Cần "liều thuốc" đặc biệt cho nền kinh tế

Theo Chinhphu.vn

Vĩ mô đã ổn định, không lo tái lạm phát, tuy nhiên doanh nghiệp còn khó khăn, cần "liều thuốc" đặc biệt, tập trung phục hồi khu vực kinh tế trong nước...

Cần "liều thuốc" đặc biệt cho nền kinh tế
Công tác điều hành của Chính phủ được cử tri đánh giá rất cao, đặc biệt là việc chặn đà suy thoái của nền kinh tế, đảm bảo an sinh, ổn định xã hội.

Sáng 22/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về  tình hình kinh tế, xã hội và các giải pháp mà Chính phủ đưa ra. Nhiều đại biểu đồng tình với báo cáo bổ sung của Chính phủ về kinh tế, xã hội năm 2012 và những tháng đầu năm 2013.

Vĩ mô đã ổn định, không lo tái lạm phát

Đại biểu Phan Văn Quý (đoàn Nghệ An và cũng là một doanh nhân) cho rằng “trong những tháng đầu năm vừa qua tình hình kinh tế “dễ thở” hơn như có thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn, lãi suất vay thấp hơn... Một xu hướng mới trong phê duyệt cho vay là ngân hàng đặt tính khả thi là ưu tiên số một sau đó mới đến vấn đề thế chấp”.

Nhiều đại biểu cho rằng công tác điều hành của Chính phủ được cử tri đánh giá rất cao, đặc biệt là việc chặn đà suy thoái của nền kinh tế, đảm bảo an sinh, ổn định xã hội. “Nếu căn cứ vào mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thì năm 2013 theo mục tiêu này thì vĩ mô đã ổn định. Và với sức mua cũng như tổng cầu hiện nay thì năm 2013 và năm 2014 sẽ không lo tái lạm phát, tỷ giá ổn định, chưa bao giờ dự trữ ngoại tệ cao như hiện nay”, đại biểu Trần Du Lịch nhận xét về điểm sáng của nền kinh tế.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nói 4 tháng đầu năm, điều hành của Chính phủ được người dân đánh giá rất cao, đặc biệt là việc chặn đà suy thoái của nền kinh tế, đảm bảo an sinh, ổn định xã hội. Báo cáo của Chính phủ là đầy đủ, thẳng thắn.

Tuy nhiên, đại biểu Tô Văn Tám băn khoăn với số liệu báo cáo của Chính phủ về con số hàng tồn kho giảm dần. Tồn kho tại 1/4/2013 của ngành công nghiệp chế biến tăng 13,1%, thấp hơn mức 21,5% vào cuối năm 2012, đại biểu cho rằng phải diễn đạt chính xác là giảm tỉ lệ hàng tồn kho.

Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng (đại biểu tỉnh Lạng Sơn) cho biết tồn kho hàng hóa của doanh nghiệp có hai dạng là tồn kho định mức và tồn kho vượt định mức. Trong đó, tỉ lệ tồn kho định mức thông thường khoảng 10%. Tính đến ngày 31/12/2011, tỷ lệ tồn kho hàng hóa nói chung tăng 31% so với thời điểm 31/12/2010. Đến 31/12/2012, tỉ lệ tồn kho giảm xuống còn 21,5% và đến 1/4/2013, tỷ lệ tồn kho còn 13,1% như báo cáo của Chính phủ. Như vậy về bản chất là tỷ lệ hàng tồn kho giảm, nói cách khác hàng hóa tồn kho trong doanh nghiệp đã giảm đi.

Tập trung phục hồi khu vực kinh tế trong nước

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng nền kinh tế vẫn trì trệ. Trước đây kinh tế tăng trưởng nhờ vào 4 yếu tố: Nền sản xuất nông nghiệp tăng khá cao và ổn định; hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; doanh nghiệp tư nhân; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên hiện nay, kinh tế tăng trưởng chủ yếu dựa trên đầu tư nước ngoài  FDI. Đại biểu Trần Du Lịch bày tỏ lo ngại về việc giảm sức cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp trong nước.

Chia sẻ quan điểm, nhiều thành viên đoàn TP Hồ Chí Minh cho rằng cần có giải pháp đặc biệt vực dậy nền kinh tế, tập trung phục hồi khu vực kinh tế trong nước.

Theo đại biểu Trần Du Lịch, cần phải tính toán hài hoà giữa chính sách tiền tệ và tháo gỡ tín dụng về tăng trưởng, bởi dư địa của chính sách lãi suất không còn nhiều khi lãi suất giảm xuống còn 8 - 9% mà doanh nghiệp chưa vay được.

Về chính sách tài khóa, việc khống chế nợ công là cần thiết, nhưng để cho 2 - 3 năm tới thì Quốc hội phải xem lại hạn mức tăng bội chi ở các hình thức khác nhau, đồng thời thanh toán xong nợ đọng xây dựng cơ bản để tăng tổng cầu. Tất nhiên phải kèm giám sát chặt chẽ để tránh thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản.

Về điều hành, ông Trần Du Lịch cho rằng Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ là chương trình giải quyết các khó khăn của nền kinh tế trong dài hạn, tuy nhiên chưa thể hiện hiệu quả nhanh, do vậy cần gắn các giải pháp trung hạn (trong 3 năm từ 2013- 2015) tập trung cứu doanh nghiệp.

Nhìn ở khía cạnh sức cạnh tranh của nền kinh tế, đại biểu Huỳnh Minh Thiện và Trương Trọng Nghĩa (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng lượng vốn đầu tư chứ không phải hàm lượng công nghệ trong suất đầu tư đang là yếu tố quyết định cho tăng trưởng kinh tế. Do đó tỷ trọng đầu tư vốn/GDP thấp nên tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp, trong khi tái cấu trúc nền kinh tế chưa mang lại hiệu quả rõ rệt. Vì vậy, Chính phủ cần chọn một số lĩnh vực trong tái cấu trúc nền kinh tế và ưu tiên xử lý, tái cấu trúc doanh nghiệp.

Cần tập trung gia cố “bệ đỡ” nông nghiệp

Bên cạnh đó, một số đại biểu băn khoăn rằng: Nông nghiệp vốn là bệ đỡ cho nền kinh tế trong mỗi giai đoạn khó khăn, nhưng hiện nông nghiệp lại chưa được quan tâm đầu tư mạnh mẽ.

Tình trạng "được mùa mất giá", nguyên liệu đầu vào phụ thuộc nước ngoài... đã tác động lớn đến sự ổn định của đời sống nông dân, nông thôn, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu thực trạng và đề nghị Chính phủ cần làm rõ chính sách đầu tư cho nông nghiệp.

Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) thì đề nghị từ nay đến năm 2015 cần phải có những đầu tư “sâu” hơn cho nông nghiệp.