Cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong mùa hè
Mùa hè là mùa vi khuẩn, virus dễ xâm hại nhất, rất dễ gây ra ngộ độc thực phẩm.
Vào mùa hè, nguy cơ ngộ độc thực phẩm cấp tính tăng gấp nhiều lần so với các mùa khác trong năm. Do thời tiết của mùa hè là nóng ẩm, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của vi sinh vật, làm thức ăn dễ ôi thiu. Thêm vào đó, việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh đang trở thành nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cộng đồng.
Theo Tổng cục Thống kê, tháng 4/2018, trên cả nước đã có 20 người bị ngộ độc thực phẩm, trong đó có 3 người tử vong. Trong 4 tháng đầu năm nay, cả nước có 522 người bị ngộ độc thực phẩm, trong đó có 6 người tử vong.
PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo, với thời tiết nóng ẩm của mùa hè, thực phẩm rất dễ ôi thiu. Khi chế biến thức ăn không gia nhiệt kỹ, nấu xong không ăn ngay hoặc không đun lại sau khi bảo quản thức ăn quá 2 tiếng đồng hồ… sẽ dẫn tới nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao.
Cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong mùa hè. Ảnh minh hoạ |
Bên cạnh đó, mùa hè cũng làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm do rác thải, nước thải và sự phát triển mạnh của côn trùng truyền bệnh như: Ruồi, nhặng, gián, muỗi… Với những cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, nếu không tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn trong chế biến thực phẩm dễ dẫn đến nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm.
PGS.TS Nguyễn Thanh Phong cũng lưu ý, nhiều bà nội trợ coi chiếc tủ lạnh như “bảo bối” để tích trữ thực phẩm trong mùa hè. Tuy nhiên, đối với việc bảo quản thực phẩm bằng tủ lạnh phải chú ý cả hai mặt lợi và hại. Bởi lẽ, tủ lạnh chỉ có tác dụng làm chậm sự biến chất của thực phẩm; hạn chế sự sinh sôi và phát triển của vi sinh vật do cơ chế giảm nhiệt độ và độ ẩm.
Thế nhưng, nếu đưa quá nhiều thực phẩm vào tủ lạnh, không khí lạnh không lưu thông được, nhiệt độ ngăn mát, ngăn đá không bảo đảm và thực phẩm không vệ sinh, sơ chế trước khi bảo quản trong tủ lạnh; thực phẩm sống để lẫn thức ăn chín… cũng làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm thực phẩm. Cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
Nấu chín thịt
Thịt là nơi trú ngụ của nhiều mầm bệnh, ví dụ vi khuẩn E.coli thường có trong thịt bò. Nếu không được nấu chín, các mầm bệnh vẫn sống sót và dẫn tới ngộ độc.
Tránh ăn uống ngoài đường
Thức ăn ngoài đường thường không đảm bảo vệ sinh. Thời tiết nóng nực ngày hè và vệ sinh không đảm bảo là điều kiện lý tưởng để các mầm bệnh sinh sôi. Vì vậy, bạn hãy tránh ăn uống bên ngoài.
Kiểm tra kỹ hạn sử dụng
Không tiếc rẻ đồ ăn cũ có dấu hiệu bị hỏng. Kiểm tra kỹ lưỡng thời hạn sử dụng của các loại thực phẩm đóng gói trước khi sử dụng.
Để quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh dễ gây ô nhiễm
Đối với việc bảo quản thực phẩm bằng tủ lạnh phải chú ý cả hai mặt “Lợi – Hại” của chiếc tủ lạnh. Tủ lạnh chỉ có tác dụng làm chậm sự biến chất của thực phẩm; hạn chế sự sinh sôi và phát triển của vi sinh vật do cơ chế giảm nhiệt độ và độ ẩm.
Nếu đưa quá nhiều thực phẩm vào tủ lạnh, không khí lạnh không lưu thông được; nhiệt độ ngăn mát, ngăn đá không đảm bảo; thực phẩm không vệ sinh, sơ chế trước khi bảo quản trong tủ lạnh; thực phẩm sống để lẫn thức ăn chín… sẽ làm gia tăng ô nhiễm thực phẩm, làm cho thực phẩm nhanh hỏng.
Luôn giữ vệ sinh
Giữ vệ sinh là một nguyên tắc cơ bản để đảm bảo sức khỏe, và việc này đặc biệt quan trọng trong mùa hè. Bạn hãy giữ vệ sinh tốt, rửa tay trước và sau mỗi bữa ăn. Đảm bảo vệ sinh khi chế biến thực phẩm. Luôn đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống.