Cần khung pháp lý cho tài chính tiện lợi
Trước sự biến tướng của dịch vụ tài chính tiện lợi, đặc biệt thông qua các app cho vay trực tuyến, có một số ý kiến cho rằng nên siết chặt, thậm chí cấm dịch vụ này.
Không quản được dịch vụ tài chính tiện lợi thì cấm dĩ nhiên không phải là điều mà thị trường mong đợi, nhất là khi nhu cầu của người dân có thực.
Ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, Chuyên gia tài chính cho biết, dịch vụ tài chính tiện lợi hiện tại được phát triển từ cầm đồ truyền thống, bao gồm các hoạt động cho vay, tín dụng, thanh toán khác. Dịch vụ này có sự giao thoa giữa cầm đồ, Fintech và tài chính tiêu dùng theo mô hình thu nhỏ. Về quản lý Nhà nước, theo quy định hiện hành, đây vẫn là những đơn vị thuộc quyền quản lý của Bộ Công thương, và quy định pháp luật không cho phép dịch vụ cầm đồ cho vay, nhưng thực chất họ vẫn cho vay. Do đó, các phạm vi Fintech, tài chính vi mô, dù được phát triển nhưng lại dường như nằm ngoài năng lực quản lý của Bộ Công thương.
Trong khi đó, phía NHNN đang xây dựng các khung pháp lý cho Fintech, lại không quản dịch vụ cầm đồ. Điều này tạo ra khoảng mờ trong quản lý và quy định pháp lý, khiến cho dịch vụ cầm đồ nói riêng và tài chính tiện lợi nói chung có thể có khoảng “thả nổi” nhất định.
Đã 25 năm kể từ Thông tư liên tịch số 02/1995/TT-LT/NHNN-BTM về dịch vụ cầm đồ có hiệu lực, đến nay dịch cầm đồ đã phát triển, ứng dụng công nghệ và nâng cấp đến một mức độ “lai ghép” giữa rất nhiều mô hình khác nhau. Pháp lý có thể đi chậm sau thị trường nhưng cũng không nên để đến mức quá chậm. Đã tới lúc các mô hình tài chính tiện lợi hay cầm đồ, cần được đưa vào khuôn khổ pháp lý rõ nét sao cho không bị các quy định “siết” cầm đồ một cách cực đoan gây ảnh hưởng, nhưng mặt khác cũng không “lạc” hoạt động của mình, qua đó giúp dịch vụ này được cạnh tranh với tài chính tiêu dùng vi mô một cách bình đẳng.