Cảnh giác trái cây giả xuất xứ
Trái cây tươi ngon giá “hạt dẻ” được chào mời khắp nơi. Túi đựng sản phẩm ghi chi chít chữ Hàn Quốc, Nhật Bản… làm bảo chứng cho “sản phẩm thật”, trong khi mã QR Code (mã phản hồi nhanh) dán trên bao bì không đọc được nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Thực tế này đang diễn ra, mặc dù người tiêu dùng được trau dồi, tuyên truyền nhiều kỹ năng để làm một khách hàng thông minh.
Thông tin tù mù
Chạy dọc những tuyến đường như Nguyễn Ảnh Thủ, Tô Ký (quận 12), Quang Trung (quận Gò Vấp), Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, 3)…, dễ nhận thấy các điểm kinh doanh trái cây ngoại nhập “mọc” lên rất nhiều. Hàng hóa đều có giá cao ngất ngưởng, bởi theo như lời khẳng định chắc nịch từ người bán thì sản phẩm nhập khẩu trực tiếp từ Australia, Mỹ, Anh, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc… Trung bình, giá 1kg nho dao động từ 400.000 - 800.000 đồng, táo Nhật Bản khoảng 300.000 - 500.000 đồng/kg. Sầu riêng sạch, giống Thái Lan nhưng trồng tại Bến Tre, giá từ 100.000 - 120.000 đồng/kg (mỗi trái từ 3 - 4kg).
“Chúng ta mua hàng bằng niềm tin là chính. Hôm trước, tôi mua 2kg nho xanh không hạt tại chợ Bà Chiểu làm quà biếu. Hàng này nhập khẩu từ Australia, có giá 350.000 đồng/kg. Thế nhưng, cũng loại này bán tại một cửa hàng mới mở, chuyên về trái cây ngoại nhập trên đường Quang Trung có giá 450.000 đồng/kg. Chênh nhau mỗi ký lên tới 100.000 đồng thì không bình thường chút nào. Bực nhất là tôi thử dùng điện thoại quét mã QR Code thì điện thoại báo không có thông tin. Người bán nói mã đó in lên cho có thôi”, chị Nguyễn Thị Tú, ngụ quận Gò Vấp, bức xúc.
Theo chân tiểu thương gom hàng từ chợ đầu mối (Thủ Đức, Bình Điền), phần nào biết được các chiêu trò đánh tráo xuất xứ sản phẩm. Cầm trên tay trái đào thơm dịu, ít lông, chị Phượng, tiểu thương chợ Hồ Thị Kỷ (quận 10), nói: “Trái này có mùi thơm dịu, ngọt đậm. Một số nơi người bán khẳng định đào Sapa - Lào Cai, Hà Nội… đều xạo hết.
Hà Nội đất chật, người đông, nếu trồng tại chỗ cung không đủ cầu, làm gì còn mà đưa vào TPHCM. Lào Cai cũng thế, mùa đào chỉ rộ từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm, nhưng chỉ đủ cung ứng cho địa phương hoặc làm quà cho du khách. Đào này nhập từ Trung Quốc”.
Đáng chú ý, gần đây thị trường cũng nổi lên một loại táo đá (loại táo nhỏ), nhiều nơi người bán quảng cáo táo trồng tại Đồng Văn (Hà Giang). Loại táo này nhỏ, giòn, được khách hàng ưa chuộng, sức tiêu thụ rất tốt, dù màu sắc kém hấp dẫn hơn hàng nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc… Thế nhưng qua tìm hiểu thực tế thì táo đá cũng không phải sản phẩm trong nước.
Ông Vương Thanh Hay, chuyên kinh doanh trái cây tại Hà Giang, thông tin, loại táo này được bán nhiều tại các tỉnh phía Bắc, nhưng Hà Giang hầu như không thấy nhà nào trồng. Táo đá (giòn, ngọt), táo anh đào (lớn hơn trái anh đào chút xíu, vị chua thanh) … đều được nhập từ Trung Quốc về Việt Nam tiêu thụ.
Khó xử lý
Chúng tôi đã trao đổi nhanh với một số cơ quan chức năng và đều nhận được câu trả lời rằng, không dễ để phát hiện các trường hợp vi phạm xuất xứ, nguồn gốc sản phẩm. Bởi khi phát hiện thì sự việc đã diễn ra rồi, người mua đã sử dụng, hoặc không muốn thông báo với cơ quan chuyên trách vì sợ phiền phức, mất thời gian. Một cán bộ Sở Công thương TPHCM dẫn chứng, theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa yêu cầu hàng hóa lưu thông tại Việt Nam, gồm cả hàng nhập khẩu đều phải có nhãn hàng hóa ghi rõ nguồn gốc xuất xứ.
Thế nhưng, quy định này không áp dụng với thực phẩm tươi sống, nông sản, thủy sản không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Điều này một mặt tạo thuận lợi cho người bán hàng, nhưng cũng đồng nghĩa với việc các sản phẩm được hoàn tất thủ tục nhập khẩu, bày bán trong chợ thì bao bì, nhãn mác cũng… “bung lụa”.
Người bán có thể tháo gỡ bao bì, nhãn hàng để bán lẻ cho khách. Và lợi dụng kẽ hở này, nhiều đối tượng kinh doanh gian lận có thể trà trộn hàng thật với hàng phẩm cấp kém hơn để bán cho khách, dẫn tới việc bán hàng loại B tính giá loại A, kiểu nhìn mặt khách ra giá; dẫn đến gây mất niềm tin đối với người tiêu dùng. Mặt khác, cơ quan chức năng cũng khó xử lý đến nơi đến chốn các vụ việc sai phạm.
Thông tin từ Bộ Công thương, tính đến thời điểm hiện tại, việc xác định chi tiết hàng hóa được cho là xuất xứ Việt Nam hay không mới áp dụng đối với hàng xuất khẩu. Cách nay ít ngày, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã có trả lời liên quan tới các bức xúc của cử tri về tình trạng giả xuất xứ, nhãn mác…
Trong đó nhấn mạnh đến việc chính quyền địa phương chịu trách nhiệm toàn diện về chỉ đạo, tổ chức công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn mình quản lý. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa bộ ngành, địa phương, các lực lượng chức năng chuyên trách để kiểm soát, ngăn chặn hàng hóa vi phạm ngay từ khu vực cửa khẩu, tuyến biên giới…
Như vậy, thay vì trông chờ vào những quy định có thể bảo vệ mình, người tiêu dùng nên chủ động siết chặt tay nhau để liên kết đòi quyền lợi cho bản thân, cộng đồng. Mà một trong những biện pháp hiệu quả đó là chủ động mua hàng ở nơi có thương hiệu, uy tín, đồng thời tẩy chay nơi bán hàng chụp giựt…