Cần có chế tài buộc chủ đầu tư phải xây dựng hạ tầng đô thị?
Tình trạng quá tải cũng như thiếu hạ tầng tại các khu đô thị (KĐT) ở Hà Nội từ lâu đã trở thành một vấn đề bức xúc trong dư luận. Các KĐT vẫn chỉ tập trung vào nhà ở để bán, chưa phát triển đồng bộ hạ tầng, nên chất lượng đô thị chưa cao. Điều đó cho thấy, việc tạo dựng môi trường sống bền vững, chất lượng sống tốt cho cư dân đang là yêu cầu đặt ra trong công tác phát triển các KĐT mới ở thủ đô hiện nay.
Chậm triển khai các công trình công cộng
Kết quả giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố từ năm 2016 đến hết tháng 3/2019 cho thấy, trên địa bàn Thủ đô hiện có 147 dự án nhà ở thương mại, 13 dự án nhà ở xã hội; 11 dự án nhà tái định cư có quyết định chủ trương đầu tư xây dựng. Trong số này, nhiều dự án KĐT mới, khu nhà ở có quy hoạch đất xây dựng nhà trẻ, trường học phổ thông, tuy nhiên việc đầu tư xây dựng chưa đồng bộ, chậm so với tiến độ xây dựng nhà ở.
Điển hình về tình trạng thiếu hạ tầng là tại các KĐT như Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai), Kim Văn - Kim Lũ (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai), Nam Trung Yên (phường Trung Hòa và Yên Hòa, quận Cầu Giấy),…
Liên quan đến việc quá tải, thiếu hạ tầng tại các đô thị hiện nay của Hà Nội, mới đây trong văn bản gửi Cục Quản lý thị trường bất động sản (BĐS), Bộ Xây dựng góp ý cho Đề án “Đánh giá tình hình thị trường, dự báo xu hướng trung hạn, đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách để thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh”, Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) cũng cho rằng, đối với công tác quy hoạch hiện đang tồn tại tình trạng dễ làm, khó bỏ.
Theo đó, khi triển khai các phần quy hoạch có thể kinh doanh được thì làm rất nhanh nhưng các công trình hạ tầng, kỹ thuật lại chậm triển khai, thậm chí không triển khai. Điều đó dẫn đến tình trạng các dự án KĐT bỏ hoang, khu nhà ở phát triển mới ở khu ven đô đều thiếu nhà trẻ, trường học, bệnh viện, dịch vụ, không thu hút được người dân đến ở, bỏ hoang gây lãng phí tiền của xã hội.
VNREA cũng kiến nghị các công trình hạ tầng xã hội phải được đầu tư song song với công trình nhà ở. Chủ đầu tư chỉ được phép kinh doanh nhà ở khi đã đầu tư xong công trình hạ tầng xã hội. Cùng với đó, cần nghiêm cấm bố trí quy hoạch, các công trình hạ tầng xã hội vào vị trí dân cư hiện hữu, nghĩa trang hoặc khu vực khó giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng thiếu hạ tầng trong các KĐT vẫn còn diễn ra phổ biến, gây nhiều bức xúc cho người dân Thủ đô.
Có chế tài buộc chủ đầu tư phải xây dựng hạ tầng đô thị
Về góc độ quy hoạch, ông Đỗ Viết Chiến - nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), Tổng Thư ký VNREA chia sẻ, KĐT bắt buộc phải quy hoạch đồng bộ cả hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Tuy nhiên, do khâu quản lý và tổ chức thực hiện theo quy hoạch chưa tốt, cùng với thiếu nguồn lực nên xảy ra tình trạng các KĐT không đi kèm với phát triển hạ tầng; xung đột bất cập giữa các đô thị mới và KĐT cũ; nhiều trường hợp quy hoạch bị bóp méo. Nhiều KĐT mới hình thành chỉ là đáp án tức thời cho bài toán tăng quỹ nhà ở, chưa tạo được một môi trường sống thực sự theo đúng nghĩa. Vì thế, nhiều đô thị ở Hà Nội đang phải đối mặt với ô nhiễm môi trường, giao thông tắc nghẽn...
Trước thực trạng chậm thực hiện các hạng mục hạ tầng xã hội, thậm chí là cắt xén, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân, theo PGS.,TS. Lưu Đức Hải (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam), chính quyền địa phương phải đưa ra giải pháp buộc nhà đầu tư xây dựng thêm các hạng mục tiện ích, không gian công cộng cho cư dân. Trường hợp nhà đầu tư hoàn thành dự án và rời đi rồi, thì địa phương phải tự bố trí kinh phí để đầu tư nhà trẻ, bệnh viện, công viên...
Về lâu dài, cơ quan quản lý Nhà nước cần quản lý, giám sát nghiêm việc thực hiện đúng quy hoạch của dự án. Trong trường hợp bắt buộc điều chỉnh, chủ đầu tư phải bảo đảm quy hoạch đó có lợi cho người dân trong khu đô thị, có lợi cho sự phát triển chung của dự án, cộng đồng dân cư.