Cần nhìn nhận một cách toàn diện kết quả điều hành kinh tế - xã hội
(Tài chính) Đánh giá đúng những kết quả của tình hình Kinh tế- Xã hội, nhìn nhận rõ các yếu kém, bất cập và đề ra các giải pháp căn cơ, toàn diện của nền kinh tế… là những vấn đề được các đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi tại phiên thảo luận tổ, chiều ngày 21/10.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (đại biểu tỉnh Quảng Nam) cho rằng, cần nhìn nhận một cách toàn diện các kết quả điều hành KT-XH trong thời gian qua của các cấp, các ngành với sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm rõ rệt nhằm hiện thực hóa các chỉ tiêu nghị quyết của Quốc hội.
Một số chỉ tiêu lớn mà Quốc hội đề ra là cán cân thương mại, cán cân thanh toán, xuất siêu 9 tháng đạt 2,27 tỷ USD, thu ngân sách có những chuyển biến lớn, các đột phá chiến lược được triển khai đồng bộ và đã thu được một số kết quả tích cực bước đầu.
Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, lãi suất trong 9 tháng năm 2014 được điều hành theo diễn biến kinh tế vĩ mô và biến động của lạm phát, thu ngân sách Nhà nước tăng khá so với cùng kỳ, an sinh xã hội vẫn cơ bản được bảo đảm, xã hội ổn định hơn...
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhìn nhận những yếu kém cần tập trung giải quyết. Đó là, cùng với quá trình phát triển cũng xuất hiện nhiều vấn đề xã hội như băng nhóm tội phạm, tai nạn giao thông, giá trị hàng hóa gia tăng còn thấp, tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp còn khó khăn, năng suất lao động thấp…
Do đó, giải pháp cấp bách là sắp xếp lại cơ cấu lao động, tăng tổng cầu về kinh tế nhằm tạo động lực tăng trưởng, đồng thời, tập trung giải quyết các vấn đề cụ thể.
Theo đó, triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; tạo môi trường sản xuất kinh doanh và đầu tư thuận lợi; điều hành chính sách tiền tệ hợp lý, bảo đảm tăng trưởng tín dụng phù hợp theo kế hoạch đề ra;
Thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động mọi nguồn lực, khuyến khích đầu tư xã hội, góp phần tăng tổng cầu cho nền kinh tế;
Tăng cường công tác quản lý chi ngân sách Nhà nước, chủ động sắp xếp điều hành các nhiệm vụ chi, bảo đảm cân đối ngân sách các cấp, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
Tập trung các giải pháp chống thất thu, nợ đọng thuế; đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, nâng cao năng lực sản xuất và năng suất lao động, phấn đấu sản xuất vượt kế hoạch đối với các ngành có tiềm năng lợi thế; tích cực triển khai thực hiện các giải pháp phát triển thị trường nhằm tăng tổng cầu trong nước...
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng thất thoát nguồn thu còn lớn với việc chuyển giá, trốn thuế của một số doanh nghiệp chưa kiểm soát được, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại còn lớn đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất trong nước và đời sống nhân dân.
Do đó, phải triệt để thực hành tiết kiệm chi, công khai minh bạch trong vấn đề tài khóa, đẩy mạnh khoán chi ngân sách và quản lý chi ngân sách, giảm đơn vị công lập, xã hội hóa mạnh mẽ việc cung cấp dịch vụ công, một số chương trình mục tiêu quốc gia hiệu quả thấp cần điều chỉnh cắt giảm cho hợp lý, xem xét lại các chương trình an sinh xã hội, tránh chồng chéo, hỗ trợ hay “cho không” quá nhiều dẫn đến sự ỷ lại trong một bộ phận người dân.
Phó Thủ tướng đề nghị cần tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý tài khoản cũng như nâng cao tính công khai minh bạch. Giảm chi thường xuyên để tăng nguồn lực đầu tư phát triển, tăng cường quản lý ngân sách về tất cả các cấp ngân sách đang đặt ra cho cơ quan quản lý với các chế tài nghiêm khắc.
Chính phủ cần nghiên cứu thêm các giải pháp phát triển Kinh tế - Xã hội
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa (đại biểu tỉnh Bắc Ninh) bày tỏ lo lắng trước thực trạng “đại học nhiều hơn cao đẳng nghề”. Điều này một phần do tâm lý của người dân là không thích cho con em đi học nghề nhưng chúng ta lại cho thành lập nhiều trường dạy nghề dẫn đến nhiều trường dạy nghề không có học sinh?
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa cũng băn khoăn trước số kinh phí giải ngân cho đào tạo nghề mới chỉ đạt 30% nhưng đã tạo được đến 1,5 triệu việc làm cho người lao động. Vậy nếu giải ngân hết kinh phí cho đào tạo nghề thì tỷ lệ tạo việc làm sẽ là bao nhiêu?
Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đồng tình với các nhóm giải pháp đưa ra của Chính phủ, nhưng đề nghị Chính phủ nghiên cứu thêm việc “tái cơ cấu lao động” để nâng cao năng suất, chất lượng lao động. Định hướng và chất lượng đào tạo nghề tránh kiểu đào tạo những gì mình có mà không đào tạo theo nhu cầu xã hội. Chẳng hạn, qua giám sát, có xã đào tạo đến 30 người sửa xe máy trong khi lấy ra nhiều xe máy để mà sửa.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải nhìn nhận, phải đánh giá cho đúng những kết quả của kinh tế vĩ mô với các sự kiện phức tạp diễn ra trong thời gian qua như việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép, hay vụ gây rối ở Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh. Qua đó, thấy rõ được những nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành và nhân dân.
Chương trình hỗ trợ ngư dân “đánh bắt xa bờ” thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước luôn hỗ trợ, đồng hành cùng ngư dân đánh bắt xa bờ và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Nhưng cần quan tâm hơn đến hậu cần nghề cá, tổ chức liên kết khai thác và tiêu thụ cá cho ngư dân.
Ở miền Trung, Chính phủ đã ban hành được quy trình liên hồ chứa được giao cho nhân dân, điều này thấy rõ ở Quảng Nam.
Về việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đại biểu Nguyễn Đức Hải cho rằng đang gây ra những ý kiến khác nhau trong dư luận nhân dân như xét tuyển đại học, thi theo cụm, theo khối, nhưng chưa xây dựng rõ lộ trình, cách làm “vừa qua sông, vừa dò nước”, tạo tâm lý bất an, chưa tạo được sự đồng thuận của cử tri.
Mặt khác, hiện tượng các trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề thiếu học sinh bởi ta có quá nhiều trường đại học tư thục, đầu vào quá dễ dẫn đến ra trường tìm việc lại quá khó. Tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” vẫn không thể khắc phục được.