Trung Quốc:

Cảnh báo “bom nợ”

Theo daibieunhandan.vn

Với lượng tín dụng cao gấp ba lần so với mức báo động của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ phải đối mặt với khủng hoảng tài chính, ngân hàng trong ba năm tới.

Theo giới chuyên gia kinh tế, khủng hoảng tín dụng nhà đất dưới chuẩn ở Trung Quốc đang là “quả bom” cận kề, với sức công phá nguy hiểm hơn so với khủng hoảng 2007 ở Mỹ. Nguồn: internet
Theo giới chuyên gia kinh tế, khủng hoảng tín dụng nhà đất dưới chuẩn ở Trung Quốc đang là “quả bom” cận kề, với sức công phá nguy hiểm hơn so với khủng hoảng 2007 ở Mỹ. Nguồn: internet

Theo giới chuyên gia kinh tế, khủng hoảng tín dụng nhà đất dưới chuẩn ở Trung Quốc đang là “quả bom” cận kề, với sức công phá nguy hiểm hơn so với khủng hoảng 2007 ở Mỹ.

Tăng quá nhanh trong thời gian quá ngắn

Sau một loạt các cảnh báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Viện Nghiên cứu Khoa học Xã hội của Trung Quốc, mới đây đến lượt BIS cảnh báo Bắc Kinh về nguy cơ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong vòng ba năm tới.

Căn cứ vào tỷ trọng tín dụng tính trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên tới 30,1% trong quý I.2016, BIS chỉ ra rằng Trung Quốc đã trở thành mối lo ngại hàng đầu trong số 43 quốc gia được BIS quan tâm trong báo cáo 2016, xếp trước cả Mỹ, Hy Lạp hay nước Anh. BIS quy định một nền kinh tế đứng trước nguy cơ khủng hoảng tài chính - ngân hàng nếu như tỷ trọng tín dụng/GDP vượt ngưỡng 10%.

Trong trường hợp của Trung Quốc, chỉ số này đã cao gấp ba lần mức báo động. Báo cáo của IMF cho biết, nợ của Trung Quốc tăng từ mức tương đương 147% GDP vào cuối năm 2008 vọt lên 255% GDP vào cuối năm 2015.

Thêm vào đó, 8 năm trước, Trung Quốc cần huy động 1,5 USD để tạo ra được 1 USD, còn hiện thời nước này cần đến 3 USD mới có thể tạo ra thêm được 1 USD. Nói cách khác, hiệu quả của đồng tiền đổ vào guồng máy sản xuất đã tuột dốc đáng kể.

Những ai theo dõi tình hình kinh tế - chính trị Trung Quốc lâu nay không ngạc nhiên về những cảnh báo trên. Tháng 6 vừa qua, IMF khuyến cáo Bắc Kinh phải giải quyết vấn đề nợ càng sớm càng tốt để tránh khủng hoảng.

Trong khi đó, BIS từ lâu đã cảnh báo Bắc Kinh khi tỷ lệ tín dụng và GDP lên tới 10%. Điều cần nhắc lại là Mỹ cũng đã vượt ngưỡng báo động, lên tới 10,6% vào năm 2007, trước khi bị cuốn vào cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. 

Điều khiến các chuyên gia của BIS lo ngại hơn cả là lượng tín dụng ở Trung Quốc đã tăng quá nhanh trong một thời gian quá ngắn. Số dư nợ hiện lên tới con số tương đương với 28.000 tỷ USD, cao hơn tổng số nợ các ngân hàng thương mại Mỹ và Nhật Bản.

Khi nước này bị khủng hoảng, các nền kinh tế khác chắc chắn cũng bị ảnh hưởng. Thậm chí, có người ví von rằng so với cuộc khủng hoảng sắp tới của Trung Quốc, vụ Lehman Brothers sụp đổ năm 2008 chỉ là một chuyến du ngoạn. 

Hơn 71% số tín dụng được trút vào các hộ gia đình, mà đa số dưới dạng tín dụng mua nhà. Điều đó có nghĩa Trung Quốc có thể lâm vào một cuộc khủng hoảng nhà đất như ở Mỹ.

Hiểm họa lơ lửng

Trước thực trạng này, giới chuyên gia đã liên tưởng tới bức tranh u ám với hiểm họa khủng hoảng tài chính treo lơ lửng trên đầu thế giới, trong đó Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất. Thế giới chưa ra khỏi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 nên một cuộc khủng hoảng sẽ dẫn tới suy thoái kinh tế trầm trọng hơn.

Theo các chuyên gia, hiện nay tình trạng quá phụ thuộc vào thị trường bất động sản với nguy cơ gây ra các bong bóng tài chính vẫn là mối quan ngại lớn cho nền kinh tế Trung Quốc.

Giới phân tích cảnh báo, các nhà hoạch định chính sách cần phải xử lý thích đáng các nguy cơ như bong bóng bất động sản và nợ nước ngoài tăng, đồng thời vẫn phải nhạy bén trước áp lực đi xuống đang lờ mờ hiện ra do sự hồi phục không chắc chắn của nền kinh tế toàn cầu, bao gồm cả khả năng tăng lãi suất ở Mỹ.   

Một trong các rào cản đối với quản lý điều hành kinh tế ở Trung Quốc hiện nay là sự “chồng lấn” giữa trách nhiệm về tài chính của chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương. Chính phủ Bắc Kinh cho biết trong năm nay sẽ tiến hành các cải cách cần thiết trong lĩnh vực quốc phòng và dịch vụ công, tập trung vào các lĩnh vực giáo dục, y tế và bảo vệ môi trường.

Theo đó, chính quyền Trung ương cần tăng chi tiêu công còn các địa phương sẽ được giao trách nhiệm quản lý thêm một số lĩnh vực dịch vụ công nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của địa phương.

Từ trước tới nay, Bắc Kinh luôn tìm cách tập trung “quyền lực” tài chính nhằm thực hiện hiệu quả nhất hoạt động thu - chi ngân sách, nhất là khi chính quyền địa phương tại nước này đang phải đối mặt với gánh nợ ngày một nặng thêm do nguồn thu từ thuế giảm.