Cải cách môi trường kinh doanh đang chững lại
Trong cuộc làm việc mới đây với các nhà khoa học, nhà quản lý, các tổ chức quốc tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa khẳng định, Chính phủ luôn cầu thị để có những phản ứng chính sách phù hợp với tinh thần "một chính sách nhỏ cũng có thể tạo tác động, hiệu quả lớn". Điều này có nghĩa ngay cả những quy định "nhỏ" nhưng bất hợp lý lại có thể gây ra hậu quả lớn, cả hữu hình lẫn vô hình, niềm tin của nhà đầu tư có thể bị bào mòn.
Xu hướng "kháng cự cải cách"
Tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo sẽ giảm từ 6,1% năm 2021 xuống còn 3,2% vào năm 2022, thấp hơn 0,4 điểm phần trăm so dự báo đưa ra trong Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 4/2022 của IMF. Lạm phát tăng cao, trở thành thách thức vĩ mô hàng đầu đối với kinh tế thế giới, nhiều khả năng trở thành vấn đề dai dẳng trong trung hạn, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại cuộc họp cuối tuần trước do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì.
Trong nước, từ đầu năm 2022 đến nay, các tổ chức quốc tế đã có nhiều nhận xét tích cực đối với phát triển kinh tế ở Việt Nam. Gần đây nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2022 là 7% (tăng với mức dự báo 6% tại thời điểm 16/5/2022). Việt Nam được đánh giá cao trong xếp hạng chính phủ tốt, đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ về chỉ số bình đẳng thu nhập và thu hút đầu tư (lần lượt tăng 33 bậc và 18 bậc so năm 2021).
Tuy nhiên, nhiều hạn chế nội tại của nền kinh tế vẫn chưa được khắc phục: Nợ xấu toàn ngành ngân hàng tăng ở mức cao; tình trạng chậm giải ngân đầu tư công kéo dài nhiều năm chưa có chuyển biến đáng kể. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 31/7/2022 ước đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 đạt 36,71%).
Đặc biệt, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, dòng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam vẫn đang đà suy giảm từ năm 2020 đến nay. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký năm 2020, 2021 chưa lấy lại được quy mô của năm trước dịch 2019 và bảy tháng năm 2022 chỉ bằng 92,9% so cùng kỳ năm 2021, trong đó FDI đăng ký cấp mới chỉ bằng 56,5%. Chất lượng FDI chậm được cải thiện.
Dĩ nhiên, thời buổi "người khôn của khó", nhưng điều TS Nguyễn Đình Cung - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng lo ngại hơn cả, chính là môi trường kinh doanh đang bị đe dọa bởi xu hướng "kháng cự cải cách".
Quy định để làm gì?
Được đề nghị nêu thí dụ về nhận định của mình, TS. Nguyễn Đình Cung thẳng thắn cho rằng, dự thảo Thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại do Bộ Công Thương soạn thảo mới đây chính là "một thí dụ tiêu biểu cho lối tư duy quản lý cũ kỹ, làm khó doanh nghiệp" và thực chất là "đẻ" thêm điều kiện kinh doanh. Loại văn bản như thế, theo ông, cần phải bãi bỏ chứ sửa đổi là không đủ.
Không chỉ có chuyên gia Nguyễn Đình Cung, trong văn bản góp ý được gửi đến Bộ Công Thương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng nhìn nhận bản dự thảo thông tư có nhiều quy định bất hợp lý, can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và làm gia tăng chi phí kinh doanh. Dù mới chỉ là dự thảo và chưa quá muộn để sửa chữa, nhưng đây không phải là trường hợp cá biệt cho thấy lối tư duy quản lý lỗi thời đang làm tổn hại đến môi trường kinh doanh một cách rất không đáng có.
Có thể tìm thấy trong Báo cáo sơ kết sáu tháng thực hiện Nghị quyết 02/2022/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhiều thí dụ tương tự. Một số kiến nghị của doanh nghiệp đã rơi vào im lặng hàng tháng trời mà không được giải quyết hoặc phản hồi thỏa đáng.
Đơn cử như kiến nghị của Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) gửi Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ tháng 5/2022 về chỉ tiêu, nguyên tắc ghi nhãn, lộ trình thực hiện tại dự thảo thông tư ghi nhãn dinh dưỡng. Hay kiến nghị của Hiệp hội Lương thực-Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh về việc bỏ quy định "muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường iode", "bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm" tại Nghị định số 09/2016/NĐ-CP về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Không chỉ không phù hợp thông lệ quốc tế, mà các quy định này còn trực tiếp làm cho các doanh nghiệp Việt Nam hoặc mất đi nhiều thị trường quan trọng, hoặc phải đầu tư dây chuyền riêng để sản xuất hàng xuất khẩu, bởi lẽ một số quốc gia (như Nhật Bản, Australia) không chấp nhận các sản phẩm có bổ sung iode.
Trên thực tế, mặc dù đối diện nhiều khó khăn, nền kinh tế vẫn có dư địa tăng trưởng lớn, nếu như môi trường kinh doanh được cải thiện một cách quyết liệt và bền bỉ. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam nói, định hướng và giải pháp cho vấn đề này đều đã rất rõ. Ngắn hạn, như đã nêu tại Nghị quyết số01/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022-2023). Còn trung và dài hạn, đã có các chương trình hành động của Chính phủ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, cơ cấu lại nền kinh tế, tăng trưởng xanh, thực hiện ba đột phá chiến lược, 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Vấn đề là sự theo dõi, áp sát để tạo ra áp lực hành chính lành mạnh nhằm bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của các quy định, chính sách đã có; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Thường xuyên tổ chức đối thoại, trao đổi với người dân và doanh nghiệp cũng sẽ giúp phát hiện sớm, xử lý nghiêm cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương-CIEM), người đã theo đuổi vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh rất nhiều năm qua, nhấn mạnh yêu cầu triển khai thực chất dịch vụ công trực tuyến. Không chỉ cần tăng số lượng các thủ tục hành chính kết nối điện tử, mà cần bảo đảm tỷ lệ hồ sơ được thực hiện thuận lợi và thành công qua nền tảng điện tử. Chỉ như vậy thôi cũng đã là hỗ trợ rất đáng quý đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, bà Thảo cũng khuyến nghị, cần có được cơ chế bảo vệ công chức trong thi hành các quy định pháp luật. Bởi, lúc này, tâm lý không cảm thấy an toàn trong thực thi không chỉ từ phía doanh nghiệp mà đang bị đẩy về phía các công chức.
Để lấy lại đà tăng trưởng, môi trường kinh doanh cần có thuốc đặc trị cho căn bệnh "kháng cự cải cách", chỉ như vậy, nền kinh tế mới có điều kiện để phục hồi và phát triển sau một giai đoạn cực kỳ khó khăn.