Cần định giá lại tài sản đảm bảo bằng bất động sản

Thành Hưng (TTVN)

Nợ xấu có tài sản đảm bảo bằng bất động sản chiếm tới 57%, nhưng giá trị tài sản đảm bảo ấy lại được tính trên sổ sách tại thời điểm đi vay. Đến nay, giá bất động sản đã giảm đi rất nhiều.

 Cần định giá lại tài sản đảm bảo bằng bất động sản
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Giải quyết nợ xấu đang là nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng và đòi hỏi thực hiện sớm nhất có thể để giúp làm lành mạnh hệ thống và khơi thông vốn sản xuất cho nền kinh tế. Tuy nhiên, trước khi bắt tay vào xử lý nợ xấu thì một vấn đề quan trọng đòi hỏi phải làm rõ đó là giá trị của tài sản đảm bảo, đặc biệt là tài sản đảm bảo bằng bất động sản.

Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD) về Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì đến thời điểm 30/9/2012, tỷ lệ nợ xấu ở mức 4,93%, trong đó hơn 80% có tài sản đảm bảo và trong số này có gần 57% là được đảm bảo bằng bất động sản và bất động sản hình thành trong tương lai.

Từ đầu năm tới nay, các TCTD cũng đã trích lập dự phòng rủi ro mới được 14.000 tỷ đồng, đưa tổng số trích lập dự phòng đến nay là 75.000 tỷ đồng. Các TCTD đã tự xử lý được 12.000 tỷ đồng nợ xấu từ nguồn trích lập dự phòng rủi ro.

Nhưng theo số liệu mà Thống đốc NHNN công bố, và cơ quan quản lý cũng điều hành chính sách theo con số này, thì nợ xấu đến nay đã là 8,82% trên tổng dư nợ, tương đương với 256.000 tỷ đồng. Trừ đi con số 12.000 tỷ các TCTD đã tự xử lý thì hiện vẫn còn 244.000 tỷ đồng nợ xấu chưa xử lý được và 63.000 tỷ đồng dự phòng.

Theo tỷ lệ mà các TCTD đã báo cáo, trừ đi số nợ xấu đã giải quyết đươc, thì hiện có 204.800 tỷ đồng nợ xấu là có tài sản bảo đảm, trong đó 116.736 tỷ đồng là được bảo đảm bằng bất động sản và bất động sản hình thành trong tương lai của bên đi vay.

Trên thực tế, khoản giá trị tài sản đảm bảo là giá trị ghi nhận theo sổ sách tại thời điểm khách hàng thế chấp để vay vốn. Ở đây chỉ xét ở góc độ tài sản đảm bảo bằng bất động sản, có nghĩa là 116.736 tỷ đồng nói trên là tài sản được định giá khi thị trường bất động sản còn chưa rơi vào trạng thái đóng băng, giá giảm mạnh như hiện nay.

Ấy là còn chưa kể đến việc, trong nhiều trường hợp, để được vay vốn, giá trị tài sản đảm bảo đã bị bên đi vay thổi phồng lên gấp nhiều lần. Như ví dụ mà ông Nguyễn Bá Thanh, đại biểu Quốc hội của Tp. Đà Nẵng hồi cuối tháng 10 đã phát biểu trước nghị trường: “Một khu đất giá 200 tỷ, người ta nâng lên 800 tỷ đến 1 nghìn tỷ để được vay 600 tỷ, nhưng giá bán hiện nay chưa nổi 100 tỷ đồng”, thì khoản tài sản đảm bảo nói trên hiện nay đáng giá bao nhiêu?

Vì thế, trước khi bắt tay vào xử lý nợ xấu thì bản thân các TCTD phải đánh giá lại giá trị tài sản đảm bảo theo giá thị trường ở thời điểm hiện tại, từ đó xác định lại con số nợ xấu và có phương án xử lý rõ ràng hơn. 

Ngoài ra, sau khi đánh giá lại giá trị của tài sản đảm bảo bằng bất động sản thì tỷ lệ giá trị tài sản đảm bảo bằng 140% tổng nợ xấu như NHNN nhận định chắc chắn cũng cần được xem xét và tính toán lại.

Chắc chắn rằng, sau khi đánh giá lại giá trị tài sản đảm bảo, con số nợ xấu cần phải xử lý sẽ lớn hơn nhiều so với các thống kê hiện nay.