Tổng cục Hải quan tiếp tục đứng thứ nhất trong bảng xếp hạng cải cách hành chính


Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 1302/QĐ-BTC về việc công bố Chỉ số theo dõi, đánh giá kết quả cải cách hành chính (CCHC) năm 2019 của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính. Theo đó, Tổng cục Hải quan tiếp tục khẳng định vị trí thứ nhất trong bảng xếp hạng thuộc khối các tổng cục.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo Quyết định số 1302/QĐ-BTC của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan dẫn đầu Chỉ số theo dõi, đánh giá kết quả CCHC năm 2019 khối Tổng cục với điểm thẩm định là 97 (thang điểm tối đa là 100). Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về: Kho bạc Nhà nước; Tổng cục Thuế; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Tổng cục Dự trữ nhà nước.

Kết quả công bố chỉ số theo dõi, đánh giá, các đơn vị khối tổng cục thuộc Bộ Tài chính đều đạt trên 90% điểm so với điểm tối đa và không có sự chênh lệch nhiều, cho thấy kết quả CCHC của các đơn vị là khá cao và toàn diện.

Chỉ số theo dõi, đánh giá kết quả CCHC năm 2019 Khối Tổng cục
Chỉ số theo dõi, đánh giá kết quả CCHC năm 2019 Khối Tổng cục

Đặc biệt, kết quả đứng đầu năm thứ hai liên tiếp của Tổng cục Hải quan đã cho thấy quyết tâm của ngành Hải quan trong việc cải cách mạnh mẽ TTHC nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, giảm chi phí cho doanh nghiệp. 

Tổng cục Hải quan luôn xác định công tác CCHC là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, được thực hiện thường xuyên, liên tục, góp phần quan trọng vào hoạt động CCHC của ngành Tài chính. Tổng cục Hải quan đã tham mưu cho Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 448/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020.

Trên cơ sở thực hiện Quyết định số 448/QĐ-TTg, Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia, Tổng cục Hải quan luôn xác định CCHC là nhiệm vụ cần được thực hiện thường xuyên, với các giải pháp đồng bộ, cụ thể theo hướng đề cao tinh thần phục vụ doanh nghiệp và nhân dân, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Hoạt động đánh giá tác động của TTHC được thực hiện nghiêm ngặt ngay trong khâu xây dựng pháp luật nhằm bảo đảm sự cần thiết, tính hợp pháp, hợp lý khi ban hành TTHC. Bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý về pháp luật hải quan, ngành Hải quan đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ hải quan. Đây chính là “đòn bẩy” góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, đạt sự tăng trưởng trong hoạt động sản xuất kinh doanh.Tổng cục Hải quan đã quyết liệt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng trang thiết bị kỹ thuật hiện đại trong quản lý nhà nước về hải quan, đạt được những kết quả quan trọng. 

Với sự nỗ lực trong tiếp cận chuẩn mực quốc tế về quản lý hải quan hiện đại, Tổng cục Hải quan đã đẩy mạnh thực hiện cải cách TTHC, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa nhiều TTHC trong lĩnh vực hải quan.

Việc cơ quan Hải quan công khai bộ TTHC hải quan giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận TTHC. Các đề xuất bãi bỏ thủ tục không cần thiết; cắt giảm, đơn giản hóa TTHC; cắt giảm điều kiện kinh doanh lĩnh vực hải quan dự kiến tiết kiệm cho cộng đồng doanh nghiệp khoảng 15 tỷ đồng/ năm nhưng vẫn đảm bảo các yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực hải quan. Công tác kiểm tra chuyên ngành được Tổng cục Hải quan thúc đẩy các bộ, ngành thực hiện thường xuyên, qua đó tác động đến các bộ, ngành phải tăng cường cải cách hơn nữa…

Hiện nay, toàn ngành Hải quan đã triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 và 4 đạt gần 90% tổng số TTHC. Trong đó, DVCTT thực hiện mức độ 4 đạt 85% (yêu cầu của Chính phủ giai đoạn 2019 - 2020 là 30%); 100% các DVCTT mức độ 3, mức độ 4 được tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia (yêu cầu giai đoạn 2019 - 2020 là 30%); sử dụng chữ ký số trên nền tảng di động đạt 100% (yêu cầu giai đoạn 2019 - 2020 là 20%); hệ thống DVCTT đã cung cấp giao diện cho các thiết bị di động đạt 100% (yêu cầu giai đoạn 2019 - 2020 là 50%).

Ðáng chú ý, 100% DVCTT được xử lý bằng hồ sơ điện tử, thông tin của doanh nghiệp tự động nhập vào biểu mẫu trực tuyến, DVCTT sử dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đều vượt xa tỷ lệ yêu cầu của Chính phủ giai đoạn 2019-2020.