Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm: Trách nhiệm không của riêng ai

Theo Nguyễn Thủy/daibieunhandan.vn

An toàn thực phẩm luôn là vấn đề nhức nhối, đặc biệt khi Tết Nguyên đán Mậu Tuất và Mùa lễ hội năm 2018 cận kề. Bên cạnh việc nâng cao công tác quản lý của cơ quan chức năng, các chuyên gia cho rằng người tiêu dùng cần lên tiếng, tố cáo những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Công tác quản lý còn gian nan

Theo Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Trần Việt Nga, đấu tranh với các hành vi gian dối, sai phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm còn nhiều gian nan, bởi các đối tượng sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn hoạt động ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Trong khi đó, việc quản lý, thanh tra, kiểm tra và phòng chống thực phẩm bẩn của các cơ quan hữu quan còn chồng chéo, bất cập, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, người dân chưa kiên quyết với việc phòng chống vi phạm an toàn thực phẩm.

Phó Cục trưởng cũng cho biết thêm, thực tế cho thấy, nếu vẫn còn những cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ thì vấn đề thực phẩm bẩn vẫn còn xảy ra. Bên cạnh đó, việc truy xuất nguồn gốc và thu hồi thực phẩm bẩn cũng chưa nghiêm, bởi nếu muốn làm được, ngay từ ban đầu phải có hệ thống kiểm soát.

Cũng băn khoăn về công tác quản lý, Chánh Văn phòng Quỹ Chống hàng giả Hồ Quang Thái cho rằng, hiện nay cơ sở để xác định hàng giả là vô cùng khó khăn. Muốn xác định được hàng giả, phải có hàng thật để so sánh và có đơn khởi kiện của doanh nghiệp thì cơ quan quản lý mới có cơ sở để xử lý, chưa kể hành lang pháp lý chưa đủ mạnh. Ông Thái dẫn chứng, ở chợ Kim Biên TP. Hồ Chí Minh, các hóa chất, chất kích thích cây cối mọc nhanh, tẩy hàng ôi thiu, hương liệu pha chế đồ uống... được bày bán một cách công khai.

Hay việc các tư thương sử dụng hóa chất để tẩm ướp thực phẩm, khi bắt giữ cũng không xử lý được vì chưa có chế tài. Đồng tình với quan điểm trên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng nông nghiệp hữu cơ Nguyễn Văn Cường cho biết việc quản lý hóa chất đang có nhiều vấn đề. Từ những câu chuyện giải cứu nông sản đã dẫn đến việc người dân không gắn bó, không xây dựng thương hiệu và nảy sinh tâm lý ngắn hạn. Việc người nông dân tối đa hóa lợi ích sẽ dẫn đến lạm dụng hóa chất gây hại tới sức khỏe, nên cần thiết phải quản lý chặt từ khâu nhập khẩu, sản xuất.

Người dân cần chủ động tố giác

Trước thực trạng thực phẩm bẩn còn nhức nhối, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về Vệ sinh an toàn thực phẩm đã thành lập 6 đoàn liên ngành để thanh kiểm tra tại 12 địa phương. Ngoài ra, các địa phương cũng thành lập các đoàn liên ngành để kiểm tra. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn chưa đúng mức. Do đó, cần tạo lập chuỗi và quan tâm kiểm soát quá trình từ sản xuất, chế biến, vận chuyển đến lưu thông sản phẩm trên thị trường.

Bên cạnh đó, ông cho rằng người dân cần được cung cấp hai quyền nhằm bảo vệ chính bản thân mình. Thứ nhất là quyền thông tin, bởi hiện nay quyền thông tin về hàng hóa, đơn vị kinh doanh sản xuất còn hạn chế, người tiêu dùng khó có thể kiểm tra được chất lượng hàng hóa kể cả những hàng hóa có tem, giấy chứng nhận. Thứ hai là quyền an toàn, bởi hiện nay rất nhiều thực phẩm vẫn chứa nhiều tồn dư hóa chất, chất bảo quản dẫn đến tình trạng khi người tiêu dùng bị ngộ độc thực phẩm.

Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân Phạm Thanh Hùng cũng khuyến nghị, doanh nghiệp tham gia sản xuất sạch muốn có thương hiệu phải đưa lợi ích của người tiêu dùng lên hàng đầu. Về vấn đề chống thực phẩm bẩn, ngoài việc chủ động của các doanh nghiệp cũng cần có biện pháp giải quyết đồng bộ từ chính quyền địa phương, ban hành quy chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, thông tin tuyên truyền thêm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất. Ông Hùng cho rằng để các sản phẩm sạch của doanh nghiệp đến tay người tiêu dùng, cơ quan truyền thông cũng cần tuyên truyền nhiều hơn nữa, đồng thời phanh phui các sản phẩm bẩn để người tiêu dùng biết mà phòng tránh.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam Trần Ngọc Thanh cũng góp ý, khi nói đến thực trạng an toàn thực phẩm chúng ta mới đang quan tâm tới khâu cuối cùng đó là tiêu dùng. Tuy nhiên, phải nói tới chuỗi thực phẩm vì nó tồn tại qua các khâu như sản xuất, vận chuyển, tiêu dùng. Ngay cả định hướng về truyền thông, hệ thống giám sát vẫn đang chú trọng ở khâu cuối cùng nhiều hơn khâu đầu tiên. Nếu chúng ta không giải quyết tốt khâu đầu tiên là sản xuất thì chưa giải quyết hết được gốc của an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, trong khi chờ cơ quan chức năng xử lý các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm, để tự bảo vệ mình, mỗi người tiêu dùng hãy tẩy chay hàng kém chất lượng, thực phẩm không rõ nguồn gốc, đồng thời tố giác những địa chỉ sản xuất, tàng trữ, kinh doanh hàng giả, hàng lậu, tăng giá không hợp lý, góp phần làm trong sạch và bình ổn thị trường dịp cuối năm. Câu chuyện thực phẩm bẩn sẽ được giải quyết khi bắt đầu từ trách nhiệm mỗi con người.