Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo XKLĐ

Theo CAND

Không có tư cách pháp nhân và khả năng làm hồ sơ lao động hợp tác nước ngoài (LĐHTNN), nhưng với nhiều thủ đoạn ranh ma, Hứa Thị Hạnh Nguyên (38 tuổi, thường trú tại ấp Chợ, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP HCM) đã khiến nhiều người lầm tưởng rằng, Nguyên có tham gia nhiều đường dây để làm hồ sơ đưa người đi LĐHTNN. Vì vậy, khi bị phát hiện, mới hay ả "siêu lừa" này không chỉ lừa đảo những người có nhu cầu đi LĐHTNN mà còn lừa cả những đầu mối cung cấp "nguồn lao động" cho ả.

Mới đây, cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã chuyển hồ sơ sang Viện KSND TP HCM, đề nghị xử lý nghiêm đối tượng này về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức"…

Không đủ điều kiện xuất khẩu, không trả lại tiền…

Chị Nguyễn Thị Thanh Hiền (ngụ Củ Chi, TP HCM) có em trai là Nguyễn Minh Sơn có nhu cầu đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Nhật. Biết Hứa Thị Hạnh Nguyên có đường dây lo XKLĐ, nên chị Hiền đã tìm gặp Nguyên để nhờ lo giúp. Không một chút do dự, Nguyên sốt sắng nhận lời và hứa sẽ nộp hồ sơ vào Công ty Suleco (quận 5). Chi phí phải đóng cho Nguyên là 3.000 USD, còn các khoản khác, Sơn tự thỏa thuận với công ty đưa đi XKLĐ. Sơn đồng ý. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, Nguyên không làm hồ sơ cho Sơn đi XKLĐ tại Công ty Suleco mà nói chuyển qua Công ty Hiteco (quận Tân Bình). Để bổ sung hồ sơ, chồng của Nguyên là Lý Và Sáng đã đưa Sơn đi khám sức khỏe, nhưng Sơn bị gãy chân đang còn nẹp trong đùi nên không đủ sức khỏe để đi. Viện lý do này, Nguyên cho biết hồ sơ của Sơn không nộp được vào Công ty Hiteco và cũng để thể hiện sự nhiệt tình, Nguyên tiếp tục hứa sẽ chuyển hồ sơ của Sơn qua Công ty Tracimexco.

Tuy nhiên, theo lời Nguyên, để hồ sơ được "lọt" vào công ty này thì phải có bằng tốt nghiệp ĐH cơ khí. Trong khi hồ sơ của Sơn không có bằng này. Để "giúp" Sơn, Nguyên yêu cầu Sơn đưa 5 triệu đồng để Nguyên lo bằng tốt nghiệp giả. Trong quá trình làm việc, thấy Nguyên quá nhiệt tình, nên đã tạo được niềm tin nơi chị Hiền. Không chỉ riêng Sơn, chị Hiền còn đưa cho Nguyên 4.000 USD đặt cọc để Nguyên lo tiếp cho 4 người em chồng đi lao động tại Nhật Bản. Tuy nhiên, sau khi nhận xong tiền, Nguyên không thực hiện theo thỏa thuận mà chiếm đoạt luôn số tiền của những trường hợp này.

Với trường hợp của ông Phan Ngọc Hải (Bến Tre) cũng vì muốn lo cho con trai có được việc làm ở xứ người để đỡ đần, phụ giúp phần nào kinh tế gia đình nên đã cất công lên TP HCM tìm gặp Nguyên nhờ giúp đỡ. Với suất đi hợp tác lao động tại Nhật, Nguyên cho biết sẽ thông qua Công ty Hiteco để đưa đi. Ông Hải phải đóng cho Nguyên 3.000 USD, còn chi phí đóng cho công ty đưa đi bao nhiêu thì ông Hải tự lo. Sau khi thỏa thuận, cũng với thủ đoạn như trên, Lý Và Sáng đưa Hậu (con ông Hải) đến Công ty Hiteco mua hồ sơ và đi khám sức khỏe. Hậu cũng bị cận thị nên không đủ sức khỏe để đi hợp tác lao động. Nhiều lần đòi lại tiền, Nguyên chỉ trả nhỏ giọt và cuối cùng còn lại 500 USD, Nguyên chiếm đoạt luôn.

"Bẫy" của siêu lừa

Với mục đích chiếm đoạt tiền của những người nhẹ dạ cả tin từ hoạt động lừa đảo này. Từ khoảng giữa năm 2004, Nguyên đã bắt đầu thực hiện những cú lừa đầu tiên và đã trót lọt. Thủ đoạn mà đối tượng này áp dụng thường là qua sự giới thiệu của một số người, những người có nhu cầu XKLĐ sẽ được Nguyên hứa hẹn, chắc chắn lo được cho họ đến nơi họ muốn. Các đơn vị mà Nguyên đưa ra để "mồi" người lao động thường là: Công ty Hiteco, Tracimexco, Suleco và cả Sở LĐ-TB&XH TP HCM. Giá bao trọn gói xuất khẩu lao động sang một thị trường thường khoảng 8.500-9.000 USD. Đặt cọc trước 2.000-3.000 USD để Nguyên làm chi phí lo thủ tục.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thỏa thuận, Nguyên liên tục vẽ ra đủ thứ chi phí cần thiết, buộc người lao động phải chi tiền. Chỉ đến khi nào không "vòi" được nữa, thì Nguyên mới "nhả" ra và chiếm đoạt luôn số tiền mà họ đã tin tưởng đóng cho Nguyên. Trong số những nạn nhân của Nguyên, không ít trường hợp đã bị các đơn vị có chức năng xuất khẩu lao động từ chối vì không thể lo được, thì Nguyên nhận lo tất và hứa chắc chắn 100%.

Với thủ đoạn như trên, số nạn nhân bị Nguyên chiếm đoạt tiền rất nhiều ở các tỉnh, thành: TP HCM, Long An, Hà Nam, Hải Dương, Hà Nội… Tuy nhiên, chỉ riêng 8 nạn nhân khai báo tại cơ quan CSĐT, số tiền mà Nguyên chiếm đoạt là 401 triệu đồng và 18.800 USD. Vì vậy, với những người có ý định LĐHTNN thì đây sẽ là bài học đắt giá để tránh được những "bẫy" lừa không đáng có.