Khởi tạo doanh nghiệp nông nghiệp từ chính nông dân

Theo Đỗ Hương/baochinhphu.vn

Nông nghiệp vẫn tăng trưởng dương trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động xấu đến mọi lĩnh vực kinh tế của cả nước. Điều này cho thấy sự linh hoạt và kết nối trong sản xuất nông nghiệp có thể tạo ra giá trị khả quan, vượt qua được khó khăn chung. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực còn nhiều dư địa này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chuyển từ nông nghiệp “nâu” sang “xanh”

Nói về câu chuyện một năm vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan nhìn nhận, nhờ sự quan tâm chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương nên ngành nông nghiệp đã đạt được những thành tựu nhất định.

Đặc biệt, trong những ngày dịch bùng phát mạnh mẽ tại phía nam, ngành nông nghiệp đã có sự kết nối chặt chẽ để không bị đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo các khu đô thị, khu công nghiệp có đủ thực phẩm và việc kết nối đó đến nay vẫn được tiếp tục.

Năm 2021 được coi là một năm khó khăn nhưng từ đó ngành nông nghiệp nhận ra được nhiều bài học lớn.

“Thời gian qua, đôi lúc nông sản ngay tại thị trường nội địa cũng bị ùn ứ. Từ đó mới thấy thông tin thị trường gần như bỏ ngỏ, người trồng cứ trồng, người mua cứ mua.

Đó là nền nông nghiệp mù mờ. Chúng tôi hiện đang tích hợp thông tin và hướng tới nền nông nghiệp minh bạch từ sản xuất đến thị trường để phục vụ điều hành sản xuất và điều tiết tiêu thụ nội địa. Đây sẽ là nền tảng để chuyển đổi số trong nông nghiệp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

Nếu không chuyên nghiệp hoá ngành nông nghiệp thì hệ lụy rất lớn, người nông dân sẽ luôn phải đối mặt với những rủi ro thường trực từ thời tiết, dịch bệnh và thị trường có thể ập đến bất cứ lúc nào. Bộ trưởng Lê Minh Hoan đang kỳ vọng vào chương trình chuyển đổi số trong nông nghiệp đã được Bộ NN&PTNT và Bộ Thông tin và Truyền thông  bắt đầu phối hợp trong năm 2021.

“Chuyển đổi số trong nông nghiệp bao gồm các vấn đề sản xuất, phân phối, thương mại, sàn giao dịch nông sản. Khi chúng ta kích hoạt toàn bộ thì sẽ giúp tăng cầu lên. Ví dụ, trong lúc dịch bệnh căng thẳng, dù vào mùa, vải, nhãn có ngon đến mấy thì người tiêu dùng cũng ngại ra ngoài mua hàng. Khi có app đặt hàng cũng như có sẵn hàng tươi, ngon thì nhiều người sẽ muốn mua, lúc đó tổng cầu sẽ tăng lên”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn chứng.

Với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, “3 biến” (biến đổi khí hậu ; biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng) sẽ là những tác nhân làm thay đổi sản xuất và kinh tế nông nghiệp thời gian tới. “Đã đến lúc chuyển đổi từ nền “nông nghiệp nâu” thâm dụng tài nguyên thiên thiên và sức lao động của con người sang một nền “nông nghiệp xanh” khởi nguồn từ khoa học, tri thức.

Phải chuyển đổi từ nền nông nghiệp chạy theo sản lượng sang một nền kinh tế đa giá trị. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan phân tích.

“Tư lệnh” ngành nông nghiệp cho rằng, quy mô của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay có thể còn khá khiêm tốn so với nhiều ngành khác, nhưng các doanh nghiệp này có thể kết nối được đến hàng chục triệu hộ nông dân.

Nếu tận dụng được sự kết nối này thì sức mạnh của mỗi doanh nghiệp nông nghiệp sẽ rất lớn và thực sự mang lại đa giá trị chứ không chỉ đơn thuần là đầu tư vào một ngành mới chỉ đem lại khoảng 14% tổng GDP như hiện nay.

Đâu là lực lượng khởi nghiệp?

Nội lực phát triển ngành cần đến khoa học, công nghệ làm đòn bẩy nhưng lực lượng để khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp được Bộ trưởng Lê Minh Hoan kỳ vọng là chính những hộ nông dân dường như có vẻ yếu thế trong việc tiếp cận công nghệ.

Lý giải về điều này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, ngay chính trong đại dịch, có những lúc tưởng như mọi hoạt động kinh tế đều bị tê liệt thì từng mảnh vườn, cái ao của các hộ nông dân vẫn sản sinh ra thực phẩm, tạo ra giá trị kinh tế cho từng hộ gia đình, tạo ra vật chất cho xã hội. Đây cũng là lực lượng hiểu rõ nhất về sản xuất nông nghiệp, vì vậy điều cần làm là “tri thức hoá” người nông dân để họ tiếp cận được công nghệ và tham gia vào chuỗi cung ứng.

“Tri thức hoá nông dân không có nghĩa là chỉ dạy họ canh tác, sản xuất kiểu mới mà phải đưa đến cơ hội tiếp cận công cụ, thiết bị thông minh để họ có cơ hội làm giàu. Từ đại dịch COVID-19 có thể thấy, nhiều khi không phải sản xuất quy mô lớn đã tốt, nếu làm quy mô nhỏ nhưng biết tích hợp giá trị thì hiệu quả cũng sẽ rất cao”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp là không chỉ nhìn vào sản lượng mà phải nhìn ra chi phí. Một trong những mục tiêu năm 2022 mà Bộ NN&PTNT đặt ra là tìm được giải pháp giúp bà con nông dân giảm chi phí đầu vào. Bộ NN&PTNT đã kiến nghị Thủ tướng hỗ trợ doanh nghiệp nội địa chế biến, sản xuất vật tư đầu vào có thể dùng nguyên liệu trong nước để giảm phụ thuộc.

Xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững

"Tư lệnh" ngành nông nghiệp nhìn nhận vấn đề chính trong kinh tế nông nghiệp hiện nay là giá trị xuất khẩu của ngành tăng nhưng vẫn thiếu bền vững.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan kể: “Tôi sang châu Âu, những nước mà nông sản của mình có sự tăng trưởng, thì đa phần các sản phẩm lại bày bán ở các cửa hàng dành cho người châu Á. Mình chưa đưa được sản phẩm vào các hệ thống siêu thị của họ, tức là chưa thực sự vào thị trường đó bền vững. Trong khi đó, dịch bệnh diễn ra khiến chi phí logistics tăng, làm tăng giá thành nhưng giá trị gia tăng từ sản phẩm hàng hoá nhận về thì hạn chế”.

Tăng trưởng xuất khẩu hầu hết dựa vào sự năng động của doanh nghiệp trong nước kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài chứ chưa hề có đề án cụ thể cho từng loại thị trường, cách thức đưa hàng hoá vào thị trường quốc tế…

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ NN&PTNT đang tham khảo ý kiến các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để xây dựng đề án xuất khẩu nông sản bền vững. “Không phải cứ tới mùa vụ, doanh nghiệp đến gom mua rồi xuất khẩu nông sản đi mà phải khởi tạo kinh doanh từ vùng nguyên liệu được chuẩn hóa.

Xu thế tiêu dùng xanh quyết định việc chúng ta sản xuất, quyết định giá trị gia tăng chứ không phải sản lượng quyết định. Cần phải bắt đầu từ vùng nguyên liệu, người nông dân, chuẩn hóa quy trình canh tác. Cùng với đó là sự tham gia của các đơn vị logistics để giảm chi phí, kích thích tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn”.