Cảnh báo nguy cơ gạo Ấn Độ "đội lốt"' gạo Việt để xuất khẩu
Việc tăng nhập khẩu gạo Ấn Độ là câu chuyện bình thường trong kinh doanh, bởi có cầu ắt có cung. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát chặt nguồn gốc xuất xứ, để xảy ra tình trạng gạo Ấn Độ trộn vào gạo Việt Nam để xuất khẩu thì rất nguy hiểm, ảnh hưởng lớn tới thương hiệu gạo Việt.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát tình hình xuất nhập khẩu gạo trong các tháng đầu năm 2021, Bộ Công Thương vừa thành lập Đoàn công tác kiểm tra thi hành pháp luật tại 5 doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu gạo trong nước. Cụ thể, danh sách gồm: Công ty CP Tập đoàn Tân Long, Công ty CP Xuất nhập khẩu Thuận Minh, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, Công ty CP Tân Đồng Tiến, Công ty TNHH Khánh Tâm.
Bất thường cả lượng và giá
Theo đó, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đề nghị các thương nhân chuẩn bị báo cáo về các nội dung liên quan đến tình hình nhập khẩu, kinh doanh, tiêu thụ gạo Ấn Độ của DN từ ngày 1/1/2020 - 31/5/2021. Cụ thể về nhập khẩu là số tờ khai nhập khẩu, ngày nhập, số lượng, giá trị; về tình hình kinh doanh, tiêu thụ là: tiêu thụ tại công ty, mục đích, xuất bán, số ngày hóa đơn xuất bán, tồn kho...
Đồng thời, các DN cần phối hợp, cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các giấy tờ, tài liệu thông tin theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của những thông tin, tài liệu đã cung cấp cho Đoàn kiểm tra.
Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương được thành lập trong bối cảnh thống kê cho thấy lượng nhập khẩu gạo Ấn Độ tăng rất mạnh. Theo số liệu từ Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gạo của Ấn Độ sang Việt Nam đạt gần 247.000 tấn, trị giá 74,8 triệu USD, tăng hơn 3.250 lần về lượng và tăng hơn 554 lần về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Đây là lượng gạo nhiều nhất từ trước đến nay mà Ấn Độ đã xuất khẩu sang Việt Nam. Trước đó, giai đoạn từ năm 2019 trở về trước, xuất khẩu gạo của Ấn Độ sang Việt Nam chỉ đạt mức khiêm tốn từ 500 tấn cho đến vài nghìn tấn.
Quý I/2021, gần như toàn bộ các lô gạo nhập từ Ấn Độ vào Việt Nam đều là gạo non-basmati với giá trung bình khoảng 303 USD/tấn, thấp hơn gần 200 USD/tấn so mức 500 USD/tấn giá gạo trắng xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn này. Trong tháng 5, giá gạo xuất khẩu Ấn Độ đạt mức 382 USD/tấn, gạo Việt Nam khoảng 493 USD/tấn. Như vậy, giá gạo xuất khẩu Ấn Độ luôn thấp hơn gạo xuất khẩu Việt Nam cùng chủng loại trên dưới 100 USD/tấn.
Đáng lo ngại, cùng thời điểm gạo Ấn Độ ồ ạt vào Việt Nam, thông tin từ cơ quan hải quan cho hay, từ cuối năm 2020 đến hết tháng 5, có một số công ty nhập khẩu gạo từ Ấn Độ về Việt Nam vi phạm về nhãn mác, xuất xứ. Đặc biệt, một trong 5 DN mà Bộ Công thương làm việc kỳ này, trong tháng 3 cũng đã nhập khẩu 2 lô hàng gạo từ Ấn Độ về nhưng trên bao bì lại ghi nhãn mác xuất xứ Việt Nam và hiện đang được hải quan TP. Hồ Chí Minh điều tra xác minh.
Trao đổi với VnBusiness, ông Hoàng Trọng Thủy, Chuyên gia nông nghiệp nhìn nhận, trong kinh doanh, chỗ nào lãi, có lời hơn thì DN làm. Điều này cũng dễ hiểu khi gạo Ấn Độ rẻ hơn gạo Việt Nam nên được ưa chuộng nhập khẩu về làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi hoặc bún, bia... Luật pháp của thế giới cũng như Việt Nam đều không cấm việc Việt Nam nhập khẩu gạo của Ấn Độ.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này lo ngại nhất là có thể xảy ra nguy cơ DN làm ăn không chân chính trộn gạo phẩm cấp thấp của Ấn Độ vào gạo Việt Nam để xuất khẩu. Nếu tình trạng này xảy ra sẽ ảnh hưởng cực kỳ lớn tới thương hiệu, uy tín của ngành lúa gạo Việt Nam.
Ảnh hưởng tới cả ngành lúa gạo
"Thiệt hại đầu tiên là chính DN đó chịu ảnh hưởng, nhưng nghiêm trọng hơn còn tác động lớn tới cả ngành lúa gạo. Nếu Ấn Độ nghi ngờ, kiện trở lại thì ngành lúa gạo Việt Nam càng khó khăn", ông Thủy phân tích. Điều này càng đáng lưu ý khi đặt trong bối cảnh giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang cao hơn so với gạo Thái Lan và Ấn Độ.
Theo chuyên gia Hoàng Trọng Thuỷ, hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc của ngành nông nghiệp vẫn còn rất lỏng lẻo, còn xảy ra tình trạng DN bán xuất xứ nguồn gốc cho nhau hoặc truy xuất nguồn gốc chỉ có giá trị trong nước mà nước ngoài không bảo hộ... Điều này ảnh hưởng tới việc xuất khẩu bền vững.
Dưới góc độ DN, ông Phạm Thái Bình, đại diện Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng, việc gian lận xuất xứ, nhập nhèm dán mác trà trộn giữa gạo Ấn Độ sang gạo Việt Nam sẽ gây tổn hại không nhỏ tới ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam. Hành vi sai phạm cần điều tra, từ đó xử lý nghiêm.
"Việt Nam là quốc gia có tỷ trọng trồng lúa rất lớn từ mấy chục năm liền và luôn phải xuất khẩu gạo. Trong hầu hết các hiệp định thương mại tự do, Chính phủ cố gắng để đấu tranh đến cùng để yêu cầu các quốc gia tăng lượng nhập khẩu gạo từ Việt Nam", ông Bình chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV lo ngại, việc số lượng gạo Ấn Độ nhập khẩu về Việt Nam tăng chắc chắn tác động đến tâm lý của các doanh nhân nước ngoài nhập khẩu gạo từ Việt Nam với câu hỏi: Vì sao là nước xuất khẩu gạo mà Việt Nam nhập khẩu gạo Ấn Độ, từ đó phát sinh tâm lý e ngại, dù có thể việc gian lận thương mại là không có.
Theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sản xuất lúa năm 2021, cả nước gieo trồng 7,257 triệu ha với năng suất bình quân khoảng 59,7tạ/ha, tổng sản ượng khoảng 43,3-43,5 triệu tấn thóc tương đương 26 triệu tấn gạo. Dự báo nhu cầu tiêu thụ trong nước gần 30 triệu tấn thóc; xuất khẩu hơn 13 triệu tấn thóc tương đương khoảng 6,5 triệu tấn gạo.
Khi những lùm xùm liên quan đến gạo ST25 bị đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ, Úc vẫn chưa giải quyết xong, nếu các DN Việt Nam "tham bát bỏ mâm", nhập khẩu gạo cấp thấp của Ấn Độ về trộn để xuất khẩu sẽ càng khiến hành trình xây dựng thương hiệu của ngành hàng lúa gạo vốn đã khó lại càng thêm khó để định vị trên thị trường thế giới.