Cần “trợ lực” cho nông dân

Theo Khánh Trung/ Báo Cần Thơ

Dịch COVID-19 ở nước ta được kiểm soát tốt, thị trường tiêu thụ nông sản từng bước được khơi thông tạo nhiều thuận lợi cho nông dân trong phục hồi và phát triển sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nông dân vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn, rất cần sự “trợ lực” của ngành chức năng. Đây cũng là vấn đề được nêu ra tại hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam, vừa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp các cơ quan Trung ương và địa phương tổ chức.

Nông dân sản xuất lúa hè thu 2022 tại TP. Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ĐBSCL rất mong giá lúa khởi sắc hơn khi nhiều loại vật tư tăng cao. Ảnh: KT
Nông dân sản xuất lúa hè thu 2022 tại TP. Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ĐBSCL rất mong giá lúa khởi sắc hơn khi nhiều loại vật tư tăng cao. Ảnh: KT

Nông dân cần hỗ trợ

Giá cả vật tư nông nghiệp đang tăng cao, trong khi giá cả đầu ra nhiều loại nông sản còn thấp và bấp bênh do xuất khẩu còn gặp khó, khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch còn yếu. Nông dân rất mong Thủ tướng Chính phủ có các chính sách và biện pháp ổn định giá vật tư đầu vào và hỗ trợ chế biến, xuất khẩu nông sản để tiếp sức, hỗ trợ nông dân.

Chị Nguyễn Thị Trâm ở huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, nêu vấn đề: “Sản xuất nông nghiệp của chúng ta vẫn chủ yếu ở dạng sản xuất thô, các sản phẩm nông sản xuất khẩu cũng dưới dạng thô, chưa có chế biến sâu nên giá trị thu về còn thấp”. Còn theo ông Nguyễn Văn Thanh ở huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội, thời gian vừa qua, giá cả vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi đồng loạt tăng rất cao so với trước dịch COVID-19, khiến nhiều nông dân thua lỗ, nhiều người phải treo ao, treo chuồng.

Nông dân cũng đối mặt với nhiều rủi ro trong sản xuất do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, môi trường biến đổi và các tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng tăng. Trong khi nông dân còn thiếu vốn và hạn chế về trình độ, khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sản xuất… để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Ông Lý Văn Bon ở quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ, cho biết: “Mấy năm gần đây, do BĐKH, do xây dựng thủy điện ở thượng nguồn, lượng nước về ĐBSCL không còn như xưa, đã tác động đến nguồn lợi thủy sản, sinh kế của người dân…”.

Với xu hướng phát triển nông nghiệp thông minh, bền vững, có trách nhiệm thì đòi hỏi phải có kiến thức công nghệ mà chỉ người trẻ mới có nhiều ưu thế nắm bắt. Tuy nhiên, người lao động trẻ tại nhiều địa phương lại muốn đi làm thuê, làm công nhân ở các khu công nghiệp, thành phố lớn. Nhiều nông dân và chuyên gia kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có giải pháp thu hút lao động trẻ ở lại các vùng nông thôn để phát triển nông nghiệp, hỗ trợ người dân trong tiếp cận, áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới.

Tích cực vào cuộc

Giá cả hàng hóa toàn cầu, trong đó có giá vật tư nông nghiệp đã tăng rất cao trong gần 2 năm qua do gián đoạn chuỗi cung ứng bởi đại dịch COVID-19 và xung đột chính trị ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ. Mặt khác, nguồn cung trên thị trường thế giới có xu hướng giảm, trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng do phục hồi kinh tế sau đại dịch. Trước tình hình đó, Chính phủ đã có nhiều cuộc làm việc với các doanh nghiệp để yêu cầu chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu nhập khẩu; phát huy công suất sản xuất, kiểm soát kênh phân phối, ưu tiên tiêu thụ tại thị trường trong nước, hạn chế xuất khẩu những mặt hàng là vật tư có tính chiến lược…

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Hồng Diên, nếu giá tiếp tục leo thang, Bộ Công Thương cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) kiến nghị Chính phủ xem xét trợ giá một số vật tư thiết yếu để bớt khó khăn cho người nông dân. Bộ Công Thương cũng tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị sản xuất vật tư nông nghiệp, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp cùng nhau ngồi lại, bàn bạc việc chia sẻ khó khăn cho người nông dân.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNN - Lê Minh Hoan, cho biết: “Đã thị sát các mô hình và thấy rằng bà con nông dân có thể ứng dụng các giải pháp kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, nông nghiệp tuần hoàn và các phương thức được hướng dẫn, khuyến cáo của đơn vị khuyến nông để giảm nhiều chi phí. Các địa phương cần tăng cường nhân rộng các mô hình giảm chi phí và khuyến cáo nông dân vào hợp tác xã để mua chung vật tư, mua sỉ thì giá sẽ rẻ hơn. Chúng ta cần nỗ lực để dần tự chủ một số nguyên liệu trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản. Nếu quyết tâm và cùng nhau nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp, tôi tin rằng chúng ta sẽ kiểm soát tốt vấn đề này...”.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Trần Duy Đông, liên quan đến vấn đề thích ứng BĐKH và đảm bảo sinh kế cho người nông dân vùng ĐBSCL, Chính phủ đã ban hành riêng Nghị quyết 120/NQ-CP năm 2017 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Thủ tướng cũng rất quan tâm đến vấn đề này và vừa phê duyệt Quyết định số 287/QĐ-TTg về Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với quan điểm phát triển vùng ĐBSCL là phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với BĐKH và lấy con người là trọng tâm. Quy hoạch đề ra các  giải pháp để tạo sinh kế cho người nông dân: chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng với 3 kiểu vùng; phát triển kinh tế biển; quy hoạch mạng lưới thủy lợi với hệ thống cống, đê bao…

Trước các vấn đề cụ thể được nông dân và các đại biểu nêu ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trả lời trực tiếp thắc mắc của nông dân và chỉ đạo các bộ, ngành tham gia giải đáp các câu hỏi của nông dân ngay tại hội nghị, cũng như xem xét, đề xuất các cơ chế chính sách và có giải pháp tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để nông dân yên tâm phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh sau dịch COVID-19.

Thủ tướng nhấn mạnh, đây là cơ hội cho Chính phủ, bộ, ngành trực tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con nông dân; những khó khăn, vướng mắc, thách thức và các kiến nghị, giải pháp. Các vấn đề, nội dung thảo luận, trao đổi tại hội nghị góp phần bổ sung căn cứ thực tiễn để xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao đời sống nông dân.