Cần khung pháp lý thí điểm và đẩy mạnh giáo dục cho blockchain

Theo Khánh Diệp - Minh Ngọc/baoxaydung.com.vn

Tuy các ứng dụng blockchain nhận được nhiều sự quan tâm từ doanh nghiệp và các nhà đầu tư ở Việt Nam, cần xây dựng khung pháp lý bài bản hơn và đẩy mạnh giáo dục về blockchain để khai thác tiềm năng kinh tế của lĩnh vực hấp dẫn này.

Các ứng dụng blockchain đã trở nên phổ biến nhờ thành công của Bitcoin.
Các ứng dụng blockchain đã trở nên phổ biến nhờ thành công của Bitcoin.

Lướt trên làn sóng toàn cầu

Theo thống kê của DataLight vào năm 2019, Việt Nam đứng thứ 8 trên bảng xếp hạng mức độ hoạt động trên thị trường tiền mã hóa với 2,5 triệu hoạt động giao dịch hàng tháng trên các sàn giao dịch toàn cầu.

Thêm nữa, các Công ty khởi nghiệp sớm trong lĩnh vực blockchain đã huy động được hơn 150 triệu USD nhờ các đợt chào bán công khai token (tài sản mã hóa hoặc xu điện tử), thay vì đi theo con đường tìm tài trợ vốn mạo hiểm truyền thống.

Theo chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình - Giảng viên, Quyền chủ nhiệm chương trình Tài chính Đại học RMIT Việt Nam, tại Hội thảo do Bộ Tư pháp tổ chức gần đây, “Dù ở Việt Nam, blockchain nhận được nguồn vốn đầu tư lớn, việc ứng dụng công nghệ này vẫn còn khá ít ỏi”.

Hội thảo tập trung thảo luận về khung pháp lý cho các ứng dụng và dịch vụ dựa trên nền tảng blockchain, tiếp nốitừ hội nghị cấp cao vào tháng 9/2019cũng do Bộ Tư pháp chủ trì với sự tham gia của các diễn giả đến từ Trung tâm Đổi mới sáng tạo Blockchain và Trung tâm Xuất sắc về Kỹ thuật số của Đại học RMIT.

Trong bài tham luận của mình, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình nhận định rằng việc áp dụng blockchain gặp trở ngại do một số vụ gian lận từ việc thiếu khung pháp lý bài bản. Theo báo cáo năm 2019 của Asia Blockchain Review, các nhà đầu tư Việt Nam mất hơn 700 triệu đô la Mỹ do tiếp thị đa cấp lừa đảo dựa trên Bitcoin.

Một trong những mảnh ghép còn thiếu khác là giáo dục về blockchain. Đại học RMIT Việt Nam sẽ góp phần giải quyết thiếu hụt này bằng cách giảng dạy về tài chính mã hóa và đồng tiền mã hóa, cũng như nền kinh tế blockchain tại khoa Kinh doanh và Quản trị trong thời gian tới.

Các môn học mới sẽ trang bị cho sinh viên công cụ tài chính và kinh tế để đánh giá các ứng dụng blockchain như: Bitcoin và Ethereum trong những lĩnh vực này.

Đại học RMIT từng được xếp hạng thứ 3 toàn cầu về các thành tựu đổi mới sáng tạo tiên tiến nhờ kết hợp nghiên cứu kinh tế và công nghệ, theo đánh giá của Kaiko, nhà cung cấp dữ liệu về thị trường xếp hạng tiền mã hóa hàng đầu.

TS. Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh vào tầm quan trọng của giáo dục và khung pháp lý bài bản cho blockchain trong bài tham luận của mình trước Bộ Tư pháp.
TS. Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh vào tầm quan trọng của giáo dục và khung pháp lý bài bản cho blockchain trong bài tham luận của mình trước Bộ Tư pháp.
 

Giải quyết thách thức pháp lý

Tiến sĩ Bình cho biết Việt Nam đang thật sự rất cần một khung pháp lý có khả năng thúc đẩy việc ứng dụng và đổi mới các sản phẩm blockchain, đồng thời bảo vệ người tiêu dùng và nhà đầu tư khỏi các hành vi gian lận.

Tiến sĩ Bình ủng hộ việc sử dụng sandbox (cơ chế khung pháp lý thí điểm) cho blockchain như một sân chơi để thử nghiệm trên quy mô nhỏ với một số nhà cung cấp dịch vụ được tuyển chọn và dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý. Mô hình này đang được đẩy mạnh tại một số nền kinh tế châu Á.

Từ năm 2016, Ngân hàng Trung ương Singapore đã thiết lập khung pháp lý thí điểm sandbox cho các công nghệ tài chính, trong đó có blockchain. Nhà cung cấp dịch vụ thị trường vốn trên nền tảng blockchain iSTOX vừa hoàn tất các yêu cầu của sandbox và trở thành nền tảng hoàn chỉnh được cấp phép đầu tiên tại Singapore được phát hành và giao dịch chứng khoán số hóa.

Chính phủ Nhật Bản cũng triển khai cơ chế sandbox từ tháng 6/2018 để đẩy mạnh các mô hình kinh doanh và công nghệ mới. Một số Công ty khởi nghiệp sáng tạo đã và đang tận dụng cơ chế này để khai thác sức mạnh của blockchain.

Còn Ngân hàng Thái Lan thì đưa sandbox vào thử nghiệm ứng dụng blockchain vào thư bảo lãnh và giao dịch chuyển khoản liên quốc gia từ cuối năm 2017.

Nhìn chung, các doanh nghiệp tham gia sandbox có thể hoạt động với những điều khoản được miễn trừ và những quyền đặc biệt riêng. Sau khi thử nghiệm sandbox thành công và rời khỏi khung pháp lý thí điểm này, doanh nghiệp phải tuân thủ đầy đủ luật và các quy định pháp lý liên quan.

Lợi ích chính từ cơ chế sandbox là các cơ quan quản lý có thể điều chỉnh và định hình khung giám sát một cách nhanh chóng dựa trên những hiểu biết thu được từ đây.

Triển vọng áp dụng sandbox ở Việt Nam

Chính phủ Việt Nam đã và đang tích cực tìm hiểu việc sử dụng cơ chế sandbox gần đây. Đầu tháng 1/2020, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đã đặt ra nhiệm vụ ban hành sandbox đối với các công nghệ tài chính trong hoạt động ngân hàng và thanh toán không dùng tiền mặt.

Trước đó, Quyết định số 999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12/8/2019 đã đề xuất thực hiện cơ chế sandbox với các công nghệ mới phục vụ nền kinh tế chia sẻ.

“Điều này cho thấy quyết tâm cao từ phía Chính phủ. Việc cần làm tiếp theo là chuẩn bị tất cả những yếu tố cần thiết để triển khai sandbox”, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình cho biết.

Nhiệm vụ này bao gồm những công việc như đề ra mục tiêu, phân bổ nguồn lực và xây dựng tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp tham gia sandbox. Không gian, thời gian và quy mô của từng sandbox cũng cần được xác định rõ ràng. Bên cạnh khung pháp lý thí điểm, Việt Nam còn cần phát triển một hệ sinh thái bài bản để đẩy nhanh việc áp dụng blockchain.

“Công nghệ blockchain mới chỉ hơn 10 năm tuổi, các ứng dụng và sản phẩm mới đang liên tục xuất hiện. Đó là lý do vì sao hệ sinh thái cần được cập nhật thường xuyên”, Tiến sĩ Bình nhận định.