Cần khơi thông dòng vốn cho sản xuất, kinh doanh

Theo Báo Đại biểu Nhân dân

Doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn vay vì lãi suất cao, hoặc không đủ các tiêu chuẩn để được vay với lãi suất thấp. Song ngân hàng cũng phải lo giảm tỷ lệ nợ xấu, hạn chế rủi ro cho hệ thống, nên không thể không sàng lọc đối tượng vay vốn.

Cần khơi thông dòng vốn cho sản xuất, kinh doanh
Ảnh minh họa. Nguồn:internet

Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, hiện lãi suất cho vay phổ biến của  khối ngân hàng thương mại Nhà nước cho sản xuất kinh doanh thông thường từ 11 - 15% đối với kỳ ngắn hạn và trung, dài hạn là 14,6 – 16,5%. Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, lãi cho vay ngắn hạn sản xuất kinh doanh thông thường từ 12 - 15%; trung, dài hạn là 16 - 17,5%. Tuy nhiên, mức lãi suất 14% được các ngân hàng thương mại công bố chỉ là lãi suất trên danh nghĩa. Bởi như phản ánh của nhiều doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, thì những dịch vụ liên quan đến ngân hàng đang chịu rất nhiều loại phí không hợp lý, nhất là phí kiểm đếm. Sau khi cộng thêm một số chi phí, doanh nghiệp phải trả 17 - 18%/năm. 

Lãi suất cho vay ở mức cao hiện nay là áp lực không nhỏ cho doanh nghiệp khi phải sản xuất cầm chừng, hàng tồn kho chưa tìm được đầu ra. Đặc biệt thị trường bất động sản chưa thoát khỏi tình trạng đóng băng, giao dịch ảm đạm, khó tìm vốn trong kinh doanh. Doanh nghiệp thiếu vốn nhưng chính tăng trưởng tín dụng trong hai tháng đầu năm 2013 lại âm 0,16%. Như vậy đang tồn tại nghịch lý là doanh nghiệp thiếu vốn cho sản xuất, kinh doanh, trong khi ngân hàng đang thừa vốn. Nghịch lý này xét cho cùng cũng bởi lãi suất quá cao so sức chịu đựng của doanh nghiệp. Ngay cả nhiều đơn vị đủ điều kiện cũng không muốn vay vì muốn chờ đến thời điểm sức mua tại thị trường nội địa hồi phục, hàng tồn kho được giải phóng.

Theo tính toán, với tổng dư nợ tín dụng hiện nay là 2,7 triệu tỷ đồng, lãi suất 15%/năm thì doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế phải trả lãi cho ngân hàng khoảng 419 nghìn tỷ đồng, tương đương 1/6 GDP. Trả nợ đang là gánh nặng lớn cho doanh nghiệp, cũng như cho nền kinh tế. Song cũng cần có cái nhìn công bằng với ngân hàng vì trong năm 2011 nhiều đơn vị phải tăng trích lập quỹ dự phòng rủi ro. Và với tình hình sức khỏe doanh nghiệp hiện nay, ngân hàng cũng phải khắt khe hơn khi xem xét hồ sơ nhằm hạn chế tăng nợ xấu của mình. Mặt khác, các ngân hàng yếu kém vẫn phải huy động vốn với lãi suất cao hơn 8%/năm, thậm chí lên đến 10 - 10,5%/năm. Những ngân hàng dù công bố một số khoản vay có mức lãi suất 12 - 12,5%/năm, thì cũng sẽ chỉ dành cho một số đối tượng ưu tiên.

Để tháo gỡ khó khăn cho cả doanh nghiệp và ngân hàng đã có ý kiến cho rằng cần tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Nguyên nhân do dư địa giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng còn rộng nên không nhất thiết phải giảm lãi suất huy động mới thực hiện được. Theo Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa, các ngân hàng đang dồi dào về lượng tiền mặt và tình trạng thanh khoản đã được củng cố. Vì vậy, lãi suất ngắn hạn có thể giảm thêm 1 điểm phần trăm và nợ xấu đến cuối năm 2013 sẽ còn khoảng 4-5% tổng dư nợ. Ngoài ra, mức kỳ vọng lạm phát năm nay là 7 - 8%/năm nên không thể áp đặt thêm mệnh lệnh hành chính để giảm lãi suất huy động.

Tình hình nợ xấu chưa được cải thiện nên dòng tín dụng vẫn bị tắc nghẽn và nền kinh tế không hấp thụ được vốn. Các cơ quan quản lý cần phải có cái nhìn thấu đáo hơn vào việc cải tiến quy trình, thủ tục vay vốn đối với doanh nghiệp. Phải công khai, minh bạch hoạt động của các ngân hàng, có như vậy mới tạo được niềm tin cho doanh nghiệp.