Cần thay đổi tư duy trong xuất khẩu gạo
(Tài chính) Nhiều năm nay, Việt Nam luôn tự hào là nước có lượng gạo xuất khẩu đứng “top” đầu thế giới. Tuy nhiên, tư tưởng coi xuất khẩu lớn như một thành tích vẫn ngự trị mà việc nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm này lại chưa được chú trọng.
Giá trị xuất khẩu còn thấp
Trong suốt hơn 2 thập kỷ qua, nhờ sản lượng lúa gần như gia tăng liên tục đã giúp Việt Nam không những đảm bảo an ninh lương thực trong nước mà còn lọt “top” 1 trong 3 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới.
Cụ thể, Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ mức xuất khẩu 1,99 triệu tấn năm 1995, sản lượng gạo xuất khẩu đã tăng lên mức 3,48 triệu tấn năm 2000 và 8,02 triệu tấn vào năm 2012. Năm 2013, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 6,61 triệu tấn với tổng giá trị 2,95 tỷ USD và mới đây nhất, khối lượng xuất khẩu gạo 9 tháng đầu năm 2014 đạt 5,02 triệu tấn, trị giá 2,29 tỷ USD.
Tuy nhiên, việc quá chú trọng đến tăng sản lượng dẫn đến chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam không cao, thị trường xuất khẩu tập trung ở phân đoạn thấp, kém đa dạng và đang phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Khi thị trường xuất khẩu này gặp khó khăn, sức ép giảm giá sẽ đè nặng lên thị trường nội địa, gây thiệt hại cho các thành phần trong chuỗi sản xuất lúa gạo, đặc biệt là người nông dân.
Theo kết quả nghiên cứu “Cấu trúc ngành lúa gạo và lợi ích của người sản xuất nhỏ ở Việt Nam” do Liên minh “Vì quyền của nông dân và hiệu quả của nền nông nghiệp Việt Nam” (gọi tắt là Liên minh Nông nghiệp) vừa công bố mới đây, trong cấu trúc thị trường lúa gạo Việt Nam, các hộ nông dân chiếm số lượng lớn nhưng chủ yếu là quy mô nhỏ. Nông dân phải bán tới 93% lúa tươi tại ruộng cho các thương lái và dễ bị các thương lái ép giá.
TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện Nghiên cứu chính sách kinh tế Việt Nam cho biết: “Nông dân hiện tại chịu o ép từ cả các doanh nghiệp bán vật tư thiết bị (đầu vào) lẫn các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo (đầu ra) theo mức giá mà doanh nghiệp “định”.
Một số nhỏ nông dân tham gia cánh đồng lớn/hợp đồng nông sản với doanh nghiệp xuất khẩu nhưng các quy định bảo vệ lợi ích của nông dân còn chưa phát triển (các cơ chế xử lý khi có phát sinh trong hợp đồng, thiếu người đại diện hợp pháp của nông dân)”.
Hơn nữa, trợ cấp trong sản xuất lúa gạo hiện nay không đem lại lợi ích cho nông dân lẫn người tiêu dùng trong nước vì giá xuất khẩu gạo còn thấp hơn cả giá nội địa.
Cũng theo TS. Nguyễn Đức Thành, với thực tế hiện nay nước ta đang xuất khẩu một lượng gạo lớn thì vô hình trung, trợ cấp này lại dành cho người tiêu dùng nước ngoài. Ví dụ như khi Nhà nước hỗ trợ về thuế cho hệ thống thủy lợi, đường sá… trong sản xuất lúa gạo thì khi xuất khẩu, các khoản hỗ trợ này không được đưa vào giá thành, không thể thu lại. Còn nếu gạo tiêu dùng ở thị trường nội địa thì phần hỗ trợ này được trả lại cho người đóng thuế.
Bên cạnh đó, cách trợ cấp như hiện tại sẽ khiến ngành lúa gạo Việt Nam có xu hướng sản xuất thừa nhóm sản phẩm có chất lượng trung bình và thấp, từ đó không xây dựng được thương hiệu và phải chấp nhận xuất khẩu với giá thấp.
Cũng có cùng quan điểm này khi trả lời phỏng vấn báo giới, GS. Võ Tòng Xuân cho rằng, gạo Việt Nam xuất khẩu đã không tính hết chi phí sản xuất. Suốt thời gian dài, gạo Việt luôn được chào bán với giá rẻ để cạnh tranh với Thái Lan mà không tính hết đến chi phí sản xuất. Trong đó, phần khấu hao về các công trình thủy lợi là rất lớn mà mỗi năm Nhà nước phải chi đến hàng trăm triệu USD để đầu tư. Việc xuất khẩu gạo với giá rẻ cũng đang đẩy Việt Nam đứng trước nguy cơ bị các nước kiện chống bán phá giá như bài học đắt giá từ tôm, cá tra đã từng xảy ra.
Dự báo xuất khẩu gạo năm 2015 sẽ khó khăn
Theo dự báo của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), năm 2015 sẽ là năm khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Theo phân tích của VFA, năm 2015 gạo Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh khốc liệt với gạo Thái Lan, nhất là thế mạnh của Việt Nam là loại gạo thơm (Jasmine), Thái Lan cũng có 2 giống lúa khác cạnh tranh về chất lượng và giá lại tương đương.
Sự cạnh tranh không chỉ trong khu vực châu Á mà ở cả các thị trường châu Phi cũng sẽ diễn ra trong thời gian tới. Trong khi đó, tiêu thụ qua đường tiểu ngạch đang có sự quản lý chặt chẽ nên sẽ khó có việc các doanh nghiệp, tư thương dễ dàng xuất gạo qua đường này.
Ông Bảy cho rằng, từ nay tới cuối năm, giá gạo trong nước sẽ đứng ở mức hiện nay, khó tăng cao mà có thể giảm nhẹ do nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường đã giảm.
Tính bình quân cả năm giá lúa trong nước vẫn khá tốt, có lợi cho nông dân, tuy nhiên trong năm 2014 các doanh nghiệp xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn do giá nguyên liệu trong nước biến động theo hướng tăng, hàng xuất qua đường tiểu ngạch được thương lái mua giá cao, trong khi giá xuất khẩu lại phụ thuộc vào thị trường thế giới.
Trong năm 2014, các doanh nghiệp thuộc VFA sẽ cố gắng tiêu thụ hết lúa hàng hoá cho nông dân, đồng thời cân đối để có lượng gạo xuất khẩu hợp lý cho những tháng cuối năm 2014 và đầu năm 2015.
Cần thay đổi như thế nào?
Trả lời phỏng vấn báo giới, theo TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), muốn phần nào nâng tính cạnh tranh cho gạo Việt trên thị trường quốc tế, đồng thời cải thiện đời sống người nông dân thì phải làm tốt khâu giống. Hiện nay, miền Bắc vẫn thường nhập giống từ Trung Quốc còn miền Nam nhập từ Thái Lan về gieo trồng.
“Chúng ta không tự chủ được khâu này thì sẽ yếu ở nhiều khâu khác nữa. Do đó, Nhà nước và các cơ quan chức năng phải “xắn tay” vào làm nhanh, làm mạnh, chứ không chỉ kêu yếu, kêu thiếu mãi”, TS. Hồ nói.
Ngoài ra, bất cập nổi cộm hiện nay trong sản xuất lúa gạo còn là diện tích nông hộ còn quá nhỏ nên chi phí giá thành tăng lên. Một khi vấn đề hạn điền vẫn còn đặt ra thì không thể nào tiết giảm được giá thành sản xuất mà như thế thì nông dân khó có thể tăng thu nhập. Xây dựng các cánh đồng mẫu lớn chỉ là một cách để khắc phục. Muốn giải quyết điểm yếu này, trong tương lai phải đẩy mạnh hơn nữa hoạt động của các hình thức trang trại, hợp tác xã.
Bên cạnh đó, theo TS. Nguyễn Đức Thành, cần phải thay đổi lại cách trợ cấp và đánh thuế, phí lên hoạt động sản xuất lúa gạo. Đơn cử như, trong giai đoạn đầu, chúng ta có thể tính trợ cấp theo diện tích đất trồng lúa vì nhóm này được coi là làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực quốc gia nhưng giao trợ cấp cho chính quyền địa phương để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển dịch vụ xã hội thiết yếu. Ngoài ra, Nhà nước cũng phải xem xét thật cẩn trọng, nếu cần có chiến lược điều chỉnh giảm trợ cấp cho sản phẩm xuất khẩu thì nên bắt đầu từ đâu, đặc biệt phải chú ý tới vai trò, lợi ích, thiệt hại của người nông dân trong quá trình này để cân đối cho phù hợp.
Về góc độ thay đổi tư duy, TS. Thành cho rằng, ở Việt Nam, tư tưởng coi xuất khẩu lớn như một thành tích vẫn ngự trị. Trong khi đó, xu hướng thị trường lúa gạo thế giới là cung đang vượt cầu, do ngày càng có nhiều giống lúa năng suất cao được đưa vào sản xuất.
TS. Thành cho rằng, trong khi xuất khẩu gạo chỉ nhiều về sản lượng và giá trị gia tăng thấp như lâu nay, lúa gạo Việt Nam nên hướng về thị trường nội địa, vốn chiếm 80% sản lượng lúa gạo của Việt Nam và 30%-40% sản lượng lúa gạo của Đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng thị trường với các thương hiệu gạo khác nhau, phục vụ chính người Việt Nam.
Đồng thời, cũng cần thay đổi cấu trúc quản lý hành chính phù hợp với phương hướng dịch chuyển của cấu trúc thị trường, trong đó doanh nghiệp tư nhân và người nông dân sản xuất quy mô lớn sẽ chiếm ưu thế trong tương lai./.