Cân nhắc mức thuế suất phù hợp với mặt hàng thuốc lá

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Hôm nay, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ. Tham gia ý kiến về dự thảo Luật, nhiều chuyên gia cho rằng, thuế suất điều chỉnh đối với mặt hàng thuốc lá mà Chính phủ đề xuất còn thấp, chưa tác động lớn đến kiểm soát mức tiêu dùng ngày càng tăng đối với sản phẩm không tốt cho sức khỏe này.

Cân nhắc mức thuế suất phù hợp với mặt hàng thuốc lá
Việc tăng thuế mạnh được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích kép là giảm sử dụng thuốc lá và tăng thu ngân sách. Nguồn: internet

Theo Tổng cục Thống kê, sản lượng thuốc lá nội tiêu thụ cũng đã tăng từ 1.249 triệu bao năm 1990 lên 4.385 triệu bao năm 2013, với mức tăng trung bình là 11%/năm. Trong 10 năm, từ 2002-2012, mức tiêu thụ thuốc lá bình quân đã tăng từ 835 lên 945 điếu/người/năm, trung bình tăng 1,2%/năm. Nguyên nhân do giá thực của thuốc lá (giá sau khi điều chỉnh lạm phát) đang ngày càng giảm, trong khi thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng. Năm 2000, phải chi khoảng 20,4% GDP bình quân/người để mua được 100 bao thuốc lá loại cao cấp, loại trung cấp là 11,4%, đến năm 2011, mức chi này giảm tương ứng, chỉ còn khoảng 9% và 5,4%. Thêm vào đó, chi phí y tế trực tiếp và chi phí gián tiếp do mất thu nhập, ốm đau hay tử vong sớm của 5/25 loại bệnh liên quan đến thuốc lá là trên 23 nghìn tỷ đồng. Điều này đã tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước, hộ gia đình và cả đơn vị chi trả bảo hiểm.

Việc điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá do Chính phủ đề xuất trong dự thảo Luật khá thấp, chưa đủ tác động mạnh đến việc hạn chế sử dụng mặt hàng này. Với mức tăng thuế suất, thuế tiêu thụ đặc biệt thêm 5% vào năm 2016 và thêm 5% vào năm 2019 so với hiện hành, mức tăng giá bán lẻ trung bình của các sản phẩm thuốc lá cho giai đoạn năm 2015-2020 chỉ đạt khoảng dưới 1%/năm (sau khi đã trừ các yếu tố lạm phát). Tổ chức Nhịp cầu sức khỏe Canada tại Việt Nam (HealthBridge) cho rằng, mức tăng này còn xa mới theo kịp mức tăng trưởng GDP trung bình trong cùng giai đoạn, ước tính khoảng 5%/năm và tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo. Điều này sẽ khiến sức mua của người dân tiếp tục gia tăng. Tỷ lệ hút thuốc lá sẽ không giảm, vẫn ở mức 47,4% vào năm 2020 và mức tiêu thụ thuốc lá sẽ tiếp tục gia tăng do dân số tăng.

Nhiều ý kiến đề nghị, có thể quy định mức thuế suất như Bộ Y tế đề xuất là đạt mức 105% vào năm 2015; mức 145% vào năm 2018 và tăng lên 155% vào năm 2020 mới có thể đạt được mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành xuống còn 39% vào năm 2020. Với mức tăng này, tính chung cho giai đoạn 2015-2020, giá bán lẻ trung bình sẽ tăng khoảng gần 7%/năm, cao hơn mức tăng thu nhập trung bình/năm ước tính trong cùng giai đoạn. Và như vậy, sức mua thuốc lá sẽ giảm, dẫn đến tiêu thụ giảm với điều kiện thực hiện đồng bộ các chính sách phòng, chống tác hại thuốc lá. Với phương án này, thu ngân sách từ thuế cho cả giai đoạn 2015-2020 đạt gần 231 nghìn tỷ đồng, tương đương 39 nghìn tỷ đồng/năm.

Việc tăng thuế mạnh được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích kép là giảm sử dụng thuốc lá và tăng thu ngân sách. Thuế suất liên quan thuốc lá cần hướng đến mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc, nhưng tối thiểu vẫn phải đạt mức đủ bảo đảm sức mua không tiếp tục tăng. Do vậy, thêm một kịch bản được các chuyên gia khuyến nghị là tăng mức thuế suất lên 85% vào năm 2015 và năm 2018 phải là 105%. Với mức tăng này, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành năm 2020, kỳ vọng sẽ giảm xuống mức 42,1%, tuy vẫn chưa đạt, nhưng gần mục tiêu quốc gia hơn so với phương án đề xuất hiện nay.

Lo ngại việc tăng thuế có thể làm giảm nhu cầu về thuốc lá, một số chuyên gia đề xuất Chính phủ có thể sử dụng nguồn thu từ việc tăng thuế để hỗ trợ cho người trồng cây thuốc lá chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tái đào tạo nghề cho công nhân sản xuất thuốc lá. Tuy nhiên, điều này khó có khả năng xảy ra trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.

Bên cạnh khuyến nghị cân nhắc lựa chọn mức thuế tiêu thụ đặc biệt phù hợp đối với mặt hàng thuốc lá, Tổ chức HealthBridge còn đề nghị, Chính phủ cần nghiên cứu bổ sung thuế tuyệt đối vào cơ cấu thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm khống chế giá sàn của thuốc lá và giảm khả năng người tiêu dùng chuyển sang sử dụng thuốc lá rẻ tiền hơn; bổ sung cơ chế điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt hàng năm theo mức tăng thu nhập nhằm bảo đảm sức mua thuốc lá không gia tăng; và, tiến tới sửa đổi cách tính thuế theo hướng sử dụng giá bán lẻ làm cơ sở giá tính thuế.