Cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế và một số đề xuất
Cải cách thủ tục hành chính là một trong những yêu cầu quan trọng trong quá trình xây dựng thể chế của ngành Thuế, nhằm tạo thuận lợi và tăng hiệu quả quản lý, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và người nộp thuế.
Thời gian qua, cùng với quá trình chuyển đổi của nền kinh tế, ngành Thuế đã đẩy mạnh cải cách, hiện đại hoá, đổi mới cơ chế quản lý theo tinh thần hợp tác, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp, góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Bài viết đánh giá những kết quả đạt được trong công tác cải cách hành chính của ngành Thuế và đề xuất một số giải pháp đồng bộ nhằm tiếp tục cải cách hành chính thuế trong thời gian tới.
Những kết quả nổi bật trong cải cách hành chính thuế
Trong những năm qua, bên cạnh việc thực hiện quyết liệt các giải pháp quản lý thu, khai thác nguồn thu, chống thất thu và đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ đọng tiền thuế, ngành Thuế luôn quan tâm đẩy mạnh cải cách hành chính thuế, hiện đại hóa quản lý thu thuế, giúp cơ quan thuế, người nộp thuế (NNT) giảm chi phí và thời gian, từ đó, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, hàng năm, Tổng cục Thuế đã ban hành kế hoạch, chương trình hành động thực hiện cải cách hành chính. Cụ thể, từ năm 2014 đến nay, Tổng cục Thuế đã ban hành các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Mục tiêu trọng tâm trong các Chương trình hành động là cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), điều kiện kinh doanh; đẩy mạnh cải cách TTHC, rút ngắn quy trình xử lý, hiện đại hóa, vận dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, đảm bảo nâng cao trách nhiệm của cơ quan thuế…; góp phần cải thiện và nâng xếp hạng chỉ số nộp thuế trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB).
Song song với đó, ngành Thuế đã triển khai mạnh mẽ các dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong thu nộp thuế, hiện đại hóa phương thức quản lý thuế nhằm cải cách TTHC cắt giảm thời gian chi phí và tạo thuận lợi tối đa cho DN và người dân khi làm các thủ tục về thuế. Đến nay, có thể thấy, một số kết quả nổi bật trong công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa trong lĩnh vực thuế:
- Về khai thuế điện tử: Đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% Chi cục Thuế trực thuộc. Tính đến đầu tháng 12/2019, đã có 758.354 DN tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt 99,84% trên tổng số DN đang hoạt động; số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận tính đến cuối tháng 12/2019 là gần 12 triệu hồ sơ.
- Về nộp thuế điện tử: Đã có 54 ngân hàng thương mại hoàn thành kết nối nộp thuế điện tử với Tổng cục Thuế và 63 cục thuế triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử. Tính đến đầu tháng 12/2019, số DN đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ là 753.662, đạt tỷ lệ 99,22%. Số DN hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng là 752.270, đạt tỷ lệ 99,04%. Từ tháng 01/2019 đến 12/2019, có hơn 3,1 triệu giao dịch nộp thuế điện tử với số tiền trên 622.750 tỷ đồng.
- Về hoàn thuế điện tử: Tính từ ngày 01/01/2019 đến đầu tháng 12/2019, số DN tham gia hoàn thuế điện tử đạt tỷ lệ 93,48%; Số hồ sơ tiếp nhận là 22.734 hồ sơ trên tổng số 23.738 hồ sơ, đạt tỷ lệ 95,77%; Tổng số hồ sơ hệ thống đã giải quyết hoàn là 17.678 hồ sơ với tổng số tiền đã hơn 109.086 tỷ đồng.
- Về hóa đơn điện tử: Đến nay, đã có trên 250 DN tham gia thí điểm sử dụng hệ thống hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế.
- Triển khai dịch vụ khai nộp thuế điện tử đối với các khoản thu từ cho thuê tài sản: Đã kết nối dữ liệu thành công với 06 ngân hàng thương mại để triển khai khai thuế điện tử đối với tờ khai cho thuê nhà cho tất cả các cục thuế trên cả nước. Tính đến ngày 30/11/2019, có 61.560 tài khoản, đăng ký triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử; 111.330 tờ khai đã gửi...
- Về kết quả dịch vụ công trực tuyến: Đến ngày 7/5/2020, 93 thủ tục hành chính thuế đã được Tổng cục Thuế tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để NNT có thể tra cứu, thực hiện liên quan đến: hóa đơn; khai thuế (thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môn bài,…); phí, lệ phí; quyết toán thuế (thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân)… Như vậy, ngành Thuế đạt 100% kế hoạch và hoàn thành trước thời hạn 6 tháng so với yêu cầu của Bộ Tài chính. Kết quả dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 thể hiện sự nỗ lực của cơ quan thuế trong việc cải cách TTHC, tạo ra môi trường tương tác giữa cơ quan quản lý thuế và DN, người dân trong việc đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu thông qua việc kết nối mạng internet. Qua đó, NNT có thể trực tiếp gửi hồ sơ khai thuế, hồ sơ hoàn thuế, lập giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước và giải quyết hoàn thuế bằng phương thức điện tử một cách nhanh chóng tại một địa chỉ duy nhất là Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Với những kết quả đạt được, nỗ lực cải cách hành chính thuế đã được các tổ chức, cộng đồng DN ghi nhận và đánh giá cao, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN thực hiện nghĩa vụ thuế, cụ thể:
- Về chỉ số môi trường kinh doanh: Theo báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2020 của Ngân hàng Thế giới, chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội năm 2020 đã có sự cải cách mạnh mẽ và tăng bậc xếp hạng cao nhất trong 10 chỉ số được đánh giá (tăng 22 bậc từ 131 lên 109 trong tổng số 190 quốc gia, vùng lãnh thổ) với 69 điểm. Ngân hàng Thế giới cũng đã ghi nhận Việt Nam đã thực hiện cải cách TTHC thuế thông qua việc nâng cấp cơ sở hạ tầng về ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thuế.
- Về kết quả đánh giá mức độ hài lòng của DN: Tại "Báo cáo đánh giá cải cách TTHC thuế: Mức độ hài lòng của DN năm 2019" được Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cho thấy, năm 2019, mức độ hài lòng của DN về cải cách hành chính thuế ngày càng tăng. Theo khảo sát của VCCI, kết quả đánh giá sự hài lòng của DN với cơ quan thuế năm 2019 là 7,79 điểm, tương đương gần 78%, tăng 3 điểm % so với cuộc khảo sát năm 2016, tăng 7 điểm % so với năm 2014. Năm 2018, Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Chính phủ đã công bố, đánh giá TTHC thuế có chi phí tuân thủ TTHC thấp nhất (73.000 đồng), thời gian thực hiện thấp nhất (2,9 giờ) trong 8 nhóm TTHC được Chính phủ đánh giá.
Đánh giá chung có thể nói, cải cách TTHC là nhiệm vụ thường xuyên mà ngành Thuế luôn chú trọng. Trọng tâm của cải cách TTHC trong thời gian qua là cắt giảm, đơn giản hóa, điện tử hóa các TTHC để tạo điều kiện thuận lợi cho NNT trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước.
Đề xuất, kiến nghị
Theo đánh giá của các tổ chức, chuyên gia kinh tế, những kết quả cải cách hành chính trong thời gian qua của ngành Thuế đã tác động tích cực đến việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được xã hội và cộng đồng người dân và DN đánh giá cao. Trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nói chung và cải cách TTHC thuế nói riêng, ngành Thuế cần chú trọng triển khai một số vấn đề sau:
- Triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc tập trung rà soát, đơn giản các TTHC, cắt giảm mạnh chi phí, tạo thuận lợi cho người dân, DN theo Quyết định số 683/QĐ-BTC ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Bộ Tài chính về tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2020. Trong đó, năm 2020, Tổng cục Thuế tích hợp 2 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 91 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Như vậy, trước mắt, tiếp tục thực hiện rà soát, xây dựng lộ trình chi tiết triển khai tích hợp các dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đảm bảo đến quý IV/2020 hoàn thành tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến. Cùng với đó, đẩy mạnh thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế, thu phạt xử lý vi phạm hành chính và các nghĩa vụ tài chính khác trong giải quyết TTHC, thực hiện dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
- Tăng cường cải cách TTHC, rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, hiện đại hóa phương thức quản lý thuế, tạo thuận lợi cho người dân, DN.
- Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hiện đại hoá lĩnh vực thuế: Tiếp tục mở rộng triển khai các dịch vụ bằng phương thức điện tử (khai, nộp, hoàn thuế điện tử, hoá đơn điện tử, nộp thuế điện tử đối với hoạt động cho thuê nhà, nộp thuế điện tử lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản)…
- Đẩy mạnh triển khai áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế trên toàn quốc thông qua việc ban hành các bộ tiêu chí xác định, phân loại rủi ro và các quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý đăng ký thuế, khai thuế. Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong chống chuyển giá, gian lận thuế, trốn thuế..., tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia, tổ chức quốc tế trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành Thuế.
- Đẩy mạnh triển khai các dịch vụ thuế điện tử hướng đến mục tiêu tối thiểu 65% tổ chức, DN thực hiện đăng ký thuế điện tử, 95% DN khai thuế điện tử, 95% DN nộp thuế điện tử, các khoản thanh toán điện tử chiếm trên 75% giá trị của tổng số thu thuế đối với các sắc thuế chính, thực hiện hoàn thuế điện tử; áp dụng chế độ kế toán thuế nội địa trên toàn quốc.
- Chú trọng phát triển các ứng dụng phục vụ quản lý rủi ro trong quản lý thuế và kho cơ sở dữ liệu cũng như hệ thống khai thác dữ liệu, tổng hợp báo cáo phục vụ quản lý thuế theo hướng tập trung; xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng đối với từng vị trí cán bộ công nghệ thông tin và tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ sử dụng, khai thác ứng dụng công nghệ thông tin cho 100% cán bộ thuế.
- Phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và DN thông qua việc đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ thuế điện tử, triển khai có hiệu quả hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế, dịch vụ một cửa điện tử và hỗ trợ trực tuyến tập trung tại Tổng cục Thuế.
Tài liệu tham khảo:
1. Văn phòng Chính phủ (2020), Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị sơ kết thực hiện Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg ngày 25/9/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế thuộc Bộ Tài chính và công bố hoàn thành kế hoạch triển khai thành lập Chi cục Thuế khu vực;
2. Bộ Tài chính (2020), Báo cáo tình hình, kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2019 của Bộ Tài chính;
3. Bộ Tài chính (2020), Quyết định số 683/QĐ-BTC ngày 28/04/2020 ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Bộ Tài chính tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2020;
4. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2019), Báo cáo đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế: Mức độ hài lòng của DN năm 2019"