Cần hoạch định chặt chẽ chính sách đầu tư công
TCTC Online - Đầu tư công hiện nay ở Việt Nam đang dàn trải, rộng khắp nhưng ở đâu cũng gặp vấn đề chậm tiến độ và kém hiệu quả. Do đó, việc ban hành một đạo luật về đầu tư công sát với thực tiễn, khắc phục vấn nạn dàn trải, thiếu đồng bộ, hiệu quả thấp trong đầu tư công hiện nay là vấn đề được nhiều chuyên gia quan tâm.
Đầu tư công dàn trải, hiệu quả thấp
Đầu tư công theo quan điểm các chuyên gia là những khoản đầu tư của Nhà nước để phát triển các ngành, sản phẩm, dịch vụ phục vụ cộng đồng mà khu vực kinh tế tư nhân không làm hoặc không làm được. Như vậy, đầu tư công có thể coi là một trong những công cụ thực hiện chức năng của Nhà nước để khắc phục khiếm khuyết và thất bại của thị trường.
Là một nước đang phát triển, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng những năm qua đa phần nhờ vào gia tăng đầu tư. Trong đó, đầu tư công của ta ở mức tương đối lớn so với tổng đầu tư toàn xã hội. Thực tế, đầu tư của Nhà nước năm cao nhất chiếm đến 60% tổng mức đầu tư toàn xã hội (khoảng 22% GDP) và gần đây ở mức xấp xỉ 40% (khoảng 14% GDP).
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, đầu tư công của ta hiện nay đang dàn trải và kém hiệu quả. Cụ thể, đầu tư nhà nước vẫn hiện hữu ở hầu hết các ngành nghề kinh tế như giao thông, điện, cấp thoát nước, y tế giáo dục. Trong khi các lĩnh vực cần đầu tư như giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, viễn thông còn chưa đáp ứng được (mới chỉ chiếm 42% tổng vốn đầu tư phát triển) thì tỷ lệ đầu tư của Nhà nước ở lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, dịch vụ thương mại… cũng chiếm đến 12% tổng vốn đầu tư. Điều đó dẫn đến tình trạng Việt Nam bị tụt hậu rất xa so với các nền kinh tế mới nổi trong phát triển cơ sở hạ tầng. Một ví dụ, 2 tuyến phát triển Hà Nội - Hải Phòng và TP.HCM - Vũng Tàu đã tập trung tới gần 80% giá trị sản lượng công nghiệp cả nước, nhưng cho đến nay vẫn chưa có đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao... Sự thiếu hợp lí trong phân bổ vốn đầu tư đã gây ra sự kém hiệu quả của các dự án đầu tư cũng như đánh mất nhiều lợi ích kinh tế từ những khu vực tiềm năng.
Có hai nguyên nhân có thể được xem là tác nhân chính của tình trạng trên. Một nằm ở cơ chế đầu tư dự án từ Trung ương xuống địa phương vẫn chủ yếu phụ thuộc vào "xin - cho". Bên cạnh đó, sự "ưu ái" quá mức dành cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong việc tiếp cận nguồn vốn và nhiều chính sách hỗ trợ khác so với các doanh nghiệp tư nhân làm bức tranh phân phối dòng vốn méo mó. Thậm chí, Nhà nước còn đứng ra bảo lãnh các DNNN trong việc đi vay nợ lớn từ nước ngoài, kéo theo hệ quả gia tăng tỉ lệ tham nhũng trong đầu tư công.
Từ việc công bố thua lỗ của những tập đoàn, tổng công ty lớn như Vinashine, Vinalines, hay những sai phạm ở EVN, Tập đoàn Sông Đà mà Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra trong thời gian gần đây, TS.Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương nhận xét, “đầu tư của Nhà nước vào DNNN đang có hiệu quả rất thấp và trở thành điểm yếu nội tại của nền kinh tế, ảnh hưởng tiêu cực đến ổn định và phát triển kinh tế quốc gia”.
Cần một đạo luật đầu tư công sát thực tiễn
Theo PGS., TS Kiều Đình Thụ, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, thì nhu cầu đầu tư công đối với một nền kinh tế đang chuyển đổi như Việt Nam hiện nay là rất lớn. Nếu chúng ta hoạch định được chính sách đầu tư công chặt chẽ thì sẽ rất tốt đối với quản lý và phát triển nền kinh tế đất nước, còn không thì đây sẽ là lĩnh vực gây lãng phí và kém hiệu quả ảnh hưởng không tốt đến nền kinh tế đất nước.
Hiện có khoảng 1.600 văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư, đặc biệt là đầu tư công, nhưng vẫn chưa xác định được thế nào là đầu tư công do Nhà nước thực hiện. Do đó, việc ban hành một đạo luật về đầu tư công sát với thực tiễn, khắc phục vấn nạn dàn trải, thiếu đồng bộ, hiệu quả thấp trong đầu tư công hiện nay là vấn đề được nhiều chuyên gia quan tâm.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh, pháp luật hiện hành về thẩm quyền quyết định đầu tư qui định, các khoản đầu tư từ 30.000 tỷ đồng (tương đương 1,5 tỷ USD) trở lên do Quốc hội quyết định. Như vậy, để “tránh” xin phép Quốc hội, một số tổng công ty, doanh nghiệp… đã dùng các thủ thuật như “xé” nhỏ dự án lớn thành các dự án dưới 30.000 tỷ đồng. Ông Ánh cho rằng, đây là “khe hở” cần được ngăn chặn ngay khi xây dựng dự án Luật đầu tư công.
Cũng theo ông Ánh, từ thực tế tình trạng DNNN đầu tư ngoài ngành quá lớn, việc đầu tư này do lãnh đạo doanh nghiệp tự quyết định mà không phải chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, dẫn đến những đổ vỡ, thất thoát to lớn cho nền kinh tế vừa qua, thì Luật đầu tư công không thể bỏ qua lĩnh vực đầu tư của DNNN.
Theo đó, một trong những biện pháp được cho là giải pháp hữu hiệu để đầu tư công có hiệu quả và thể chế vào trong Luật là, đổi mới tư duy về vai trò và chức năng của Nhà nước, thu hẹp phạm vi ngành, nghề và hoạt động đầu tư nhà nước; không cấp vốn đầu tư cho DNNN trong các ngành có thị trường cạnh tranh, các ngành không phải là công ích…
Còn thep TS. Nguyễn Đình Cung thì, cần phải vừa đầu tư mới, vừa thoái vốn đầu tư nhà nước từ các ngành, các doanh nghiệp không thuộc chức năng của Nhà nước và coi nội dung về thoái vốn nhà nước là một phần quan trọng của Luật đầu tư công.
Ông Cung cho rằng, phải xác định nguồn vốn đầu tư của Nhà nước là vì lợi ích quốc gia, là một trong những công cụ thực hiện chức năng của Nhà nước, để khắc phục những khiếm khuyết thị trường, dẫn dắt những ngành tiên phong kéo nền kinh tế đi lên, bên cạnh đó nâng đỡ những vùng kinh tế khó khăn, yếu kém, lạc hậu nhằm cân bằng phát triển vùng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, hiện Chính phủ đã bắt đầu nghiên cứu về đạo luật này theo xu hướng tiến hành tái cơ cấu đầu tư công theo hướng nâng cao hiệu quả xã hội qua việc cần chủ động giảm thiểu dần đầu tư công, tăng đầu tư ngoài ngân sách nhà nước trong tổng đầu tư xã hội, tập trung vào những lĩnh vực trọng điểm như các lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
Trong khi đó, cách làm thực tế hiện nay là cần mạnh dạn cắt bỏ những dự án đầu tư kém hiệu quả và chưa đạt những yêu cầu về thủ tục cũng như các dự án có vốn đầu tư quá lớn, chưa thật cấp bách, có thời gian đầu tư dài. Thay vào đó, tập trung vào các dự án khác đáp ứng đủ các yêu cầu về thủ tục, đảm bảo hoàn thành trong hạn định và mang lại hiệu quả cao.
Về phương diện kinh tế, kích thích các tác nhân khác nhau cùng cạnh tranh trong nền kinh tế là một biện pháp hữu hiệu, mà trên hết cần hạn chế sự độc quyền của nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện nay và tạo ra một môi trường kinh tế cạnh tranh lành mạnh để cả những doanh nghiệp tư nhân có thể cùng phát triển.
Cuối cùng, phải giảm bớt chức năng "Nhà nước kinh doanh" và đồng thời tăng cường chức năng "Nhà nước phúc lợi"; Đẩy mạnh hiệu quả của các gói kích cầu hiện nay, ổn định nền kinh tế, từ đó kêu gọi đầu tư từ tư nhân để giảm gánh nợ từ các nguồn vay vốn khác.