật thấp hơn mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 4 Điều 132 thì áp dụng mức phạt tiền tối đa quy định là 03 tỷ đồng. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định phương pháp tính khoản thu trái pháp luật có được từ việc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Mức phạt tiền tối đa quy định ở trên được áp dụng đối với tổ chức; cá nhân thực hiện cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền tối đa bằng một phần hai mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức.

Theo đánh giá của các chuyên gia chứng khoán, hiện nay, tuy các chế tài xử phạt được đánh giá nghiêm khắc, song các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán vẫn diễn ra khá thường xuyên.

Theo Luật sư Nguyễn Huy An - Trưởng văn phòng luật sư Huy An, thị trường chứng khoán là một kênh huy động vốn hiệu quả, quan trọng của các doanh nghiệp, của cả nền kinh tế và được ví là phong vũ biểu của nền kinh tế. Do vậy, những hành vi vi phạm sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến thị trường, đến tính minh bạch, cũng như làm giảm sức hấp dẫn của kênh thu hút vốn này.

Do vậy, những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán cần phải được xử lý nghiêm vì điều này ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, ảnh hưởng đến kênh thu hút vốn quan trọng của nền kinh tế.