Cần thống nhất pháp lý cho condotel
Hiện nay, vấn đề pháp lý cho condotel được một số bộ ngành nói là đã có, nhưng doanh nghiệp lại nói chưa. Sự chưa thống nhất này dẫn đến hậu quả là nguồn cung và lượng giao dịch condotel năm 2019 giảm sút, thị trường đầy “màu xám” với sự vỡ trận của Cocobay Đà Nẵng.
Theo số liệu báo cáo của Bộ Xây dựng, 16 tỉnh thành trực thuộc Trung ương từ năm 2015 – 2017 đã có 15.000 căn hộ du lịch (condotel) được chào bán. Riêng năm 2018, 2019 đã có gần 20.000 căn hộ condotel được đầu tư và chào bán ra thị trường. Năm 2020 và thời gian tới sẽ tiếp tục có hàng chục nghìn căn hộ tiếp tục chào hàng.
Bộ khẳng định đã có
Pháp lý cho condotel được doanh nghiệp (DN) và người dân mong chờ cuối năm 2019 sẽ được ban hành. Mới đây, tại cuộc họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định hiện đã có đầy đủ quy định pháp luật để quản lý vận hành xây dựng condotel. Bộ Xây dựng đã ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn như dân số, quy hoạch, bố trí mặt bằng, tính toán căn hộ…
Cụ thể, trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chung cư, Bộ Xây dựng quy định condotel và căn hộ văn phòng (officetel) có diện tích tối thiểu 25m2. Ngoài ra, officetel cũng thêm quy định diện tích làm việc tối thiểu 9m2 và không bố trí bếp trong officetel.
Bộ Xây dựng cũng ban hành thông tin quản lý vận hành chung cư, trong đó có quản lý condotel, officetel.
Ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT), cũng khẳng định về mặt pháp luật hiện đã có đầy đủ hành lang pháp lý cho loại hình condotel. Muốn biết khái niệm condotel là gì cần làm rõ công năng, phạm trù, hình thức của loại hình này, sau đó tham chiếu ra các quy định về loại hình tương ứng.
“Theo kết quả tham chiếu thì condotel tạm thời được hiểu là căn hộ khách sạn. Theo Luật Du lịch, đây là loại hình kinh doanh dịch vụ. Khi giao đất, khi làm thủ tục từ giao đất tới hình thành tài sản, condotel được xác định là đất sản xuất kinh doanh. Cấp phép xây dựng cho condotel phải căn cứ quy hoạch và mục đích cho thuê đất”, ông Phấn nói.
Chế độ sử dụng đất đối với loại hình này cũng đã được quy định tại Điều 153 Luật Đất đai, còn quy định cấp giấy chứng nhận (GCN) được nêu tại Điều 104 Luật Đất đai, trình tự thủ tục cấp GCN nêu tại các nghị định, thông tư và hướng dẫn.
“Như vậy, về cơ sở pháp lý, quy định chế độ sử dụng đất, trình tự thủ tục cấp GCN cho condotel đến thời điểm này đã đảm bảo đầy đủ”, ông Phấn khẳng định.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, Bộ VH-TT&DL cũng đã ban hành quy định quản lý căn hộ du lịch trong Luật Du lịch.
Phân khúc codotel chững lại vì khó khăn liên quan đến pháp lý |
Doanh nghiệp nói không
Cũng tại cuộc họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương, ông Hà thừa nhận việc chưa đủ cơ sở pháp lý điều chỉnh loại hình condotel đã dẫn đến hiện tượng các chủ đầu tư thực hiện hợp đồng không nghiêm túc. Tuy nhiên, sau khi ban hành quy chuẩn mới, ông Hà tin rằng sẽ có đủ các quy định pháp luật kiểm soát đầu tư xây dựng loại hình này.
Phân khúc condotel cuối năm 2019 đón cú sốc lớn khi chủ đầu tư dự án tại Cocobay Đà Nẵng chấm dứt trả lợi nhuận cam kết 12% với người mua vì khó khăn tài chính. Thị trường xảy ra khủng hoảng condotel và người mua không còn tin vào cam kết cũng như lời hứa của chủ đầu tư khi chưa có khung pháp lý đầy đủ.
Một số nhà đầu tư nhìn nhận do sự mập mờ pháp lý nên dẫn đến tình trạng các chủ đầu tư khi bán sản phẩm condotel đã quảng cáo quá đà, cam kết có sổ đỏ.
Lãnh đạo một DN bất động sản (BĐS) khác cho rằng nếu từ phía Nhà nước tới chủ đầu tư thống nhất định danh condotel là căn hộ du lịch hay biệt thự du lịch, cấp giấy chứng nhận rõ ràng thì sẽ không còn tranh cãi, không xảy ra những bất cập, rủi ro trong quá trình giao dịch như câu chuyện Cocobay vừa xảy ra.
Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Mai Văn Phấn cho biết hiện nay chưa có dự án condotel nào được cấp GCN sở hữu tài sản. Pháp lý cao nhất của condotel vẫn là hợp đồng mua bán giữa khách hàng với chủ đầu tư.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng dù có pháp lý rõ ràng nhưng trong năm 2020, condotel vẫn chưa hết khó khăn khi giao dịch kém.
Trước những điểm còn chưa rõ ràng về pháp lý của condotel, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA), kiến nghị không cần phải có luật mới nhưng cần bổ sung một số nội dung thì vẫn giải quyết được câu chuyện về condotel.
Đó là điều kiện huy động vốn đối với dự án BĐS hình thành trong tương lai là phải có giấy tờ, có giấy phép xây dựng, phải xây dựng xong hệ thống hạ tầng. Vì vậy, cần bổ sung quy định khi bán các BĐS hình thành trong tương lai nói chung, trong đó có condotel, đều phải có bảo lãnh của ngân hàng.
Năm 2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển du lịch càng tăng thì các condotel cũng phát triển tốt. Chủ đầu tư có thể liên kết, hợp tác với các DN trong vùng nhằm khai thác và cơ cấu lại sản phẩm để bài toán kinh doanh đạt hiệu quả hơn.
Vấn đề là, theo HoREA, cần định danh lại cho rõ ràng căn hộ condotel, thống nhất từ Nhà nước tới chủ đầu tư thì mới có thể giải quyết được những rủi ro có thể xảy ra cho nhà đầu tư, chủ đầu tư. Bởi sự đổ vỡ của condotel sẽ ảnh hưởng đến tín dụng và nền kinh tế nói chung.