Một năm có bao nhiêu Tết ở Việt Nam?
Việt Nam - dân tộc châu Á, ảnh hưởng rất sâu đậm nền văn hóa phương Đông từ lâu đời. Hàng năm, ngoài Tết Nguyên Đán, còn nhiều ngày lễ, Tết theo phong tục, tập quán xưa để lại.
1. Tết Nguyên Đán, còn gọi là Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền, là dịp lễ đầu năm mới theo âm lịch của các dân tộc thuộc Vùng văn hóa Đông Á như Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Singapore. Hàng năm, Tết được tổ chức vào ngày mùng 1 tháng Giêng âm lịch trên toàn nước Việt Nam và ở một số nước có cộng đồng người Việt sinh sống.
Trong những ngày Tết, các gia đình sum họp bên nhau, cùng thăm hỏi người thân, dành những lời chúc mừng tốt đẹp, mừng tuổi và thờ cúng tổ tiên. Tết Nguyên Đán là ngày tết lớn và trang trọng nhất của người Việt Nam.
2. Tết Trâu, (Tết chuồng trâu, tết ông chuồng, tết ông chuồng – bà chuồng, tết trâu, tết trâu bò) là một nghi lễ thờ cúng vị thần cai quản chuồng chăn nuôi của các hộ gia đình nông dân ở Việt Nam. Theo quan niệm của người Việt xưa, mỗi khu vực chuồng nuôi đều có những vị thần cai quản, được gọi là ông chuồng, bà chuồng.
Hàng năm, từ ngày mùng 4 đến mùng 10 tháng Giêng âm lịch, người dân tổ chức cúng tết chuồng trâu với các lễ vật: đèn, nhang (hương), trầu, cau, trái cây, gạo, rượu, trà, vàng mã… ngay tại phía trước cửa (khu vực) chuồng nuôi nhốt vật nuôi với mong muốn có một năm chăn nuôi thuận lợi, vật nuôi khỏe mạnh.
Kết thúc nghi lễ, chủ nhà đổ rượu vào miệng mũi trâu đực, đổ nước trà vào miệng mũi trâu cái; cho vật nuôi ăn xôi, bánh vừa được cúng; dán giấy vàng bạc lên hai sừng của trâu bò, lên cột của chuồng nuôi.
3. Tết Thượng Nguyên (Tết Nguyên Tiêu), là ngày lễ hội cổ truyền tại Việt Nam và Trung Quốc. Lễ hội trăng rằm từ giữa đêm 14 (đêm trước trăng Rằm) cho đến hết nửa đêm 15 (đêm trăng Rằm) của tháng Giêng Âm lịch.
Ở Việt Nam, ngày rằm Tháng Giêng là dịp dân chúng lên chùa cúng sao giải hạn, ước nguyện điều lành, Lễ hội đêm trăng Rằm hiện được nhiều nơi tổ chức. Đêm Nguyên tiêu của Ngày thơ Việt Nam, hiện đã thành nếp văn hóa thường xuyên được tổ chức ở nhiều địa phương.
Ở những nơi có đông người Hoa sinh sống như Chợ Lớn, Hội An, lễ hội trăng rằm có nhiều sinh hoạt đặc biệt, được tổ chức với phần lễ, hội đa dạng, đặc sắc và phong phú tại các Hội quán, gia đình.
4. Tết Hàn Thực, (mùng 3 tháng 3 Âm lịch). “Hàn Thực” nghĩa là “thức ăn lạnh”. Ngày tết truyền thống này xuất hiện tại một số tỉnh của miền Bắc Việt Nam, Trung Quốc, và một số cộng đồng người Việt gốc Hoa trên thế giới. Hàng năm vào ngày này, nhiều gia đình xay bột, đồ đỗ xanh, làm bánh trôi, bánh chay (ở Trung Quốc nấu chè trôi nước), nấu xôi chè lễ Phật và cúng gia tiên, có lẽ đó cũng là một cách tưởng niệm người thân trong những ngày tháng cuối xuân.
5. Tết Thanh Minh, người dân có tục đi tảo mộ gia tiên và làm lễ cúng gia tiên sau đó. Công việc chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên cho được sạch sẽ. Nhân ngày Thanh minh, người ta mang theo xẻng, cuốc để đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại và những cây cỏ hoang dại mọc trùm lên mộ. Sau đó, người tảo mộ thắp vài nén hương, đốt vàng mã hoặc đặt thêm bó hoa cho linh hồn người đã khuất.
6. Tết Đoan Ngọ hoặc Tết Đoan Dương, (ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch) là một ngày Tết truyền thống tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Tết Đoan Ngọ tồn tại từ lâu trong văn hóa dân gian phương Đông và có ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hóa.
Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian từ 11 giờ trưa tới 1 giờ chiều, và ăn Tết Đoan Ngọ là ăn vào buổi trưa. Đoan ngọ lúc mặt trời bắt đầu ngắn nhất, ở gần trời đất nhất trùng với ngày hạ chí. Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan dương. Theo triết lý y học Đông phương thì hỏa khí (thuộc dương) của trời đất và trong cơ thể của con người trong ngày Đoan ngọ đều lên đến tột bậc.
7. Tết Trung nguyên, trùng hợp với ngày Rằm tháng 7 Xá tội vong nhân của phong tục Á Đông. Theo tín ngưỡng dân gian, đây là ngày mở cửa ngục, ân xá cho vong nhân nên có lễ cúng cô hồn cho các vong linh không nơi nương tựa, không có thân nhân trên Dương thế thờ cúng, và là ngày mọi tù nhân ở địa ngục có cơ hội được xá tội, được thoát sanh về cảnh giới an lành.
8. Tết Trung thu, theo Âm lịch là ngày Rằm tháng 8 hằng năm, đây đã trở thành ngày tết của trẻ em (Tết thiếu nhi). Trẻ em rất mong đợi ngày này vì thường được người lớn tặng đồ chơi, thường là đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân, tò he... và được ăn bánh nướng, bánh dẻo. Vào ngày này, người ta tổ chức bày cỗ, trông trăng.
Thời điểm trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát vừa ngắm trăng phá cỗ. Ở một số nơi, người ta còn tổ chức múa lân, múa sư tử, múa rồng để các em vui chơi thỏa thích. Tết Trung thu là lễ hội tại các nước và vùng lãnh thổ ở Đông Á và Đông Nam Á như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên, Đài Loan, Singapore.
9. Tết Song thập, (mùng 10 tháng 10 hoặc 15 tháng 10 Âm lịch) còn gọi là tết của các thầy thuốc, hay là Tết Trùng thập, Tết Thường tân, Tết Cơm mới tháng mười, có xuất xứ từ Trung Quốc. Theo sách Dược lễ thì ngày 10 tháng 10 Âm lịch, cây thuốc mới tụ được khí âm dương, kết được sắc tứ thời (Xuân, Hạ, Thu, Đông) trở nên tốt nhất.
Người ta tin rằng đó là ngày hoàn hảo nhất sau mùa thu, vì vậy Tết song thập, người Hoa luôn tạ ơn vì ân sủng của vùng đất vào ngày này. Các món ăn chính trong ngày này và thực phẩm được làm từ gạo, chẳng hạn như gạo và cỏ linh lăng.
10. Tết ông Công - Cúng ông Công, ông Táo là một phong tục có từ rất lâu đời ở Việt Nam. Theo truyền thuyết kể lại, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo là ba vị đầu rau trông coi việc bếp núc.
Ông Công, ông Táo được ông Trời phái xuống trần gian theo dõi và ghi chép những việc làm Thiện-Ác của loài người. Hàng năm, cứ vào ngày 23 tháng Chạp, các vị thần này lại cưỡi cá chép lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong suốt một năm qua để Thiên đình định đoạt công, tội.