Cạn "room" tín dụng: Dòng vốn có đi đúng hướng?
Các ngân hàng cho biết, bất chấp dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) vẫn ghi nhận tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, dòng tiền vẫn "chảy" vào sản xuất, kinh doanh và những lĩnh vực ưu tiên.
Đại diện Vietcombank khẳng định, tín dụng 6 tháng đầu năm tập trung cho vay cá nhân tiêu dùng, sản xuất - kinh doanh, cho doanh nghiệp vay sản xuất hàng thiết yếu như năng lượng tái tạo, dệt may, da giày phục vụ xuất khẩu, thương mại xăng dầu…
Cấp thêm room để ngân hàng cho vay sản xuất kinh doanh
Đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giao chỉ tiêu tín dụng lần một đến các tổ chức tín dụng trong hệ thống. Nhìn chung, mặt bằng room tín dụng cấp cho các ngân hàng thấp hơn tổng thể cả năm trước.
Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm nay, tín dụng tăng mạnh do Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh và triển khai tiêm vắc xin, khiến người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư, kinh doanh, nhu cầu vốn của nền kinh tế tăng cao. Điều này dẫn đến việc một số TCTD sử dụng hết hạn mức ngay từ giữa năm.
Vì vậy, trong tuần qua, NHNN cũng đã chấp thuận việc tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho hàng loạt ngân hàng, với mức nới thêm từ 2% đến 6% tùy vào chất lượng tín dụng cũng như các chỉ số an toàn vốn của từng ngân hàng. Theo đó, tăng trưởng tín dụng trên toàn hệ thống theo hạn mức mới là khoảng 11%, cao hơn mức 9% theo hạn mức lần đầu.
NHNN khẳng định, điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức đảm bảo nguyên tắc nhất quán để đạt được mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ và thực hiện chủ trương của Chính phủ "vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế".
Theo đó, việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được thực hiện trên cơ sở đề nghị của tổ chức tín dụng, đánh giá tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng tổ chức tín dụng. Ưu tiên đối với tổ chức tín dụng thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân.
Với hạn mức vừa được cấp mới, đại diện NHNN cho biết, việc cấp thêm room tín dụng để các ngân hàng tiếp tục cho vay vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, gồm nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa... Đặc biệt cần kiểm soát chặt chẽ và hạn chế cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán... Đồng thời, giảm dần tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng, kiểm soát chặt chẽ cho vay ngoại tệ.
Dòng vốn có đi đúng hướng?
Đánh giá về dòng vốn tín dụng trong 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc phụ trách NHNN chi nhánh TP.Hồ Chí Minh cho biết, tổng dư nợ tín dụng của các TCTD trên địa bàn thành phố ước đạt gần 2,69 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 6% so với cuối năm 2020. Theo đó, dòng vốn ở các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã chảy mạnh vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Số liệu thống kê của NHNN chi nhánh TP.Hồ Chí Minh cho thấy tính đến cuối tháng 4, dư nợ cho vay phát triển sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng khoảng 10%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khoảng 4%; vận tải kho bãi tăng gần 3%...
Các chương trình tín dụng đang triển khai trên địa bàn thành phố cũng ghi nhận kết quả khả quan. Chẳng hạn, đối với chương trình cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn, đến cuối tháng 4/2021, dư nợ cho vay đạt 216.591 tỷ đồng với hơn 2,1 triệu khách hàng, tăng 8,6% so với cuối năm 2020.
Cho vay đối với các doanh nghiệp trong Khu chế xuất - khu công nghiệp đạt 179.371 tỷ đồng, với 3.733 khách hàng vay vốn, tăng 6,8% so với cuối năm trước.
Trong khi đó, số liệu từ Cục thống kê Hà Nội cho biết, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn Hà Nội 6 tháng đầu năm đạt 2.333 nghìn tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 2.118 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% và tăng 6,5%. Theo kỳ hạn, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 942 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước và 7,1% so với thời điểm kết thúc năm 2020. Dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 1.391 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4% và tăng 5,1%.
Trong đó, dòng vốn chủ yếu chảy vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của NHNN.
Trao đổi với VnBusiness, PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, tín dụng toàn ngành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm tăng 5,1% là bình thường. NHNN đã có chỉ đạo và giám sát quyết liệt các ngân hàng thương mại trong hạn chế rót vốn vào các lĩnh vực rủi ro cao, như chứng khoán, bất động sản. Cho nên, dòng tín dụng hiện nay vẫn chủ yếu chảy vào sản xuất, kinh doanh. Luồng vốn mới đổ vào chứng khoán, bất động sản là có, song tín dụng bất động sản, chứng khoán chưa đến mức phải lo ngại. NHNN đã quá thấm thía bài học rủi ro từ bong bóng bất động sản.
“Nền kinh tế đã phục hồi khá tốt nhờ Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh, cộng thêm sự hỗ trợ của Thông tư 03/2021/TT-NHNN về cơ cấu nợ, nên cầu tín dụng đã tốt hơn trước rất nhiều. Trong bối cảnh NHNN đang kiểm soát chặt chẽ tín dụng rủi ro, tôi cho rằng, dòng tín dụng đang đi đúng vào sản xuất - kinh doanh”, ông Thịnh nhận định.