Gần 70 năm thành lập và phát triển, ngành Hải quan Việt Nam luôn tuân thủ tuyệt đối đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, thực hiện tốt nhiệm vụ cơ bản được Đảng và Nhà nước giao cho: kiểm tra giám sát hàng hóa, phương tiện vận tải; phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Tổ chức thực hiện pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; kiến nghị chủ trương, biện pháp quản lý nhà nước về Hải quan đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và chính sách thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo quy định.
Trong những năm qua, ngành Hải quan đã đạt được những thành tựu đáng kể trên tất cả các mặt do có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ công chức. Đặc biệt, việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” luôn được Đảng bộ Tổng cục coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa giỏi về nghiệp vụ, vừa gương mẫu trong lối sống, rèn luyện đạo đức, tác phong. Thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" do Bộ Chính trị phát động và sự chỉ đạo, hướng dẫn của Đảng uỷ Bộ Tài chính, từ năm 2007 đến nay, Đảng bộ Tổng cục Hải quan đã có nhiều chủ trương, biện pháp quyết liệt trong việc chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, rèn luyện đạo đức cách mạng theo tấm gương đạo đức Bác Hồ về cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư.
Đức tính “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” mà Bác Hồ đã dạy là nền tảng của đời sống mới, là phẩm chất hàng đầu của đạo đức cách mạng. Đây là những đức tính mà bản thân mỗi cán bộ, đảng viên ngành Hải quan luôn lấy đó để điều chỉnh, soi rọi, thực hiện trong mọi hoạt động. Cần kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là phẩm chất của đạo đức truyền thống, nhưng được Bác Hồ đưa vào những nội dung theo yêu cầu mới, bắt buộc cán bộ, đảng viên phải làm gương thực hiện để nhân dân noi theo với mục đích đem lại lợi ích cho dân, cho nước.
Qua việc triển khai học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong ngành Hải quan, cán bộ, đảng viên trong toàn Ngành đã nhận thức được “cần" là làm việc chuyên cần, “việc hôm nay không để ngày mai”, vì Bác đã dạy: “Dân đã lấy tiền mồ hôi, nước mắt để trả lương cho ta trong những thì giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân”. và “lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của mỗi chúng ta”. Nhưng không phung phí sức khoẻ, phải biết nuôi dưỡng tinh thần và sức lực để làm việc lâu dài. Bác cho rằng “lười biếng là kẻ địch của cần”, vì vậy, lười biếng cũng là kẻ địch của dân tộc.
Thực hiện lời Bác, "kiệm" là tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thì giờ của dân, của nước, của bản thân mình; tiết kiệm từ cái to, tới cái nhỏ. Kiệm là không xa xỉ, không lãng phí, không bừa bãi, cán bộ đảng viên Tổng cục Hải quan gần 5 năm đã tập trung vào thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham ô hiệu quả. Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định 1688/QĐ-TCHQ về quy chế quản lý tài chính đối với các đơn vị trực thuộc và Quyết định 1689/QĐ-TCHQ về quy chế chi tiêu và định mức chi tiêu nội bộ, thực hiện cơ chế khoán đến từng vụ, cục và tích cực thực hiện cải cách hành chính trong Ngành để tiết kiệm thời gian, làm việc hiệu quả và có năng suất cao hơn.
Nhiều đơn vị trong Ngành đã cụ thể hóa quy định tiết kiệm trong sử dụng trang thiết bị như máy điều hòa, điện thắp sáng, giấy, mực in, điện thoại, hạn chế các cuộc họp không cần thiết, sử dụng hệ thống mạng để thông báo điều hành công việc. Tiêu biểu là các đơn vị: Văn phòng Đảng uỷ Tổng cục, Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Kiểm tra Sau Thông quan, Chi bộ Vụ Tổ chức, Vụ Giám sát quản lý, Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch tài chính, Thanh tra ….
Ngoài việc ban hành các quy định, Đảng ủy đã tăng cường công tác giáo dục về ý thức thực hành tiết kiệm cho toàn thể cán bộ, đảng viên trong toàn Ngành. Sau khi triển khai việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã có chuyển biến mạnh mẽ về ý thức của mỗi cán bộ đảng viên, công chức Hải quan trong thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Những việc làm như ra khỏi phòng tắt điện, sử dụng giấy in hai mặt, thông tin trên mạng nội bộ, xe đưa đón cán bộ đi công tác đã trở thành thói quen trong mỗi người cán bộ, đảng viên ở các cơ quan, đơn vị trực thuộc hệ thống Hải quan Việt Nam.
Kết quả trong hơn 4 năm qua, toàn ngành đã tiết kiệm được: 111, 973 tỷ đồng trong đó điển hình là năm 2008 tiết kiệm được 74, 925 tỷ đồng (tiết kiệm điện: 692 triệu đồng; xăng dầu: 594 triệu đồng, điện thoại, báo chí: 816 triệu đồng, văn phòng phẩm: 603 triệu đồng, xây dựng cơ bản: 69 tỷ đồng); năm 2009: 34,548 tỷ đồng (tiết kiệm văn phòng phẩm, điện thoại, xăng dầu, báo chí: 9,706 tỷ đồng, khoán biên chế: 6.238 tỷ đồng, kinh phí tiếp đoàn ra vào, xử dụng NSNN: 2,801 tỷ đồng; mua sắm sửa chữa: 1,698 tỷ đồng, xây dựng cơ bản: 13,702 tỷ đồng)...
Thấm nhuần tư tưởng của Bác về "liêm, chính, chí công vô tư", cấp uỷ và lãnh đạo các cấp trong ngành Hải quan luôn chú ý tuyên truyền giáo dục cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong các cơ quan, đơn vị phải lấy "liêm" làm đầu, tôn trọng, giữ gìn của công và của dân, không tham địa vị, không tham tiền tài, giữ mình trong sạch trước mọi cám dỗ vật chất.
Là những người cán bộ hải quan, mang trên mình trọng trách gác cửa nền kinh tế đất nước, phải đối mặt với những khó khăn, thử thách và cả những “cám dỗ” vật chất mà các đối tượng gian lận thương mại dùng mọi thủ đoạn để mua chuộc. Vì thế, cán bộ, đảng viên ngành Hải quan luôn cố gắng giữ vững phẩm chất, đấu tranh với “cái tôi” của bản thân để vượt qua những cám dỗ tầm thường, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của người cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ, đảng viên hải quan đang làm nhiệm vụ ở những vùng biên giới, cửa khẩu, hàng ngày, hàng giờ phải tiếp xúc với nhiều đối tượng, đối mặt với nhiều vụ việc phức tạp... Thế nhưng, các cán bộ, đảng viên luôn nêu cao ý thức trách nhiệm tận tuỵ với nghề, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Học tập Bác về ý thức kỷ luật, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Tổng cục Hải quan cũng thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, nhận xét, phân loại tập thể, cá nhân hàng quý, năm gắn với bình xét, xếp loại lao động. Vì vậy, tự mỗi cán bộ, đảng viên luôn tự ý thức phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, thông qua hệ thống đường dây nóng, hộp thư góp ý điện tử, hòm thư góp ý trực tiếp, quy tắc ứng xử của cán bộ công chức Hải quan tại các cửa khẩu để cấp uỷ, lãnh đạo đơn vị và các tổ chức đoàn thể và cá nhân cán bộ, đảng viên giám sát và điều chỉnh hoạt động của nhau và khi thi hành nhiệm vụ.
Trong thời gian qua, ngành Hải quan cũng đã không ngừng nghiên cứu và triển khai áp dụng các kỹ thuật nghiệp vụ mới để đơn giản hoá quy trình thủ tục hải quan và rút ngắn thời gian thông quan, áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong kiểm tra thực tế hàng hoá, bước đầu áp dụng thủ tục hải quan điện tử và khai hải quan từ xa, đặc biệt là triển trai thành công và đồng bộ hệ thống thông quan tự động VNACC/VCIS trong năm 2014, rút ngắn đáng kể thời gian thông quan hàng hoá, tăng thêm sức cạnh tranh cho hàng hoá và doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế; Cải tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho việc quản lý nội bộ và chống tham nhũng, tiêu cực có kết quả.
Tổng cục Hải quan đã chú ý việc ứng dụng công nghệ thông tin khá sớm. Hiện nay toàn ngành Hải quan đã triển khai áp dụng được 14 hệ thống phần mềm công nghệ thông tin vào các khâu nghiệp vụ, phục vụ quản lý, điều hành. Trong đó nhiều ứng dụng phát huy hiệu quả như hệ thống thu thập dữ liệu tờ khai hải quan, hệ thống dữ liệu giá tính thuế, hệ thống quản lý hàng gia công, hệ thống tin học văn phòng… Hiện tại, ngành đang triển khai thực hiện mở rộng thí điểm thủ tục hải quan điện tử và khai hải quan từ xa ở một số địa bàn trọng điểm.
Nhờ nỗ lực, kiên trì đổi mới hoạt động, công tác thu ngân sách của ngành Hải quan đạt những thành tựu to lớn. Từ năm 2000 đến nay, bằng những giải pháp chống thất thu có hiệu quả, coi trọng sử dụng 3 công cụ điều tra, kiểm tra sau thông quan và phân tích phân loại hàng hoá xuất nhập khẩu, Ngành luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao, số thu năm sau tăng cao hơn năm trước, chiếm khoảng từ 25% đến hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước.
Tổ chức bộ máy của Ngành không ngừng được củng cố, sắp xếp, bố trí cán bộ theo yêu cầu hiện đại hoá. Công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ được nâng cao theo yêu cầu tiêu chuẩn hoá cán bộ; cán bộ trẻ được tuyển dụng có trình độ đào tạo cơ bản; công tác đề bạt, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ cũng đã được chú trọng, đáp ứng yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ, hiện đại hoá Ngành.
Với những nỗ lực phấn đấu đó, ngành Hải quan đã 02 lần được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân chương cao quý khác. Có 4 Cục Hải quan tỉnh, thành phố được Chủ tịch Nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động và đang xuất hiện thêm một số nhân tố mới tích cực; nhiều tập thể và cá nhân đạt thành tích xuất sắc...
Trong thời gian tới, ngành Hải quan sẽ tập trung triển khai thực hiện tốt các công tác trọng tâm : tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hải quan, tổ chức triển khai tốt Luật Hải quan sửa đổi từ 1/1/2015 và nhiệm vụ thu ngân sách đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị do Đảng, Chính phủ và Bộ Tài chính giao.
Cán bộ, đảng viên Tổng cục Hải quan thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”
(Tài chính) Đức tính “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” mà Bác Hồ đã dạy là nền tảng của đời sống mới, là phẩm chất hàng đầu của đạo đức cách mạng. Đây là những đức tính mà bản thân mỗi cán bộ, đảng viên ngành Hải quan luôn lấy đó để điều chỉnh, soi rọi, thực hiện trong mọi hoạt động.
Xem thêm