Cần tăng nặng mức xử phạt làm giả sổ đỏ
Thời gian gần đây tại nhiều địa phương trên cả nước, kẻ gian đã dùng chiêu trò tinh vi làm giả hàng loạt sổ đỏ nhằm mục đích lừa đảo.
Nhận làm sổ đỏ, sổ hồng giả, 24h nhận hàng, cam kết giống thật 100%... là những lời quảng cáo đang được đăng tải trên mạng xã hội. Rất dễ dàng để có thể tìm ra được hàng chục đầu mối làm giả với giá từ 10 - 20 triệu đồng.
Chiêu trò tinh vi
Với thủ đoạn lừa đảo tinh vi của các đối tượng, lại được sự trợ giúp của công nghệ in ấn hiện đại, nên các nhóm lừa đảo có thể qua mặt khách hàng và văn phòng công chứng một cách dễ dàng.
Ông Trần Anh Kiệt (ngụ phường 17, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) là nạn nhân trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Ông Kiệt cho biết, thời điểm tháng 6/2018, ông đăng thông tin bán nhà trên các trang giới thiệu bất động sản. Tại thời điểm rao bán, ông đưa ra giá 17 tỷ đồng và có rất nhiều người đến hỏi mua nhưng do không thống nhất giá cả nên ông chưa bán.
Cũng có một số người đến hỏi mua rồi xin bản photo sổ đỏ để về nghiên cứu nhưng chẳng quay lại. Ngoài ra, có người đến xem nhà và xin xem qua bản chính sổ đỏ để làm tin nhưng rồi cũng chẳng thấy đâu.
Đến tháng 10/2018, Công an phường 17, quận Bình Thạnh đến thông báo căn nhà của ông đã bị người khác làm thủ tục đăng bộ và hiện công an đang giải quyết.
Lúc này ông cũng chưa tin vì giấy tờ nhà ông đang cất giữ. Tuy nhiên, sau khi làm việc với công an thì ông mới tá hỏa, bấy lâu nay sổ đỏ ông đang giữ là giả, còn sổ đỏ thật thì đã bị kẻ gian tráo khi họ xin xem bản chính lúc hỏi mua nhà.
Tương tự, mới đây (tháng 8/2019), Công an quận Cẩm Lệ (TP. Đà Nẵng) đã bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Nga, trú tại địa phương do có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, khi biết bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, trú quận Hải Châu có nguồn tiền nhàn rỗi, Nga nảy sinh ý định làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để thế chấp vay tiền.
Thực hiện kế hoạch, Nga tìm và đặt mua trên mạng một sổ đỏ giả đứng tên mình với diện tích đất 100m2, ở khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, nằm trên địa bàn quận Cẩm Lệ, với giá 20 triệu đồng.
Sau khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả, Nga đã dùng để thế chấp với bà Nguyễn Thị Thanh Huyền vay số tiền gần 600 triệu đồng.
Thời gian sau, do không có tiền để trả nên bà Huyền buộc Nga phải chuyển nhượng lô đất đang cầm cố để thanh toán. Nguyễn Thị Nga cùng nạn nhân đến Phòng Công chứng Phước Nhân, nằm trên đường Nguyễn Hữu Thọ để ký hợp đồng chuyển nhượng.
Tại đây, các công chứng viên phát hiện sổ đỏ đứng tên Nguyễn Thị Nga là giả nên báo cơ quan công an.
Người dân cần cẩn trọng
Theo các công chứng viên, thời gian gần đây tại nhiều địa phương trên cả nước, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến sử dụng sổ đỏ giả để lừa đảo. Điểm chung là những sổ đỏ giả bị phát hiện được đối tượng làm rất tinh vi. Nếu không có nghiệp vụ thì rất khó để phát hiện.
Theo thống kê của Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh, trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 đã có gần 300 vụ lừa đảo bị phát hiện liên quan đến việc sử dụng sổ đỏ giả. Đây là con số đáng báo động bởi việc làm sổ đỏ giả quá dễ dàng trong khi việc quản lý còn nhiều kẽ hở chưa thể kiểm soát.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho biết, theo quy định tại Khoản 1, Điều 267, Bộ luật Hình sự người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Tuy nhiên, cũng theo ông Hà, việc làm giả giấy tờ nhà đất không thể dừng lại ở việc xử lý hành chính vì đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, nếu nhẹ tay có thể sẽ bỏ lọt tội phạm. Do đó cần tăng nặng và xử lý hình sự.
“Ngoài các biện pháp từ các cơ quan chức năng, khi giao dịch mua bán nhà đất, người dân cần có ý thức tự đề phòng, tìm hiểu kỹ các thông tin trước khi quyết định mua bán để tránh tình trạng bị lừa. Đặc biệt, để tránh bị đánh tráo sổ đỏ người dân chỉ nên cho người tìm hiểu mua nhà xem bản photo, khi nào chính thức giao dịch mới đưa sổ đỏ gốc” - Luật sư Hà lưu ý.
Để quản lý toàn diện, các chuyên gia kiến nghị Bộ TN&MT nên giao việc in sổ đỏ cho các tỉnh, thành phố phát hành theo mẫu đã đưa ra để tránh thất lạc trên đường vận chuyển. Đồng thời, các công chứng viên phải được tập huấn thường xuyên để nhận diện sổ đỏ giả.