Hỗ trợ nông dân toàn diện, thực chất, hiệu quả
Đối thoại trực tiếp với nông dân Việt Nam tại Sơn La ngày 29/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải đặc biệt quan tâm, nắm chắc thực tiễn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con nông dân để hỗ trợ toàn diện, thực chất, hiệu quả.
Yêu cầu doanh nghiệp chia sẻ khó khăn với nông dân
Giá vật tư nông nghiệp tăng mạnh là vấn đề nông dân quan tâm hàng đầu hiện nay. “Thủ tướng có chính sách, biện pháp gì để bình ổn giá vật tư đầu vào, tiếp sức, hỗ trợ nông dân?”, ông Nguyễn Văn Thanh (xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) là người đầu tiên đặt câu hỏi.
Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, có 3 nguyên nhân chính khiến giá vật tư nông nghiệp tăng cao trong gần 2 năm qua, gồm: giá các loại nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón tăng cao; nguồn cung trên thị trường thế giới có xu hướng giảm, trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng cao do phục hồi kinh tế; gián đoạn chuỗi cung ứng và xung đột chính trị ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, tới đây, Bộ sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ và cấp có thẩm quyền để tiếp tục kiểm soát vật tư thiết yếu phục vụ sản xuất, đặc biệt là vật tư nông nghiệp; đồng thời tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, yêu cầu doanh nghiệp chia sẻ khó khăn cho người nông dân.
Về tín dụng trong nông nghiệp, ông Lê Quang Thắng (Quảng Ninh) hỏi: "sau dịch Covid-19, nông dân gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn để phục hồi sản xuất, Chính phủ có giải pháp gì để hỗ trợ nông dân?"
Trả lời câu hỏi này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, từ tháng 3/2020, cơ quan này đã có chính sách giãn, hoãn, khoanh nợ. Theo đó, doanh nghiệp đã được giãn, hoãn đến 2 triệu tỷ đồng. Chính sách vĩ mô cũng đang hỗ trợ nông nghiệp thông qua ngành ngân hàng, sẽ tiếp tục cộng hưởng với những chính sách giãn, hoãn cho doanh nghiệp trong 11 lĩnh vực ưu tiên, tạo hiệu quả huy động vốn cho doanh nghiệp nông nghiệp.
Rà soát việc đã làm để hỗ trợ nông dân hiệu quả
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng. Tình hình thế giới diễn biến hết sức phức tạp, khó lường; việc đứt gãy chuỗi cung ứng làm giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao, tác động tới sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, nhất là người nông dân. Trong bối cảnh rất nhiều khó khăn, Thủ tướng chỉ rõ, vấn đề là chúng ta tiếp cận, giải quyết như thế nào?
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, Chính phủ đang triển khai Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, với nhiều chính sách như giảm lãi suất hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, miễn giảm thuế, phí, lệ phí, tiền điện, nước… Chính phủ cũng tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông với hàng loạt tuyến cao tốc để giảm chi phí logistics. “Đây là quyết tâm rất cao của Đảng và Nhà nước ta, chúng ta có nguồn lực và đã bố trí nguồn lực để làm, không phải tính cua trong lỗ”.
Thủ tướng chỉ rõ, trong Chương trình phục hồi và phát triển, chính sách hỗ trợ đã rõ nhưng khâu tổ chức thực hiện việc tiếp cận vốn tín chấp còn khó khăn. Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu thêm vấn đề nhiều người dân khó tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi. Chính quyền địa phương phối hợp với ngân hàng trong việc thẩm định các hồ sơ vay vốn tín chấp. Các hộ nông dân cũng phải có dự án rõ ràng, khả thi để được ngân hàng chia sẻ nhiều hơn.
Nhắc lại 3 cuộc đối thoại của Thủ tướng với nông dân trước đây đều mang lại hiệu quả thiết thực, Thủ tướng yêu cầu phải rà soát lại những việc đã làm tốt, chưa làm tốt sau các cuộc đối thoại đó để có động lực hành động tiếp theo nhằm tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân.
Trong điều kiện hiện nay, Thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục đổi mới công nghệ; đa dạng hóa chuỗi cung ứng, không phụ thuộc vào một thị trường nhất định; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa công nghiệp với nông nghiệp; kết nối các chuỗi giá trị; thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí metal trong nông nghiệp…
Về phía các bộ, ngành, địa phương phải đặc biệt quan tâm, nắm chắc thực tiễn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con nông dân, nhất là những vấn đề nảy sinh, những vấn đề bức xúc để có giải pháp phù hợp, kịp thời, hỗ trợ người nông dân toàn diện, thực chất, hiệu quả theo chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của pháp luật. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan tổng hợp đầy đủ các ý kiến để cơ sở tiếp tục nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân.