Cải cách hành chính sẽ cải thiện môi trường kinh doanh


Theo Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP), giai đoạn 2007-2010, Việt Nam đã cắt giảm, đơn giản hóa 4.818/5.421 thủ tục hành chính (TTHC) (cắt giảm 37,31% TTHC tương ứng với khoảng gần 30.000 tỷ đồng mỗi năm).

Ngành Tài chính luôn triển khai đồng bộ trong cải cách thủ tục hành chính.
Ngành Tài chính luôn triển khai đồng bộ trong cải cách thủ tục hành chính.

Cải cách TTHC nâng cao vị thế của Việt Nam

Đến giai đoạn 2016-2020, đã cắt giảm, đơn giản hoá 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành, tiết kiệm cho xã hội hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương khoảng 6.300 tỷ đồng.

Những kết quả cải cách đó đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam trên các xếp hạng thế giới như tại Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016-2020 của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam tăng 20 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia, nền kinh tế và xếp thứ 5 trong ASEAN; xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI 4.0 do Diễn đàn Kinh tế thế giới thực hiện, năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 10 bậc giai đoạn 2018-2019, từ 77 lên 67/141 quốc gia và xếp thứ 7 trong ASEAN; Tạp chí US News &World xếp Việt Nam đứng thứ 8/80 và thuộc trong số 10 quốc gia nhóm đầu có nền kinh tế tốt nhất để đầu tư.

Ngày 12/5/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025. Nghị quyết 68 được ví là mở ra “làn sóng" cải cách thủ tục hành chính và quy định kinh doanh thứ 3 tại Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều quy định vẫn còn bất cập, là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc cải cách một số nơi vẫn còn hình thức, thậm chí có tình trạng cắt bỏ quy định này lại đưa ra quy định khác gây khó khăn hơn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

Thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong cải cách TTHC, ngày 12/5/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025.

Thúc đẩy mạnh mẽ làn sóng thứ 3 về cải cách hành chính

Nghị quyết 68 được ví là mở ra “làn sóng" cải cách thứ 3. Theo đó, không chỉ dừng lại ở khâu thống kê, rà soát, đánh giá, mà cải cách sẽ toàn diện các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Hơn thế, còn tập trung cải cách cả khâu tổ chức thực hiện các quy định thông qua đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử và triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC.

Mục tiêu giai đoạn 2020-2025 đề ra là cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành.

Công cụ cải cách quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Công cụ cải cách quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng Nghị quyết 68 có nhiều điểm mới, không chỉ đề cập đến điều kiện kinh doanh hay TTHC mà còn đề cập đến toàn bộ các quy định về kinh doanh. Bởi trong thực tế, một bản phụ lục hay một biểu mẫu trong thông tư “tưởng là nhỏ” cũng có thể “cài cắm” quy định, gây khó khăn cho doanh nghiệp...

Điểm thứ hai, tinh thần của Nghị quyết là giảm tối đa các văn bản, hạn chế tối đa tình trạng một thông tư có thể ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp.

Thứ ba, cách làm một văn bản sửa nhiều văn bản có thể giúp sửa đổi các quy định một cách nhanh chóng hơn... Cùng với đó, rà soát không chỉ các văn bản đã có hiệu lực mà còn sửa đổi cả các văn bản đang trong quá trình soạn thảo. Bảo đảm khả năng thực thi, thúc đẩy thực hiện chính sách cải cách trong thực tế. Cộng hưởng với các cải cách trong thực hiện Chính phủ điện tử, thực hiện các thủ tục trực tuyến...

Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP) cho biết, VPCP đã xây dựng công cụ cải cách và tài liệu hướng dẫn các bộ, ngành thực hiện thống kê, rà soát, đánh giá, tính chi phí tuân thủ, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, phần mềm này chính thức được đưa vào thực hiện kể từ ngày 1/10/2020.

Phần mềm được xây dựng để thực hiện đồng thời chức năng: thống kê; rà soát; tính chi phí tuân thủ và tham vấn. Phần mềm được kết nối với Cơ sở Dữ liệu quốc gia về TTHC để tạo thuận lợi cho việc nhập dữ liệu. Phần mềm có chức năng tổng hợp, báo cáo để Chính phủ có thể biết kết quả thống kê, tính chi phí tuân thủ theo thời gian thực.

Chức năng rà soát giúp các bộ, cơ quan tự trả lời câu hỏi rà soát, đánh giá chất lượng quy định để tìm ra các quy định cần cắt giảm, đơn giản hóa cũng như kiến nghị phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định. Các số liệu tổng hợp về quy định và chi phí tuân thủ cũng như số liệu về cắt giảm, đơn giản hóa sẽ được công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Đồng thời, chức năng tham vấn sẽ giúp các bộ, ngành thu nhận các ý kiến góp ý của địa phương, doanh nghiệp, người dân phản ánh về các quy định là rào cản đối với hoạt động kinh doanh và kiến nghị các phương án cắt giảm, đơn giản hóa.

Theo đó, phần mềm này giúp theo dõi, quản lý và giám sát việc thực thi nhiệm vụ cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh; giúp Chính phủ có một bức tranh tổng thể về thực trạng các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và tác động của các quy định đó đến doanh nghiệp, đồng thời giúp Chính phủ theo dõi, đánh giá và giám sát quá trình cải cách theo thời gian thực đặc biệt lượng hóa được kết quả cải cách của từng bộ, ngành.

Với sự quyết liệt trong việc thực thi Chính phủ điện tử, việc triển khai và ban hành công cụ cải cách quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh sẽ cơ bản giải quyết được tình hình “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong cải cách TTHC. Sự minh bạch về thông tin cải cách hành chính cũng như sự tham gia giám sát của doanh nghiệp và người dân sẽ thúc đẩy mạnh mẽ làn sóng thứ 3 về cải cách hành chính, làm trong sạch môi trường kinh doanh tại nước ta.