Cải thiện môi trường kinh doanh thêm sức nóng từ Nghị quyết 19
Ngày 15/3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức hội nghị quốc tế “Cải thiện vượt bậc môi trường kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng và tốc độ tăng trưởng”.
Báo cáo của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tại hội nghị cho thấy, kể từ khi Nghị quyết 19 (NQ 19) về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh được ban hành từ năm 2014, sau 4 năm triển khai thực hiện, đến nay đa số các chỉ số đều có sự cải thiện đáng kể, trong đó các chỉ số về tiếp cận điện năng, nộp thuế và BHXH, bảo vệ nhà đầu tư là những chỉ số có mức độ cải thiện tốt nhất.
Cụ thể, với những cải cách và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2017 đã tăng 87 bậc so với năm 2014. Nhờ đó, năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017 cũng đã được cải thiện cả về điểm số và thứ hạng; tăng được 0,1 điểm và lên 5 bậc, từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/138 quốc gia theo xếp hạng của WB. Đồng thời, xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam cũng tăng lên khi mà cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập là Moody, Standard and Poor và Fitch đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam từ mức ổn định năm 2016 lên mức tích cực năm 2017.
Tuy nhiên, nhận định về việc cắt giảm, bãi bỏ các quy định về điều kiện kinh doanh (ĐKKD), TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM cho rằng, mục tiêu cắt giảm theo tinh thần NQ 19 đã đạt được một số kết quả nhưng vẫn không đồng đều về quy mô, tốc độ và tính quyết liệt giữa các bộ, ngành.
Mặc dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 ĐKKD, chiếm 34,2% trong tổng số 345 ĐKKD thuộc 33 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý nhưng vẫn chưa có phương án sửa đổi cụ thể. Bộ Thông tin và truyền thông đã đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 51 ĐKKD nhưng cũng chưa có phương án sửa đổi rõ ràng. Thậm chí, một số bộ như Bộ Lao động Thương binh Xã hội (LĐTBXH), Bộ Tài nguyên Môi trường…chưa thực hiện rà soát chi tiết cũng như thống kê số lượng ĐKKD bãi bỏ, sửa đổi; đề xuất sửa đổi một số quy định chưa phù hợp với một số luật mới.
Chính vì vậy, kết quả đạt được còn khá xa so với mục tiêu, chưa đạt được mức trung bình ASEAN 4 về môi trường kinh doanh; số hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan mới giảm được 10 điểm phần trăm trong khi so với mục tiêu là phải giảm ít nhất 20 điểm phần trăm. Tình trạng “trên nóng dưới lạnh” hoặc “nóng không đều” vẫn còn và mới chỉ có tiến bộ ở các chỉ số, các ngành, các lĩnh vực có vấn đề nóng được xã hội đặc biệt quan tâm, phản biện, góp ý và yêu cầu mạnh mẽ từ phía DN, Hiệp hội DN.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, những cải thiện về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh mặc dù đã đạt được một số kết quả tích cực nhưng vẫn chưa bền vững và chưa đạt được mục tiêu đề ra. Thậm chí, thứ hạng của nhiều chỉ số còn thấp khá xa so với các nước trong khu vực ASEAN và hầu như không có cải thiện.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ đang xây dựng dự thảo Nghị quyết 19 – 2018/NQ – CP và sẽ sớm ban hành nhằm tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong đó, đặt mục tiêu trọng tâm là các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thành việc bãi bỏ ít nhất 1/3 số quy định hiện có về ĐKKD, thu hẹp danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư.
Đồng thời, giảm ít nhất 50% các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành; chuyển mạnh cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu là tiền kiểm sang hậu kiểm; giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 26% hiện nay xuống còn dưới 10%.
Phó Thủ tướng chỉ đạo, theo tinh thần dự thảo, Bộ Tài chính cần tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện chỉ số nộp thuế theo mục tiêu đề ra; giảm thời gian nộp thuế xuống còn khoảng 119 giờ. Cùng với đó, công khai cơ sở dữ liệu về hoàn thuế, bảo đảm 100% hồ sơ hoàn thuế được kiểm tra và 100% hồ sơ khiếu nại của người nộp thuế được giải quyết đúng thời gian quy định. Ngoài ra, chủ trì phối hợp với các Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế, Bộ Công thương sửa đổi quy định về phí (giá) dịch vụ kiểm nghiệm, kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa, trong đó các quy định về phí, lệ phí tại các thông tư theo hướng giảm đơn giá và giới hạn mức phí tối đa đối với một lô hàng.