Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan: Những kết quả đã đạt được

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan hướng tới mục tiêu đơn giản, rõ ràng, minh bạch, công khai, thuận tiện và thống nhất, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về hải quan tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động của doanh nghiệp và người dân, tạo cơ chế pháp lý thuận lợi hướng doanh nghiệp và người khai thủ tục tuân thủ pháp luật về hải quan và pháp luật về thuế trong lĩnh vực hải quan luôn được ngành Hải quan đặc biệt quan tâm.

Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan: Những kết quả đã đạt được
Tổng cục Hải quan đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị toàn Ngành tập trung thực hiện công tác cải cách TTHC. Nguồn: baohaiquan.vn

Xác định đạt được mục tiêu nói trên, không chỉ là chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính mà còn là chính yêu cầu cấp thiết từ sự phát triển nội tại của ngành, nên trong thời gian qua, ngành Hải quan đã nỗ lực hết khả năng, dưới sự chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, của đội ngũ cán bộ công chức ngành hải quan từ Trung ương đến địa phương nhằm thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực hải quan. Trên thực tế, quá trình cải cách của ngành đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận thể hiện ở các khía cạnh quan trọng:

Luật Hải quan - cơ sở pháp lý quan trọng

Thứ nhất, Quốc hội ban hành  Luật Hải quan năm 2014 Luật Hải quan được Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 23/6/2014. Luật này thay thế Luật Hải quan số 29/2001/QH10 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan số 42/2005/QH11 năm 2005. Luật Hải quan năm 2014 là một bước phát triển mới về cơ sở pháp lý để ngành Hải quan thực hiện tốt nhiệm vụ trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, góp phần cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan. Luật hải quan được bố cục thành 8 Chương gồm 104 Điều, trong đó giữ nguyên 7 điều, sửa 56 điều, bổ sung mới 41 điều và bỏ 7 điều. Theo đó, những nội dung thể hiện thông qua chế định pháp lý trong Luật Hải quan như sau:

Khai hải quan được thực hiện theo phương thức điện tử, việc khai trên tờ khai giấy chỉ áp dụng đối với một số trường hợp cụ thể do Chính phủ quy định;việc kiểm tra hồ sơ hải quan được thực hiện thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan hoặc trực tiếp bởi công chức Hải quan. Về hồ sơ hải quan: Luật đã đưa ra quy định chung thống nhất về hồ sơ hải quan theo hướng đơn giản hóa, chỉ có tờ khai hải quan là chứng từ bắt buộc phải có khi làm thủ tục hải quan

Về thời hạn cơ quan Hải quan làm thủ tục hải quan: quy định rõ thời hạn kiểm tra hồ sơ hải quan chậm nhất là 02 giờ làm việc; thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa là 8 giờ làm việc;  bổ sung quy định cơ quan Hải quan thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa vào ngày lễ, ngày nghỉ và ngoài giờ làm việc để bảo đảm kịp việc xếp dỡ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, việc xuất cảnh, nhập cảnh của hàng khách, phương tiện vận tải.

Luật Hải quan cũng quy định tạo cơ sở pháp lý để thực hiện thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khảu theo cơ chế một cửa quốc gia; theo đó, quy định rõ trách nhiệm của Bộ, ngành trong việc gửi giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, văn bản thông báo kết quả kiểm tra, miễn kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu dưới dạng điện tử thông qua hệ thống thông tin tích hợp. Cơ quan Hải quan quyết định thông quan, giải phóng hàng trên hệ thống thông tin tích hợp.

Luật Hải quan sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Hiện nay Tổng cục Hải quan đang triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hải quan gồm: 03 Nghị định; 01 Quyết định của Thủ tướng và 12 Thông tư. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật mới sẽ góp phần tạo cơ sở pháp lý vững chắc để tiếp tục cải cách thủ tục hải quan, minh bạch thủ tục hải quan, giảm bớt giấy tờ người khai hải quan phải nộp; giảm thời gian thông quan; giúp doanh nghiệp tính toán trước hiệu quả kinh doanh; giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính; góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp.

Tiếp tục rà soát, kiểm soát các TTHC

Trong những năm qua, công tác cải cách TTHC luôn được Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Tổng cục Hải quan đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị toàn Ngành tập trung thực hiện công tác cải cách TTHC. Kết quả, đã ban hành các văn bản chỉ đạo công tác kiểm soát TTHC như: Công văn số 2593/TCHQ-PC ngày 13/3/2014 về việc triển khai kế hoạch hoạt động kiểm soát TTHC năm 2014 và Quyết định số 1944/QĐ-TCHQ ngày 30/6/2014 ban hành Quy chế Kiểm soát thủ tục hành chính lĩnh vực hải quan; Thực hiện việc đánh giá tác động quy định TTHC đối với Thông tư số 72/2014/TT-BTC ngày 30/5/2014 của Bộ Tài chính quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang theo khi xuất cảnh; Ban hành 04 Quyết định công bố thủ tục hành chính (Quyết định số 1011/QĐ-BTC ngày 15/5/2014; Quyết định số 1531/QĐ-BTC ngày 03/7/2014; Quyết định số 1842/QĐ-BTC ngày 30/7/2014; Quyết định số 2510/QĐ-BTC ngày 30/9/2014) nhằm duy trì và cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính lĩnh vực hải quan, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức tiếp cận, thực hiện và giám sát việc thực hiện thủ tục hành chính. Theo đó, tính đến nay toàn ngành Hải quan có 224 thủ tục hành chính.

Năm 2014, thực hiện rà soát thủ tục hành chính theo Quyết định số 329/QĐ-BTC ngày 20/02/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Kế hoạch triển khai nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính của Bộ Tài chính năm 2014, Tổng cục Hải quan đang thực hiện rà soát thủ tục hành chính theo quy định. Trong đó tập trung vào 13 thủ tục hành chính liên quan đến thủ tục nhập khẩu tạo tài sản cố định; hàng hoá đã xuất khẩu nhưng bị trả lại;…theo đó phấn đấu cắt giảm thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp khi tham gia thủ tục hành chính lĩnh vực hải quan.

VNACCS/VCIS: Rút ngắn thời gian thông quan

Ngày 01/4/2014, hệ thống thông quan điện tử và cơ chế một cửa quốc gia VNACCS/VCIS chính thức đi vào vận hành. Việc thực hiện Hệ thống VNACCS/VCIS có ý nghĩa rất quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp, sẽ tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan. Với việc triển khai hệ thống này sẽ giúp rút ngắn thời gian thông quan.

Theo tính toán kỹ thuật, thời gian xử lý thông quan trung bình đối với hàng luồng xanh của Hệ thống sẽ không quá 3 giây. Bên cạnh đó, nhiều việc trước đây được thực hiện trong thông quan như tham vấn giá nhưng khi thực hiện Hệ thống VNACCS/VCIS, các nội dung này được chuyển sang khâu kiểm tra sau thông quan. Điều đó, tiết kiệm thời gian và chi phí thông quan cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, hệ thống cũng giúp thực hiện thủ tục hải quan  chuẩn hóa theo chuẩn mực quốc tế. Theo đó, doanh nghiệp sẽ thực hiện thủ tục hải quan chuẩn mực hơn, minh bạch hơn. Điều này rất quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế. Chỉ tiêu thông tin khai báo không thay đổi so với hiện nay (chỉ tiêu trong khai báo thủ tục hải quan điện tử E-customs hiện nay là 130 chỉ tiêu, trong khi đó chỉ tiêu khai báo trong Hệ thống VNACCS/VCIS là 108 chỉ tiêu đối với tờ khai xuất khẩu và 135 chỉ tiêu đối với tờ khai nhập khẩu). Ngoài ra, hệ thống VNACCS/VCIS hỗ trợ khai tự động rất nhiều chỉ tiêu. Đây là một lợi ích rất to lớn đối với doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan.

Trong khi đó với thủ tục hải quan điện tử, người khai hải quan phải tự tra cứu mức thuế suất tại Biểu thuế XNK và nhập dữ liệu này vào hệ thống, sau đó thủ tục hải quan điện tử mới tính toán ra số tiền thuế của lô hàng. Khi thực hiện thủ tục hải quan trên Hệ thống VNACCS/VCIS, doanh nghiệp hạn chế được sai sót trong quá trình nhập dữ liệu nên không phải khai đi khai lại nhiều lần (do sai sót). Đồng thời cả doanh nghiệp và cơ quan Hải quan sẽ giảm được việc phụ thuộc vào văn bản, giấy tờ như hiện nay bởi các hệ thống văn bản đã được mã hóa, cập nhật vào hệ thống.

Hệ thống VNACCS/VCIS giúp tiếp nhận và xử lý các yêu cầu của doanh nghiệp tự động: khai báo và chấp nhận vận chuyển bảo thuế, khai bổ sung, đăng ký danh mục miễn thuế đảm bảo thực hiện nhanh chóng và minh bạch các yêu cầu của doanh nghiệp. Hệ thống VNACCS/VCIS hướng đến mô hình một cửa (trong đó xử lý tập trung là một điều kiện tiên quyết), hạn chế sử dụng hồ sơ giấy thông qua áp dụng chữ kí điện tử. Do vậy, doanh nghiệp ngoài việc được thụ hưởng những lợi ích từ triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS còn được hưởng lợi ích lâu dài khi triển khai đầy đủ Cơ chế một cửa.

Do hệ thống VNACCS/VCIS cho phép khai báo trước hóa đơn điện tử. Điều này hỗ trợ doanh nghiệp trong việc khai báo và tiến hành thủ tục hải quan. Chức năng này cho phép các doanh nghiệp đã sử dụng hệ thống hóa đơn điện tử kết nối để truyền thông tin hóa đơn cho cơ quan Hải quan và doanh nghiệp cũng có thể dùng chức năng này để quản lý và in hóa đơn cho doanh nghiệp mình nếu thấy các tiêu chí trên VNACCS phù hợp. Việc này giúp doanh nghiệp tránh được nhầm lẫn khi khai các nội dung hóa đơn trên tờ khai và có thể kết nối để nhập thông tin tự động vào tờ khai.

Tính từ ngày 01/4/2014 đến ngày 15/9/2014, kết quả triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS đã triển khai tại 34/34 Cục Hải quan tỉnh, thành phố (100%) với 170 Chi cục, với số lượng tờ khai là 2,56 triệu tờ khai, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 103,3 tỷ USD (xuất khẩu: 51,72 tỷ USD, nhập khẩu: 51,58 tỷ USD), với 42.700 doanh nghiệp tham gia. Hệ thống đã mang lại nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp, giảm thời gian thông quan, giảm chi phí khi thực hiện các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

Tiếp tục hoàn thiện xây dựng Cơ chế một cửa quốc gia

Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã xây dựng Kế hoạch tổng thể triển khai cơ chế một cửa quốc gia và tham gia cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2008-2012; xây dựng bộ dữ liệu hành chính và thương mại quốc gia phiên bản 1.0 bao gồm bộ dữ liệu và mô hình quy trình thủ tục liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh của 06 Bộ; tìm kiếm, điều phối, thực hiện các dự án tài trợ đối với các hoạt động trong khuôn khổ Cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN; rà soát pháp lý, hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin, mô hình hóa các quy trình nghiệp vụ, tổng hợp các chỉ tiêu thông tin, chứng từ liên quan tới hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; xây dựng cơ sở pháp lý phục vụ thí điểm triển khai (Quyết định số 48/2011/QĐ-TTg ngày 31/8/2011, Thông tư liên tịch số 84/2011/TTLT-TTLT-BTC-BCT-BGTVT); xây dựng chương trình hành động, kế hoạch triển khai, xác định kinh phí triển khai và cơ chế đầu tư đặc thù cho các Bộ, ngành; xây dựng mô hình kết nối Cơ chế một cửa quốc gia của Việt Nam; xây dựng Cổng thông tin một cửa quốc gia và kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia với các hệ thống công nghệ thông tin của 03 Bộ thuộc giai đoạn 1 gồm: Tài chính, Công thương, Giao thông vận tải.

Thời gian tới, tiếp tục chuẩn bị cơ sở pháp lý và kỹ thuật để kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia với các hệ thống công nghệ thông tin của các Bộ thuộc giai đoạn 2 gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế trong năm 2014. Tiến hành đàm phán, ký kết Nghị định thư về khung pháp lý Cơ chế một cửa ASEAN. Chuẩn bị kết nối với Cơ chế một cửa ASEAN vào năm 2015.