Cần “ chợ ” mua bán nợ giữa doanh nghiệp

Theo DATC/TBKTSG

(Tài chính) Nếu không tạo những giao dịch chuẩn ban đầu, cũng như trao quyền năng thực sự trong việc xử lý nợ xấu cho thị trường, thì Nhà nước còn chật vật với vấn đề này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Cháy nhà ra mặt... nợ
 
Công ty A là đối tác cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho công ty B. B nợ A hơn nửa tỉ đồng từ nhiều năm. Một hôm, A nghe tin B đã được bán lại công ty cho C. B không thông báo với chủ nợ, C cũng lờ đi. A nhiều lần gửi công văn, cho người đến đề nghị trả nợ thì C trả lời “không biết, đó là chuyện của chủ cũ”. A phải tìm luật sư, làm thủ tục kiện C.
 
Một vụ kiện đòi nợ của doanh nghiệp, từ khi khởi đầu đến khi kết thúc thông thường sẽ khiến các bên liên quan mất 1-2 năm, dù kết cục chưa biết có đòi được gì hay không.
 
Hàng trăm vụ kiện như vậy đang diễn ra mỗi ngày. Nó tiêu hao thời gian, tiền bạc và bào mòn tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là với những doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang rất chật vật để chống chọi với tình hình khó khăn hiện nay.
 
Có những con nợ không biến mất, nhưng đòi nợ miệng không được, ra tòa thì mệt mỏi, nhờ dịch vụ đòi nợ thuê thì cũng nhiều phiền toái mà lùm xùm lên chẳng đẹp mặt ai. Có những doanh nghiệp bán nợ được cho một số công ty trung gian, trong đó có cả Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC, thuộc Bộ Tài chính) nhưng với giá rất rẻ và rất ít khoản nợ có đủ điều kiện để bên kia mua (không thống nhất được giá trị định giá, thiếu giấy tờ, tài sản có tranh chấp...). Các công ty trung gian có thể mua nợ hiện rất hiếm mà tiềm lực tài chính còn rất hạn chế.
 
Chợ nợ đang... nửa vời
 
Cần “ chợ ” mua bán nợ giữa doanh nghiệp - Ảnh 1 DATC được lập ra như cái túi “đựng” nợ của Bộ Tài chính, chủ yếu “đựng” nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước để các doanh nghiệp này có thể cổ phần hóa. DATC nhiều năm muốn mở rộng hoạt động, mua bán các khoản nợ thương mại ngoài khu vực nhà nước nhưng vốn ít, lại vướng mắc quá nhiều trong cơ chế quản lý.
 
Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thì đang vừa làm vừa điều chỉnh, và nhiệm vụ chính cũng chỉ là cái túi để nợ xấu của ngành ngân hàng.
 
Các công ty xử lý tài sản (AMC) thuộc các tổ chức tín dụng hiện hoạt động như phòng thu nợ cho ngân hàng mẹ. Có thời điểm các ngân hàng rất muốn mua bán nợ xấu lẫn nhau và để các AMC bắt tay nhau nhưng không được vì vướng cơ chế. AMC của nhiều ngân hàng coi như chết lâm sàng, người rút đi hết, chỉ còn cái tên tượng trưng ở đó.
 
Vì sao các ngân hàng muốn liên kết các AMC? Bởi đặc thù Việt Nam, một doanh nghiệp quan hệ tín dụng với nhiều ngân hàng. Một tài sản được dùng để thế chấp vay vốn ở vài ngân hàng. Khi doanh nghiệp gặp khó, cùng một lúc nợ của doanh nghiệp đó ở vài ngân hàng đều được chuyển xuống nhóm dưới. Để xử lý, cần có một ngân hàng “cầm cái” đứng ra mua lại nợ của các ngân hàng bạn hoặc gom các tài sản bảo đảm tập trung về một mối, sau đó mới có quyền mạnh tay hơn để xử lý chùm nợ đó.

Nếu không có người đứng ra làm “nhà cái” thì muốn xử lý các khoản nợ nói trên, phải lập ra một hội đồng chủ nợ, gồm đại diện các ngân hàng. Trên thực tế, mô hình “hội đồng” này dễ dẫn đến thất bại. Chỉ cần một chủ nợ, dù bé nhất, không hợp tác, thì khoản nợ coi như nằm đó vô thời hạn hoặc các ngân hàng quay sang thủ thế lẫn nhau. Vụ việc kho hàng của Công ty Trường Ngân được thế chấp vay tại nhiều ngân hàng và các ngân hàng không ai chịu ai trong việc hợp tác xử lý nợ, dẫn đến tất cả các ngân hàng đều thiệt trong năm 2013 là một ví dụ.
 
Doanh nghiệp cần chợ của mình
 
Hiện không có chợ nợ nào, tập trung và đủ lớn, để doanh nghiệp giao dịch nợ. Vì vậy các khoản nợ hoặc là nằm chết gí, gây thiệt hại cho các bên liên quan và kéo nền kinh tế đi xuống, hoặc chuyển nhượng lòng vòng lẫn nhau không có đường ra.
 
Bản thân các doanh nghiệp có những thời điểm vì áp lực tài chính quá lớn nên cần tạm bán nợ đi, sau đó có thể mua lại khoản nợ đã bán và thực hiện nghĩa vụ nợ của mình. Thị thường mua bán nợ tập trung, nếu có, cũng sẽ đóng vai trò chiếc bình thông nhau để điều tiết các tài sản chảy về nơi hợp lý.
 
Trao đổi với chúng tôi, nhiều doanh nghiệp đồng tình rằng đã đến lúc cần một thị trường mua bán nợ giữa các doanh nghiệp ngoài các tổ chức tín dụng. Đặc biệt, cần có đội ngũ các đơn vị trung gian xử lý các khoản nợ phải thu của doanh nghiệp một cách chuyên nghiệp và tin cậy. Thị trường mua bán nợ cho các doanh nghiệp, thậm chí giao dịch nợ của cả các cá nhân, sẽ là thị trường rất lớn.
 
“Ở trên sàn giao dịch nợ đó, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, tổ chức và cá nhân có thể hoán đổi cho nhau các khoản nợ. Về lâu dài, như ở các thị trường phát triển, người ta có thể chứng khoán hóa các khoản nợ đó, giống như một dạng trái phiếu và giao dịch trên thị trường chứng khoán”, phó tổng giám đốc một ngân hàng bình luận.
 
Tuy nhiên, ông cũng dẫn lời các chuyên gia cảnh báo về việc xử lý nợ nhưng đừng đưa các khoản nợ xấu đi quá xa. Càng đi xa khỏi các tài sản vật chất, nhà, xe hay bất kỳ tài sản gì được dùng để thế chấp, gói gộp và chứng khoán hóa khoản nợ, thì sẽ càng có nhiều rủi ro.
 
Ông cho rằng Việt Nam có thể khởi đầu bằng cách Nhà nước, hoặc thông qua một đơn vị được Nhà nước chỉ định, chọn một số khoản nợ đủ tiêu chuẩn, giao dịch thử nghiệm, rút kinh nghiệm và sửa đổi các cơ chế đi kèm.