Cẩn trọng “sập bẫy” khi mua sắm online dịp cận Tết

Theo Trang Anh/congthuong.vn

Lợi dụng nhu cầu mua hàng qua mạng gia tăng trong dịp Tết Nguyên đán khi dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp, nhiều đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân bằng những chiêu thức, thủ đoạn hết sức tinh vi.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đến bây giờ, chị Nguyễn Thùy Ngân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết vẫn chưa hết "choáng" với một đơn hàng mua online vì cảm giác còn hơn cả một cú lừa. Chị Ngân chia sẻ, có đặt mua một chiếc áo dài cách tân gấm thêu xếp ly size M với giá 799.000 đồng chưa tính phí ship trên mạng xã hội tên là Von shop địa chỉ ở Lê Văn Sỹ, phường 1, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh.

Chị Ngân nhận hàng và không phát hiện gì bất thường cho đến khi kiểm hàng mới phát hiện ra chiếc áo dài cách tân thêu gấm xếp ly size váy rộng gấp 2 lần bình thường, may nhái kiểu dáng, mẫu shop chụp và hàng thật khác nhau 100%, không thể mặc được lên người. Ngay sau đó, chị đã liên hệ với shop yêu cầu đổi hàng đúng size thì được shop trả lời hết hàng, yêu cầu hoàn tiền thì shop trả lời rằng chỉ đổi hàng bằng giá tiền sản phẩm đã mua hoặc mua sản phẩm khác cao hơn, không hoàn tiền. Đáng nói, sau khi tìm hiểu kỹ về shop này, chị Ngân nhận thấy đã có không ít người bị lừa bởi sự "chuyên nghiệp" của shop online này.

“Đến bây giờ, sau khi đã gửi trả lại hàng theo đúng hướng dẫn của shop, tôi vẫn chưa nhận lại được hàng mới và cũng không nhận lại được tiền đã trả trước cho shop” – chị Ngân bày tỏ.

Tương tự, kể từ khi thương mại điện tử phát triển thì việc mua hàng online đối với chị Nguyễn Thu Hà (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã trở thành một thói quen. Nhưng sau không ít lần bị dính “cú lừa” khi mua hàng qua mạng nên nếu mua được hàng online có chất lượng bằng 70% so với quảng cáo, theo chị Hà đã là thành công.

Trường hợp khác, anh Trung Nguyễn cũng đặt mua hàng của 1 shop trên sàn thương mại điện tử vào thời điểm đầu tháng 1/2022. Sau khi nhận hàng và trả tiền, anh Trung phát hiện thấy sản phẩm giao không đúng với đơn hàng mà anh đã đặt. Kiểm tra tiến độ đơn hàng trên sàn thương mại điện tử thì thấy đơn hàng vẫn đang trong tình trạng đóng gói, chờ chuyển đi. Từ đây có thể thấy, thông tin cá nhân, thông tin về đơn hàng của anh Trung đã bị đối tượng nào đó thu thập và sử dụng cho mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tránh việc quyền lợi người tiêu dùng của mình bị xâm phạm, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người tiêu dùng không chia sẻ, tiết lộ các thông tin cá nhân, các thông tin về đơn hàng của mình cho các đối tượng không có liên quan hoặc đối tượng có thể lợi dụng thông tin này để lừa đảo, xâm hại người tiêu dùng. Trước khi thực hiện giao dịch, người tiêu dùng cần xác minh, tìm hiểu kỹ thông tin của đơn vị bán hàng, có thể thông qua các công cụ tìm hiểu, các review đánh giá về cửa hàng và sản phẩm… để tăng mức độ hiểu biết, hỗ trợ cho quyết định đặt hàng.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), thời gian qua, hệ thống tiếp nhận, giải quyết yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng của Cục thời gian qua đã nhận được rất nhiều cuộc gọi, đơn thư phản ánh về việc bị một số đối tượng lừa gạt người tiêu dùng khi thực hiện giao dịch mua sắm trên không gian mạng và thương mại điện tử. Lợi dụng việc đi lại, vận chuyển khó khăn, khoảng cách địa lý ở xa nên nhiều đối tượng đã lợi dụng để sử dụng nhiều chiêu thức mua, bán hàng lừa đảo gây bức xúc trên mạng.

Cẩn trọng “sập bẫy” khi mua sắm online dịp cận Tết
Shop chạy quảng cáo và cam kết bán hàng chuyên nghiệp để thu hút khách hàng

Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp cộng với thời gian cận Tết, các đối tượng “xoáy” nhiều vào các thủ đoạn liên quan như tạo các website bán hàng trực tuyến, chạy quảng cáo rầm rộ. Tuy nhiên sau khi nhận tiền của người mua hàng, các đối tượng lừa đảo thường ngắt liên lạc và không giao hàng như thỏa thuận…

Luật sư Nguyễn Đông Khánh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, cho biết: Hiện nay đã có những hành lang pháp lý để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, như luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; với mua bán hàng online thì có Luật thương mại điện tử. Đối với các sàn thương mại điện tử, pháp luật có quy định chặt chẽ về việc thành lập cũng như quản lý. Những sai phạm trên các sàn thương mại lớn cũng có sự quản lý tương đối chặt của cơ quan nhà nước nên cũng dễ phát hiện và xử lý.

Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Đông Khánh nhận định, việc kinh doanh qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo ở nước ta vẫn đang có các lỗ hổng về pháp lý. Các trường hợp người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xảy ra chủ yếu trên không gian mạng xã hội. Vì vậy, các cơ quan quản lý cần phải tạo ra hành lang pháp lý, quản lý chặt chẽ hơn và quy rõ trách nhiệm của bên bán và bên trung gian nền tảng mạng xã hội để bảo về quyền lợi người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, về phía người tiêu dùng cần trang bị những kiến thức, kỹ năng để có thể thực hiện các giao dịch trực tuyến và thương mại điện tử. Trong đó, cần lựa chọn những nhà sản xuất, địa chỉ bán hàng có uy tín. Hàng có giá trị lớn cần mua theo cách “sờ tận tay, nhìn tận mắt”, như vậy, người tiêu dùng sẽ tự bảo vệ mình trước khi nhờ đến sự bảo vệ của cơ quan quản lý.

Theo thống kê của Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) trong năm 2021, cả nước xảy ra gần 2.500 vụ lừa đảo trên không gian mạng, trong đó có hơn 520 vụ đối tượng giả danh cơ quan tư pháp để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.