Cân nhắc trong áp dụng hình phạt tiền

Theo Dương Cầm/daibieunhandan.vn

(Tài chính) Hạn chế áp dụng hình phạt tù đồng thời tăng cường tính cưỡng chế của hình phạt tiền, bảo đảm thẩm phán áp dụng có hiệu quả hình phạt tiền trên thực tế, là một trong những mục tiêu của dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, cũng cần cân nhắc nhiều yếu tố khi áp dụng hình phạt này, bảo đảm tính phòng ngừa, răn đe đối với hành vi phạm tội.

Mở rộng khả năng áp dụng

Trên thực tế, hình phạt tiền hiện nay rất ít được thẩm phán áp dụng khi xét xử mà nguyên nhân nằm ở sự mâu thuẫn của các quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành. Theo khoản 1 Điều 30, phạt tiền chỉ được áp dụng là hình phạt chính đối với người phạm tội ít nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trật tự công cộng, trật tự quản lý hành chính và một số tội phạm khác do Bộ luật này quy định.

Tuy nhiên, tội phạm khác trong điều luật này có bắt buộc là tội ít nghiêm trọng hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Trong khi đó, ở phần các tội phạm cụ thể khi cấu thành một số tội phạm nghiêm trọng cũng có quy định hình phạt tiền là hình phạt chính. Điều này dẫn tới trường hợp, thẩm phán lựa chọn việc không áp dụng hình phạt tiền đối với tội nghiêm trọng mà thay vào đó lựa chọn hình phạt không tước tự do khác như cải tạo không giam giữ.

Mặt khác, vẫn còn có ý kiến chưa đồng thuận với việc coi phạt tiền là hình phạt chính, lo ngại rằng quy định như vậy chỉ có lợi cho người giàu nên không ít thẩm phán e dè khi áp dụng hình phạt này. Thực tế cho thấy, số người bị phạt tiền chỉ chiếm 10% - một phần rất nhỏ trong số người bị kết án đối với tội ít nghiêm trọng hay nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trật tự công cộng, trật tự quản lý hành chính.

Một trong những yêu cầu đặt ra trong công tác cải cách tư pháp theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 là giảm hình phạt tù, hạn chế hình phạt tử hình, tăng cường các hình phạt không phải tù như phạt tiền, cải tạo không giam giữ.

Để cụ thể hóa yêu cầu đó, dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã từng bước mở rộng phạm vi các trường hợp có thể áp dụng hình phạt tiền, quy định rõ đây là hình phạt chính đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng. Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ cho biết, nếu như theo quy định hiện hành các lĩnh vực áp dụng phạt tiền là hình phạt chính chỉ bao gồm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trật tự công cộng và trật tự quản lý hành chính thì nay đã mở rộng áp dụng cả với lĩnh vực môi trường.

Dự thảo cũng quy định, trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu người bị kết án cố tình không chấp hành hình phạt tiền thì Tòa án sẽ quyết định chuyển thành hình phạt tù có thời hạn. Theo nhiều chuyên gia, điều này nhằm hạn chế tình trạng bị cáo chây ỳ không chấp hành hình phạt này do chưa quy định có quy định về thời hạn nộp tiền phạt hay mập mờ trong việc có cho phép nộp nhiều lần hay không. Xử lý như thế nào đối với những trường hợp này là băn khoăn của không ít người trong khi pháp luật vẫn thiếu quy định bảo đảm thực hiện.

Vướng trong chuyển đổi hình phạt

Mặc dù đã có những quy định hoàn thiện hơn so với pháp luật hiện hành, bảo đảm tính chặt chẽ tạo điều kiện để thẩm phán áp dụng có hiệu quả hình phạt này song vẫn còn nhiều điểm cần cân nhắc. Theo Ts Phạm Quý Tỵ, băn khoăn lớn nhất khi áp dụng hình phạt này là phương thức chuyển đổi từ phạt tiền sang phạt tù trong trường hợp bị cáo không chấp hành nghiêm bản án.

Rõ ràng, nếu không cân nhắc giữa phạt tiền và phạt tù sẽ dễ dẫn tới trường hợp số tiền ít quy đổi thành hình phạt tù quá dài, không cân đối. Đối với trường hợp quy đổi số tiền quá cao so với một ngày tù thì bị cáo sẽ lựa chọn cố tình không trả tiền mà chấp hành hình phạt tù ngắn, như vậy sẽ khó bảo đảm tính răn đe.

Theo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, cách chuyển đổi được tính trên số ngày công lao động tuy nhiên việc tính ngày công lao động ở nước ta cũng không dễ dàng. Có ý kiến đề xuất, theo pháp luật hiện hành tại nhiều điều khoản đã quy định, hành vi phạm tội có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù. Đơn cử như một số tội danh có quy định người phạm tội sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu hoặc phạt tù từ 6 tháng tới 5 năm. Trên cơ sở đó, trong trường hợp người phạm tội không chấp hành bản án phạt tiền sẽ phải chịu hình phạt tù tương ứng.

Có nên quy định mức chuyển đổi ngay trong Bộ luật Hình sự hay không cũng là câu hỏi được đặt ra. Nhiều chuyên gia cho rằng, quy định mức độ nhất định bao nhiêu tiền tương ứng với một ngày tù trong Bộ luật Hình sự vừa có điểm tích cực vừa có điểm hạn chế. Nếu quy định tỷ lệ cố định sẽ tạo thuận lợi cho cơ quan chức năng khi xét xử, tránh tình trạng áp dụng thiếu thống nhất, nhưng thiếu mềm dẻo đối với vụ án mà bị cáo có hoàn cảnh đặc biệt hay phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt.

Mặt khác, nếu quy định số tiền cố định cũng dẫn tới thực tế là khi đời sống xã hội được nâng lên thì áp dụng theo quy định cũ sẽ khó bảo đảm tính răn đe hoặc phải thường xuyên sửa đổi, bổ sung luật. Do vậy, không nên quy định tỷ lệ cố định mà cần cân nhắc đối với từng vụ án hay vụ việc cụ thể.

Kinh nghiệm từ Nhật Bản, khi ra Tòa án ra một bản án về phạt tiền, trong bản án đã ghi rõ số tiền không trả được sẽ tính ra bao nhiêu ngày tù tương ứng song số tiền quy ra phạt tù không quá 2 năm.

Theo chuyên gia Nhật Bản, hình phạt tiền có rất nhiều mặt tích cực trong việc hạn chế tội phạm kinh tế, phù hợp khi áp dụng đối với pháp nhân, sẽ thu hồi được tài sản bị chiếm đoạt với mục đích sai trái tuy nhiên cũng có nhược điểm là khi đã trả tiền xong thì hình phạt tự kết thúc và hiệu quả về mặt giáo dục không cao. Chính vì vậy, cần cân nhắc đối với từng trường hợp cụ thể, nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, tránh trường hợp bỏ lọt tội phạm.