Cần kết nối thông tin giữa thẻ ngân hàng và căn cước công dân

Theo Diễm Ngọc/diendandoanhnghiep.vn

Từ ngày 1/1/2022, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, hoạt động phát hành thẻ ngân hàng sẽ có nhiều thay đổi...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Lựa chọn tối ưu

Phát hành thẻ ngày càng trở nên phổ biến tại các tổ chức tài chính, vì chúng có thể tối đa hóa việc sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng và thu hút khách hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh xuất hiện dịch COVID-19, cùng với sự chuyển động của công nghệ số, thì phương thức phát hành điện tử càng trở nên cần thiết và thuận tiện cho khách hàng.

Việc phát hành thẻ điện tử cho phép một ngân hàng cung cấp thông tin xác thực thẻ thanh toán trực tiếp đến tài khoản của khách hàng. Điều đó có nghĩa là họ có thể đẩy thẻ mới vào ví di động của người dùng ngay lập tức, thông qua ứng dụng di động của ngân hàng, thay vì đợi thẻ vật lý đến tay.

Về hoạt động này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có quy định cụ thể tại Thông tư số 17/2021/TT-NHNN ngày 16/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN về hoạt động thẻ ngân hàng và sẽ áp dụng chính thức vào ngày 1/1/2022. Trong đó, tổ chức phát hành thẻ có thể thực hiện phát hành thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước định danh đối với chủ thẻ chính là cá nhân bằng phương thức điện tử. Tổ chức phát hành thẻ phải xây dựng, ban hành, công khai quy trình, thủ tục phát hành thẻ của cá nhân bằng phương thức điện tử phù hợp với các quy định pháp luật khác, gồm tối thiểu các bước sau:

Một là, thu thập thông tin, giấy tờ cần thiết trước khi giao kết hợp đồng phát hành thẻ và sử dụng thẻ với khách hàng.

Hai là, kiểm tra, đối chiếu và xác minh thông tin nhận biết khách hàng.

Ba là, cảnh báo cho khách hàng về các hành vi không được thực hiện trong quá trình mở và sử dụng thẻ bằng phương thức điện tử.

Bốn là, cung cấp cho khách hàng hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ theo các nội dung được quy định tại Thông tư này và thực hiện giao kết hợp đồng.

Năm là, thông báo tên tổ chức phát hành thẻ, tên hoặc nhãn hiệu thương mại của thẻ, số thẻ, thời hạn hiệu lực của thẻ, tên chủ thẻ, phạm vi và chức năng sử dụng của thẻ, các điều cấm khi sử dụng thẻ cho khách hàng…

Như vậy, với việc bổ sung quy định mới, khách hàng không cần phải trực tiếp đến ngân hàng để làm thủ tục mở thẻ. Ngoài ra, liên quan đến phát hành thẻ chip nội địa, Thông tư số 17/2021/TT-NHNN yêu cầu tổ chức phát hành thẻ phải tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa khi phát hành thẻ có BIN do Ngân hàng Nhà nước cấp theo lộ trình chuyển đổi quy định tại Thông tư này.

Theo một chuyên gia công nghệ, nền tảng trải nghiệm kỹ thuật số được sử dụng sẽ giúp việc phát hành thẻ nhanh chóng mà không cần tiếp xúc, giúp rút ngắn thời gian của khách hàng. Điều này đáp ứng sự mong đợi và khiến khách hàng hài lòng.

“Thực tế, phát hành điện tử là một quá trình đơn giản đối với các ngân hàng đang trên đà chuyển đổi số mạnh mẽ. Nhiều giải pháp tích hợp với các ứng dụng ngân hàng hiện có, giúp việc đăng ký và kích hoạt trở nên đơn giản. Tuy nhiên, độ phức tạp bên trong, cùng thời gian và chi phí triển khai thì khác nhau, tùy thuộc vào cơ sở hạ tầng của từng ngân hàng.

Bên cạnh đó, phát hành điện tử là công nghệ thẻ mới nhất nhằm giải quyết tính tức thời so với việc sản xuất thẻ vật lý, tại chi nhánh ngân hàng theo thời gian thực”, vị chuyên gia đánh giá.

Việc phát hành ngay lập tức vốn dĩ đã đạt được sức hút trước khi đại dịch xảy ra. Trong một cuộc khảo sát về Triển vọng ngành Ngân hàng năm 2020 của Independent Banker báo cáo rằng, 17% các Giám đốc điều hành ngân hàng đang xem xét thực hiện hoạt động này. Và trong cuộc khảo sát năm 2021, 8% cho biết họ đang có kế hoạch triển khai hoặc nâng cấp khả năng phát hành tức thì của ngân hàng. Theo Rebecca Kruse, Phó chủ tịch điều hành hoạt động của ICBA Bancard cho biết, đối với các ngân hàng muốn trải nghiệm phát hành thẻ tức thì, mà không cần hao tổn chi phí máy vật lý, thì phương thức điện tử là một lựa chọn tốt.

Nâng cao khả năng định danh

Bên cạnh sự thuận lợi về nhiều mặt thì bảo mật và gian lận trong hệ thống thông tin cũng là điều được mọi người quan tâm. Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, LS. Vũ Minh Tiến, đại diện công ty Luật VIAD nhận xét, việc phát hành thẻ bằng phương thức điện tử có thể giúp khách hàng nâng cao tính an toàn bảo mật hơn. Ví dụ, nếu thẻ bị mất, hoặc bị đánh cắp, hoặc nếu khách hàng là nạn nhân của gian lận thẻ, các ngân hàng có thể phát hành lại thẻ ngay lập tức, với thông tin đăng nhập mới và gửi thẻ thực qua đường bưu điện. Điều này có thể giúp cắt giảm các câu hỏi xác minh thông tin của trung tâm chăm sóc khách hàng, giảm bớt áp lực thư ưu tiên, vì khách hàng đã có một tùy chọn thay cho thẻ vật lý.

“Giáo dục là cách bảo vệ lớn nhất chống lại gian lận, cho dù chúng ta đang nói về điều gì. Khi một ngân hàng đang nói chuyện với khách hàng về cách sử dụng thẻ được phát hành bằng hình thức điện tử, thì gian lận và bảo mật luôn là một phần quan trọng của cuộc trò chuyện.

Tuy nhiên, theo tôi, để nâng cao tính an toàn và có thể truy xuất được thông tin khách hàng một cách chính xác, các ngân hàng khi phát hành thẻ nên có sự kết nối thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân sư theo Căn cước công dân. Điều này giúp quản lý tài khoản khách hàng chính xác hơn, phòng ngừa được việc cung cấp thông tin giả mạo, tạo lập thẻ ngân hàng phục vụ cho lừa đảo và các mục đích xấu khác”, LS. Tiến khuyến nghị.

Theo phản ánh của các tổ chức tín dụng (TCTD), việc định danh khách hàng bằng phương thức điện tử chỉ áp dụng để định danh khách hàng trong hoạt động phòng chống rửa tiền và mở tài khoản thanh toán, chưa được áp dụng chung cho các hoạt động nghiệp vụ của TCTD.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, hiện các Thông tư của NHNN quy định các hoạt động nghiệp vụ khác chưa quy định về việc định danh khách hàng, đặc biệt Thông tư số 01/2021/TT-NHNN về phát hành giấy tờ của TCTD vẫn còn quy định phải phát hành “trực tiếp” tại địa điểm mạng lưới của TCTD.

Bên cạnh đó, NHNN chưa có quy định và cơ chế triển khai đối với việc Ngân hàng có thể định danh khách hàng dựa trên việc khai thác thông tin đã được định danh tại bên thứ 3 có các tiêu chuẩn tương đương như các ngân hàng đại lý, tổ chức tín dụng, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tài chính (chứng khoán, bảo hiểm) hoặc việc khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia, dịch vụ công, Công ty viễn thông, điện, nước, các nguồn dữ liệu của các tổ chức khác ở Việt Nam, nước ngoài….

Có thể thấy, phát hành thẻ bằng phương thức điện tử sẽ tăng tốc trong thời gian tới và công nghệ liên quan đến dịch vụ này sẽ ngày càng phát triển để hoàn thiện. Vì thế, các ngân hàng sẽ cần phải khám phá xem nó phù hợp với nhu cầu của khách hàng như thế nào và chiến lược thẻ trong tương lai sẽ ra sao.