Cận Tết bất động sản hút mạnh dòng kiều hối

Theo Lê Sáng/diendandoanhnghiep.vn

Thời điểm cận Tết Nguyên đán, bất chấp ảnh hưởng của dịch COVID-19, dòng tiền kiều hối tiếp tục gia tăng và được nhận định sẽ chọn bất động sản làm nơi trú ẩn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tranh thủ dịp cuối tuần trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, chị Nguyễn Thị Loan (Quốc Oai, Hà Nội) vừa hoàn tất thủ tục nhận chuyển nhượng 02 thửa đất nền với giá hơn một tỷ đồng một lô sau khi nhận được tiền kiều hối do vợ chồng anh trai từ Canada gửi về.

“Hai năm nay, người nhà tôi mới gửi tiền về, số tiền cũng khá lớn, gửi ngân hàng hay cho vay cũng không được lãi bao nhiêu mà buôn bán cũng khó nên gia đình tôi đã quyết định dồn tiền để mua đất. Dù giá đã lên khá cao nhưng nếu thị trường chỉ cần thuận lợi bằng phân nửa thời gian qua cũng là rất tốt rồi, nếu không coi như đầu tư dài hạn”, chị Loan cho biết.

Theo thông lệ, cận Tết Nguyên đán thường là cao điểm của dòng tiền kiều hối về Việt Nam, năm nay một trong những tín hiệu tích cực là bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng lượng kiều hối không hề giảm mà còn tăng so với cùng kỳ.

Cụ thể, theo thống kê của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, lượng kiều hối về Việt Nam năm 2021 ước đạt 12,5 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2020. Trong số đó, lượng kiều hối gửi qua các tổ chức tín dụng khoảng 7%, các công ty kiều hối 28%, qua bưu điện 2%...

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, kiều hối của Việt Nam trong 2 năm dịch bệnh Covid-19 vẫn tăng trưởng, bất chấp xu hướng giảm chung của thế giới.

Bên cạnh số liệu thống kê do Ngân hàng nhà nước công bố thì trước đó, ngân hàng Thế giới (WB) và tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư KNOMAD dự báo Việt Nam đứng thứ tám thế giới và đứng thứ ba trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương về lượng kiều hối trong năm 2021.

Theo tổ chức này, lượng kiều hối về Việt Nam trong năm nay ước tính ở mức 18,1 tỷ USD, cao hơn mức 17,2 tỷ USD năm 2020, khi Việt Nam xếp thứ 11 thế giới về lượng kiều hối.

Theo nhận định của các chuyên gia, thời điểm cuối năm là lúc dòng kiều hối chuyển về nước cao nhất, kéo theo các hoạt động giao dịch bất động sản cũng sôi động hơn. Thế nhưng thay vì đổ về các thành phố lớn, hiện dòng tiền này đang chảy về các thị trường mới giàu tiềm năng, nổi bật với loại hình bất động sản nghỉ dưỡng, đất nền vùng ven.

Chẳng hạn tại thị trường trọng điểm TP. Hồ Chí Minh, trong năm 2021, theo nghiên cứu thị trường của Savills Việt Nam, kiều hối đổ vào thị trường BĐS tại TP. Hồ Chí Minh ước đóng góp khoảng 20% lượng giao dịch phân khúc căn hộ và 4% lượng giao dịch phân khúc biệt thự, nhà phố. Cũng theo nghiên cứu trên nhiều năm qua, lượng kiều hối đổ vào BĐS TP. Hồ Chí Minh liên tục giữ đà tăng.

Theo các chuyên gia, dòng tiền kiều hối đầu tư vào bất động sản không chỉ trong dịp cận tết Nguyên đán mà cả trong năm 2022 sẽ còn tăng mạnh trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như vàng, trái phiếu hay sản xuất kinh doanh vẫn có xu hướng giảm trong khi thị trường bất động sản lại liên tục sôi động.

TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh chỉ rõ, nguồn kiều hối dồi dào này được cho sẽ là một nguồn lực quan trọng giúp hồi phục sức mua trên thị trường bất động sản và có khoảng 30% lượng kiều hối đổ vào kênh bất động sản tại Việt Nam.

Chia sẻ quan điểm tích cực về triển vọng dòng tiền kiều hối đối với thị trường bất động sản, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) cho rằng đây là dòng tiền có khả năng đầu tư dài hạn nên không quá áp lực về câu chuyện lướt sóng, đầu cơ.

Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Văn Đính cũng khuyến cáo các nhà đầu tư cần hết sức tỉnh táo để hạn chế rủi ro. Cụ thể, trong thị trường nóng như hiện nay, các nhà đầu tư cần lựa chọn sản phẩm một cách cẩn trọng, rõ ràng về pháp lý và giá bán chưa bị đẩy lên quá cao.

“Dù có thể mục đích đầu tư là dài hạn nhưng nếu giá vốn quá cao thì khi thị trường quay đầu nguy cơ có thể bị chôn vốn lâu dài là hiển hiện”, Chủ tịch VARs khuyến cáo.