Cảm thức Tết

Theo daibieunhandan.vn

Khi những đợt gió mùa Đông Bắc thổi về, khi mọi nhà lôi tấm chăn bông cuộn tròn trên nóc tủ xuống là trong lòng đã nghĩ “đến Tết”, đến màu vôi chuẩn bị quét lên tường, đến manh áo mới cho con...

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ngoài bốn mùa trong tự nhiên, mùa của thời tiết là Xuân Hạ Thu Đông, còn một mùa nữa mỗi dân tộc đều có, mùa thứ năm, thế giới gọi là mùa lễ hội, ở ta là “Mùa Tết”.

Mùa lễ hội các nước bắt đầu từ đầu tháng cuối năm với tinh thần “Greeting Season- Chào mừng mùa Lễ hội”, kéo suốt tháng cho đến ngày đầu năm mới. Mùa của sắc màu, ánh sáng, mua sắm, quà cáp, đi lại, trở về, gặp gỡ và tiệc tùng.

Tết ở ta đồng nghĩa với mùa xuân, nhưng “mùa Tết” thực chất đã bắt đầu rất sớm, ngay từ những ngày chớm đông, cuối tháng mười, đầu tháng mười một ta, khi những đợt gió mùa Đông Bắc thổi về, khi mọi nhà lôi tấm chăn bông cuộn tròn trên nóc tủ xuống là trong lòng đã nghĩ “đến Tết”, đến màu vôi chuẩn bị quét lên tường, đến manh áo mới cho con, lòng đã có chút xốn xang, lo lắng, chộn rộn...

Vì sao vậy?

Là có lẽ do tiết giời, đầu tiên là cảm thức về mùa thức dậy, ùa lên, khơi gợi, thức cảm

này nó cứ ngây ngây trong lòng, ẩn hiện, lúc tạm lắng, lúc nổi lên âm ỉ suốt mấy tháng giời cho đến sát ngày cuối năm. 

Có mấy thứ cảm thức của mùa tạo nên “cảm thức Tết”.

Đầu tiên là tiết giời. 

Thời tiết có nhẽ là cái thứ gây xáo trộn thức cảm nhiều và mạnh nhất. Nó như tiếng thổi của tạo hóa, cái tiếng thổi ấy lúc gầm rú thét gào, lúc du dương như tiếng sáo trong không trung. Lúc là luồng gió lạnh như cơn gió đi qua tảng băng, lúc lại như thổi qua vùng ấm áp, lúc hanh khô, khi ẩm ướt như luồng hơi từ hồ nước nóng nơi nào thổi tới. Nó làm người ta rơi vào cảm giác có thể vừa lo lắng, muộn phiền, lại vừa hồi hộp, ngất ngây, chộn rộn mong chờ thèm khát một điều gì sẽ đến. 

Tiếp đến là thời gian và không gian.

Cuối năm là thời gian của sự gấp rút. “Ôi nhanh quá” là câu cảm thán cửa miệng của mỗi người. Năm nay càng đặc biệt, vừa hết mùa xuân là ập đến “mùa dịch”. Trong mùa dịch, những ngày nặng nề đen tối do dịch bệnh đã xóa đi hết trong người ta mọi “cảm thức” về mùa. Suốt mấy tháng hè chẳng ai nghĩ đến tiếng ve, thu sang không còn nghĩ gì về “mùi hoa sữa”, chỉ có tiếng còi xe cấp cứu, tiếng thở phập phồng âu lo giữa hai bờ sinh tử...

Dịch tạm lắng, thu qua, đông ập đến. Đôi lúc do ám ảnh dịch bệnh nên rơi vào trạng thái vô cảm với thời gian, nhưng thời gian vốn dĩ thường không cho phép người ta bất động, đóng băng cảm xúc. Vẫn còn đấy cái không gian cuối năm với đầy đủ độ mơn man của se lạnh, vẫn cái màu mờ ảo thần thánh của buổi sớm mai hay chiều muộn, lúc sớm khuya, nơi những con đường, góc phố đã bình lặng hơn sau mùa đại dịch. Một nhịp sống giảm tốc tự nhiên không biển báo diễn ra thận trọng, bớt phù phiếm hơn, về gần hơn với những gì cốt lõi nhất, đúng với bản thể nhất.

***

Những năm gần đây, thế hệ những người “muôn năm cũ” khuất dần, già dần, “cảm thức Tết” cũng thay đổi nhanh và nhiều phần “nhạt bớt” ở những thế hệ sau. Thường ra, ở những “gia đình có điều kiện” lúc nào chẳng là Tết, trong khi vẫn còn bao nhà “ba mươi mà Tết vẫn chả thấy đâu”. 

Giờ hình như vì nhiều lý do người ta sợ Tết, chán và vô cảm với Tết. “Đang yên đang lành, đùng cái Tết” là câu than vãn vui nhưng cũng có nhiều phần sự thật trong tâm trạng của không ít người.

Nhưng cũng may là nói vậy thôi chứ rồi “năm hết Tết đến”, không ai “thoát Tết” được. Cũng phải lo lắng, buồn vui, chộn rộn không nguôi với Tết. Có “trốn Tết” cũng phải hết mùng một, mùng hai, mùng ba “tiễn các cụ” xong, đi đâu mới đi.

Năm nay dịch giã càng khó “đi trốn”, biết đâu lại càng cần Tết, dựa vào Tết mà gần gũi, sưởi ấm lòng nhau. Cảm thức Tết từ đây sẽ lại ùa về mới mẻ hơn, sâu lắng hơn, như cảm thức chung về mùa tự nhiên của đất trời ban tặng.

Được thế thì may quá!