Cần linh hoạt hơn trong chính sách tài chính, tiền tệ

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Đến thời điểm này, đã có nhiều nghiên cứu khẳng định về những tích cực, chuyển biến của kinh tế Việt Nam 2013, trong đó, nổi lên là những chính sách tài chính, tiền tệ đáng ghi nhận trong ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, để nền kinh tế tăng trưởng song hành với kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, các chuyên gia khuyến cáo, cần linh hoạt hơn trong điều hành, thực thi chính sách này.

Cần linh hoạt hơn trong chính sách tài chính, tiền tệ
Để nền kinh tế tăng trưởng song hành với kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô,cần linh hoạt hơn trong điều hành, thực thi chính sách tài chính, tiền tệ. Nguồn: internet
Theo Ủy viên Ủy ban Kinh tế, TS. Trần Du Lịch, bất ổn trong những năm gần đây phần lớn là do công tác điều hành chính sách tiền tệ. Nhìn lại năm 2011, mặc dù đã thực thi Nghị quyết 11 về những giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô,  nhưng lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn trên 18%. Nhưng, nhờ kiên trì chính sách tiền tệ nên từ năm 2012 lạm phát đã xuống 6,81% và dự báo năm 2013 cũng sẽ thấp hơn 2012 (dự kiến khoảng trên dưới 6%).

Điều đó cũng đồng nghĩa “lạm phát không còn là con ngựa bất kham”. Cùng với đó, tỷ giá VND cũng đã được ổn định và tăng được dự trữ ngoại hối. Nhưng, điều quan trọng nhất và cái được cơ bản nhất của chính sách tiền tệ năm 2013 đối với TS. Trần Du Lịch chính là vừa kiềm chế lạm phát nhưng lại giảm được lãi suất vay đối với doanh nghiệp và nền kinh tế.

Đồng quan điểm này, rất nhiều chuyên gia cho rằng, chưa bao giờ Việt Nam thành công trong việc giảm lãi suất vay kỷ lục tới 5 lần/năm như 2013. Đặc biệt là 3 đợt giảm sâu từ hơn 9% xuống còn khoảng 7-9% ở một số lĩnh vực ưu tiên và mức trần lãi suất cơ bản cũng chỉ còn là một “barie không rào chắn”. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, thời điểm cuối năm 2011 lãi suất cho vay lên đến 20-25% thì hiện nay mức cho vay trung bình đã giảm một nửa, thậm chí một số gói tín dụng ưu đãi lãi suất chỉ còn giảm từ 7-9%/năm.

Không chỉ vậy, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, hoạt động quản lý và kinh doanh vàng thời gian qua cũng được ghi nhận có khá nhiều chuyển biến trong điều hành chính sách tiền tệ. Đối với hệ thống ngân hàng, sau khi các tổ chức tín dụng chấm dứt việc huy động cho vay bằng vàng thì những rủi ro của hệ thống tín dụng về bảo lãnh giá vàng trước kia đã được loại bỏ. Hiện nay, giữa giá vàng trong nước với thế giới có chênh lệch, nhưng thị trường ngoại tệ và tỷ giá tương đối ổn định so với trước đây, nên cũng giúp dễ dàng hơn trong điều hành chính sách tiền tệ.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 và 9 tháng năm 2013, trần lãi suất cho vay ngắn hạn hiện đang phổ biến ở mức 9-11,5%, trung và dài hạn là 11,5-13%. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, cần phải giảm tiếp lãi suất vay trung và dài hạn, bởi đây mới chính là dòng vốn mà doanh nghiệp cần tiếp cận.

Cùng với việc giải quyết bài toán lãi suất giảm thì phải làm sao để dòng vốn đi vào được nền kinh tế. Bởi, điểm nghẽn tín dụng hiện nay chính là thực trạng không ít doanh nghiệp đang bị sa vào vòng luẩn quẩn, vướng nợ xấu, nên khó vay vốn, không bán được hàng, không trả được nợ, mất uy tín trên thị trường. Tăng cường các giải pháp hữu hiệu nhằm giải quyết nợ xấu tại các doanh nghiệp Nhà nước cũng là khuyến nghị của nhiều chuyên gia kinh tế.

Theo Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân Trần Thọ Đạt, hầu hết báo cáo nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế giai đoạn từ 2011 đến hết tháng 9/2013, đều nói đến những khó khăn nội tại của nền kinh tế, trong đó doanh nghiệp là đối tượng đã và dễ bị tổn thương nhất. Vì vậy, đồng thời với các giải pháp vĩ mô ưu tiên trọng cung hơn trọng cầu ở giai đoạn này, Chính phủ cũng cần kiên trì thực hiện việc giảm các loại thuế, phí cho các doanh nghiệp với lộ trình cụ thể nhằm tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, từ nay đến năm 2015, cần tiếp tục đẩy nhanh quá trình chống đô la hóa nền kinh tế, nhằm tăng cường hiệu quả kiểm khối lượng cung tiền. Đồng thời, đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác dự báo nhu cầu tiền, nhằm xác định khối lượng cung ứng tiền tệ hợp lý và chính xác để đạt được mục tiêu tăng trưởng và lạm phát mà Chính phủ đặt ra; cần giữ chênh lệch giữa lãi suất huy động giữa VND và USD đủ lớn để tăng sức hấp dẫn đối với VND và qua đó tăng việc chuyển đổi từ USD sang VND, tăng thu hút ngoại tệ từ kiều hối, du lịch…