Cách nào để thị trường ô tô thoát bế tắc?

Lê Hiền

TCTC Online - Theo một nguồn tin từ Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm 2012, số lượng tồn kho ô tô nhập khẩu và lắp ráp trong nước lên tới cả chục ngàn chiếc (cao hơn 50% tổng lượng xe tồn của tháng 12-2011). NSNN và ngân sách các địa phương có doanh nghiệp ôtô đóng trên địa bàn bị thất thu tới hàng nghìn tỷ đồng.

Qua một thời gian dài thị trường ô tô đóng băng, có lúc gần như hóa thạch, đến nay, tuy đã có tín hiệu ấm dần, nhưng vẫn chưa mấy khả quan. Trong 6 tháng đầu năm nay, theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô (VAMA): 18 DN thành viên VAMA chỉ tiêu thụ được tổng cộng 34.939 xe (nhập khẩu và lắp ráp) trên tổng kế hoạch tiêu thụ hơn 140.000 chiếc của năm 2012; trong đó, xe từ 9 chỗ trở xuống tiêu thụ được trên 17.000 chiếc, giảm tới 41% so với cùng kỳ 2011 - là năm thị trường ô tô bắt đầu chu kỳ trì trệ mạnh. Theo VAMA, năm nay, doanh thu từ ô tô có thể giảm 6.000 tỷ (tương đương 300 triệu USD), do doanh số của hầu hết các doanh nghiệp (DN) sản xuất và tiêu thụ ô tô đều giảm sút.

Thị trường ô tô ế ẩm kéo theo rất nhiều hệ lụy, không chỉ các DN sản xuất và phân phối ô tô gặp khó khăn trong hoạt động và tài chính (doanh số giảm, phải thuê thêm kho bãi để lưu trữ lượng ô tô ứ không bán được, khiến chi phí lưu giữ hàng tồn kho tăng cao, nhiều DN phải dãn thời gian lao động và giảm nhân công, bị thua lỗ thậm chí phải giải thể…), mà số thu nộp ngân sách, theo đó, cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, 6 tháng qua, ôtô nguyên chiếc nhập khẩu giảm tới 60% về lượng, giảm 54,9% về trị giá làm giảm thu ngân sách khoảng 12.295 tỷ đồng. Linh kiện ôtô nhập khẩu giảm 20% về trị giá, cũng làm giảm thu ngân sách tới 1.500 tỷ đồng. Thu từ thuế trước bạ giảm gần 30% so với cùng kỳ… Với số thống kê ước tính, cứ đà này, trong 6 tháng đầu năm 2012, nếu tính trung bình 500 triệu đồng/xe con, nguồn thu từ thuế của Nhà nước bị thiệt hại khoảng 9.000 tỷ đồng. Ngân sách địa phương của hầu hết các tỉnh có DN sản xuất ô tô cũng bị thất thu lớn. Đơn cử: Tại Vĩnh Phúc - trung tâm công nghiệp ô tô của Việt Nam - thu ngân sách trong 6 tháng qua giảm mạnh, thất thu khoảng 1.000 tỷ đồng. Tại Hải Dương, 6 tháng qua, khoản đóng góp cho ngân sách từ doanh số bán ô tô cũng giảm gần 1.000 tỷ đồng. Tại Quảng Nam, tình trạng tương tự, thu ngân sách tỉnh cũng mất đi khoảng 1.000 tỷ đồng từ doanh số bán xe ô tô….

Có thể kể ra nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan như:

- Giá bán ô tô quá cao (hiện nay xe ô tô ở Việt Nam đang có giá "trên trời", cao hơn rất nhiều - gấp đôi, gấp rưỡi so với xe cùng chủng loại ở các nước trong khu vực). Hàng năm, 11 liên doanh đăng ký sản xuất quãng 146.000 xe/năm, nhưng chỉ khai thác được quãng 30% công suất. Với công suất khai thác như vậy thì chắc chắn các DN này sẽ lỗ lớn, nhưng ngược lại, các năm qua họ vẫn có lãi “khủng”, chứng tỏ giá bán ô tô đã bị đẩy lên rất nhiều so với giá trị thực của xe.

- Đề xuất “phí lưu hành ôtô, xe máy” (từ 20 đến 50 triệu đồng/ô tô/năm) và “phí bảo trì đường bộ” của Bộ GTVT (với hai loại phí này, dù xe không chạy thì vẫn phải đóng tiền phí một năm tương đương khoảng 10-25% theo giá trị xe), đây là một khoản phí rất lớn với đa số người sử dụng xe và có nhiều điểm chưa hợp lý. Sau một thời gian thu nhận phản hồi của người dân, Bộ GTVT chưa được triển khai đề xuất này. Tuy nhiên đến nay, xe ô tô có bị thu phí "lưu hành" hay không, thu phí như thế nào vẫn chưa rõ ràng. Đây cũng là một nguyên nhân khiến người có nhu cầu vẫn chưa dám mua xe vì e ngại, rồi đây sử dụng xe có phải cõng thêm phí lưu thông hay không?

- Do kinh tế khó khăn, người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu, chuyển từ đi ô tô (có chi phí xăng xe, bến bãi, sửa chữa… cao) sang đi xe máy. Số người có nguồn tài chính dồi dào trước đây cũng bị ảnh hưởng do nền kinh tế sa sút, không đủ tiềm lực để mua ô tô nữa.

- Ngoài ra, còn một nguyên nhân quan trọng là mới đây việc tăng lệ phí trước bạ xe ô tô (dưới 10 chỗ ngồi) lên 20% tại Hà Nội, 15% tại thành phố Hồ Chí Minh và tăng phí cấp biển số xe lên 20 triệu đồng tại Hà Nội cũng là một rào cản đối với thị trường ô tô.

 Một số kiến nghị để giải tỏa thị trường ô tô:

- Theo VAMA:

+ Chính phủ phải công bố minh bạch về chính sách phát triển xe ô tô trong dài hạn và ngắn hạn (để các nhà sản xuất có chiến lược đầu tư kinh doanh phù hợp, chủ động tăng hay giảm nhập khẩu hay sản xuất chủng loại xe nào, hạn chế thấp nhất khi cung không gặp cầu).

+ Công bố rõ ràng, rứt khoát về các chinh sách thu thuế, phí, lệ phí đối với các loại ô tô đồng thời quy định một mức phù hợp thống nhất trên toàn quốc.

+ Giảm phí trước bạ đối với ô tô chở người xuống mức thấp nhất theo quy định của Chính phủ, tức là chỉ còn 5-10% thay vì 20% như hiện nay.

+ Ổn định chính sách, môi trường liên quan tới ngành sản xuất ô tô: từ đầu năm tới nay liên tục có những thay đổi về chính sách thuế, phí như: tăng phí trước bạ, Hà Nội cấm đỗ ô tô ở hàng trăm tuyến phố, rồi các biện pháp hạn chế ô tô tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh... khiến DN sản xuất kinh doanh ô tô liêu xiêu.

 - Người sử dụng xe ô tô cũng có rất nhiều kiến nghị như:

+ Đề nghị Bộ GTVT triển khai thu phí qua thẻ (sim) tự động, thu một lần vào một thời điểm nào đó, giảm bớt các trạm thu phí trên đường, giảm nhân viên thu phí vì đã thu bằng hệ thống tự động…), giảm tiêu cực trong khâu thu phí cầu đường, tiết giảm chi phí của Ngành, tận dụng kinh phí nộp  trước của người sử dụng xe ô tô vào việc đầu tư đường xá, cầu cống…

+ Kiến nghị với các DN: phải giảm giá bán xe xuống mức hợp lý.

+ Đề nghị Nhà nước và các cơ quan liên quan phải cung cấp mọi thông tin về thị trường ô tô, về thuế, phí… một cách công khai rộng rãi và lấy ý kiến người dân trước khi thông qua. Bởi, có một thực tế là, đề xuất tăng phí trước bạ và phí cấp biển số xe lên là nhằm làm tăng thu cho NSNN trong tình hình doanh thu từ thị trường xe ô tô sụt giảm, tuy nhiên, theo thống kê, số thu được về lại thấp hơn so với trước đây - khi mức phí thấp hơn nhưng với số lượng  xe lưu hành cao hơn thì số thu lại cao hơn - do vậy, ý đồ tăng thu không đạt được, thậm chí còn khiến tình hình thị trường ô tô thêm trầm lắng. Cái vòng luẩn quẩn: tăng phí - giảm thiểu lượng ô tô lưu thông - giảm thu NSNN - rồi lại tăng phí… chưa biết đến khi nào chấm rứt, và cuối cùng, chi phí lại đổ xuống đầu người tiêu dùng.

Trước mắt, để tự cứu mình, các DN sản xuất tiêu thụ ô tô phải tìm mọi cách giảm thiểu chi phí, giảm giá bán, hỗ trợ người tiêu dùng các loại thuế, phí… tự cắt giảm lợi nhuận, chia sẻ cùng người dân, có như vậy mới hy vọng thị trường ô tô trong nước dần thoát khỏi bế tắc.