Cần có cơ chế thúc đẩy phân khúc nhà giá rẻ
Dự án “Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội (NOXH) tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030” do Bộ Xây dựng và KOICA phối hợp thực hiện nhằm nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và khảo sát tình hình thực tế của Việt Nam, đề xuất cơ chế chính sách về phát triển nhà ở xã hội phù hợp với tình hình và xu hướng phát triển của Việt Nam...
Vừa qua, Tập đoàn VSIP Bắc Ninh vừa khánh thành tòa nhà văn phòng nằm trong khu đô thị BelHomes. Tọa lạc trên diện tích đất gần 700 héc-ta, ở vị trí ranh giới chiến lược giữa Hà Nội và Bắc Ninh tại xã Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, VSIP Bắc Ninh là dự án thứ 3 của Tập đoàn VSIP và là khu tích hợp công nghiệp - đô thị, dịch vụ, biểu tượng hợp tác kinh tế thành công của hai chính phủ Việt Nam và Singapore.
Điểm nhấn quan trọng nhất đó là Công viên công nghệ cao Inno - Biz Hub - không gian chuyên biệt được thiết kế phù hợp để vận hành văn phòng làm việc, trung tâm nghiên cứu - phát triển, phòng thí nghiệm - kiểm thử, trung tâm thương mại - dịch vụ và đặc biệt lý tưởng cho các doanh nghiệp sản xuất. Inno-Biz Hub được xem như mảnh ghép cuối cùng trong khu phức hợp VSIP, tạo nên một tổng thể hoàn thiện - nơi các doanh nghiệp sản xuất, khối kỹ thuật - dịch vụ - thương mại và đô thị - nhà ở bổ trợ lẫn nhau, kiến tạo nên những giá trị phát triển bền vững.
Cũng vì khu đô thị đầu tiên mang tên BelHomes mà VSIP Bắc Ninh được đón nhận giải thưởng "Dự án Đô thị phát triển bền vững tốt nhất Đông Nam Á" do Dot Property Southeast Asia Award 2018 trao tặng. Dự án với diện tích 5,7 héc-ta được đầu tư và xây dựng bởi tập thể lãnh đạo và nhân viên công ty với mong muốn kiến tạo những "tổ ấm sum vầy, đong đầy hạnh phúc" cho khách hàng.
Đặc biệt, VSIP Bắc Ninh là một trong rất ít nhà phát triển dự án khu công nghiệp quan tâm phát triển khu đô thị hoàn thiện, trong đó xem con người là trọng tâm để phục vụ. Mô hình này cần được tạo điều kiện để nhân rộng trên toàn Việt Nam, bởi hiện nay, số lượng công nhân khu công nghiệp có nhu cầu về chỗ ở vào khoảng 1,2 triệu người và dự kiến lên tới chừng 3 triệu người đến năm 2020. Đây là vấn đề thu hút sự quan tâm không chỉ của Chính phủ Việt Nam mà còn cả các tổ chức quốc tế như Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA).
Sự ra đời của Dự án “Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội (NOXH) tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030” do Bộ Xây dựng và KOICA phối hợp thực hiện nhằm nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và khảo sát tình hình thực tế của Việt Nam, đề xuất cơ chế chính sách về phát triển nhà ở xã hội phù hợp với tình hình và xu hướng phát triển của Việt Nam.
Dự án gồm 5 hợp phần: Đánh giá thực trạng NOXH của các hộ gia đình thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp; Khảo sát và nghiên cứu về dự báo nhu cầu nhà ở cho các hộ gia đình thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2030; Xây dựng các chính sách NOXH tại Việt Nam cho các nhóm đối tượng mục tiêu là các hộ gia đình thu nhập thấp tại khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp thông qua các bài học từ kinh nghiệm quốc tế; Đề xuất hoàn thiện Luật Nhà ở hiện hành nhằm thúc đẩy các chính sách NOXH được đề xuất trong dự án và Chương trình nâng cao năng lực.
Dự án này được thực hiện trong 30 tháng (từ tháng 10/2018 đến tháng 3/2021). Tổng kinh phí thực hiện dự án là 3,3 triệu USD, trong đó vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc là 3 triệu USD, vốn đối ứng của Việt Nam là 0,3 triệu USD. Dự án được giao cho KOICA thực hiện và Bộ Xây dựng là Cơ quan chủ quản dự án.
Theo quy định, Hà Nội sẽ có 12 nghìn ha đất, TP. Hồ Chí Minh có 8 nghìn ha đất để phát triển khu đô thị, nếu tuân thủ đúng quy định mỗi dự án phải dành 20% diện tích cho NOXH thì quỹ NOXH sẽ rất dồi dào lên tớ 4 nghìn ha. Tính đến hết năm 2018, số lượng NOXH hoàn thành mới đạt trên 4 triệu m2.
Nguyên nhân được Hội thảo đầu kỳ dự án “Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030” do Bộ Xây dựng và KOICA phối hợp tổ chức mới đây chỉ ra, do nguồn vốn đầu tư phát triển NOXH còn hạn chế; chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đối với việc phát triển NOXH, nhất là việc bố trí đủ quỹ đất để phát triển NOXH; các doanh nghiệp kinh doanh BĐS chưa mặn mà trong việc đầu tư các dự án NOXH; mức thu nhập của người dân vẫn còn thấp và tâm lý của người dân vẫn chỉ muốn mua để có sở hữu, không muốn thuê nhà ở; một số cơ chế chính sách chưa phù hợp thực tế…
Trên thực tế, để phát triển NOXH phải có quỹ đất và vốn. Theo quy định, quỹ đất dành cho NOXH chiếm 20%/tổng diện tích dự án, nếu nghiêm túc đưa vào triển khai sẽ không lo thiếu. Cũng có nhiều doanh nghiệp chủ động tham gia làm NOXH nhưng do thiếu vốn nên tạm dừng.
Thời gian qua, gói 30 nghìn tỷ đồng đã đem lại hiệu quả tích cực, kết quả giải ngân hơn 29 nghìn tỷ đồng, trả nợ được hơn 10 nghìn tỷ đồng. Điều doanh nghiệp mong đợi hiện nay là sẽ có thêm nguồn vốn hỗ trợ cho cả doanh nghiệp lẫn người thu nhập thấp vay mua nhà.
Bên cạnh đó, cần thay đổi quan niệm về sở hữu nhà ở và xây dựng chính sách phát triển nhà ở cho thuê. Trong khi tại nhiều nước phát triển, có đến 50 – 60% người dân thuê nhà ở, đại diện Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển các dự án NOXH tại Hàn Quốc, TS. Kim Nam Jung - Viện Nghiên cứu đất đai, hạ tầng Hàn Quốc cho rằng, phát triển NOXH cần gắn với quy hoạch, quản lý đô thị. Cùng với đó là tiến hành thống kê, khảo sát về nhu cầu của người dân, từ đó đưa ra kế hoạch phát triển cho phù hợp… Vai trò của việc thu thập tư liệu rất quan trọng. Song song với đó là triển khai các dự án quy mô lớn tại các đô thị trung tâm lớn, thành lập các tổng công ty nhà nước phụ trách nguồn vốn phát triển dự án…
Việc phát triển NOXH không chỉ liên quan đến ngành công nghiệp xây dựng, quan trọng hơn là nó có những đóng góp to lớn, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Điều này không phải là ngoại lệ với Việt Nam. Vấn đề cấp thiết nữa là phải có quy định pháp luật cụ thể cho phát triển NOXH, TS. Kim Nam Jung nhấn mạnh.