Canh giờ cho “liều thuốc đắng”

Theo Đầu tư Chứng khoán

Đúng nhưng chưa trúng thời điểm, đó là đánh giá của TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Quản trị LienVietPost Bank về Thông tư 02.

Canh giờ cho “liều thuốc đắng”
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, nếu áp dụng ngay Thông tư 02, nợ xấu ngân hàng sẽ tăng cao. Nguồn: Internet
Mặc dù thừa nhận Thông tư 02/2013/TT-NHNN về phân loại tài sản và trích lập dự phòng rủi ro (dự kiến có hiệu lực từ đầu tháng 6 này) đã tiệm cận gần hơn tiêu chuẩn quốc tế… là điều nên thực hiện, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp (DN) và bản thân các ngân hàng đều kiến nghị tạm hoãn thi hành Thông tư, trước mắt là đến cuối năm 2013.

Doanh nghiệp, ngân hàng cùng xin giãn

TS. Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chia sẻ, từ quan điểm DN cho thấy, việc phân loại nợ và đảm bảo các tiêu chí an toàn phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến kinh tế. Khi các nút thắt trong nền kinh tế chưa thể xử lý trong một sớm, một chiều thì hoạt động cơ cấu lại nợ của các ngân hàng cũng cần có lộ trình. Nếu thực thi ngay Thông tư 02 trong tình hình hiện nay thì nợ xấu tăng lên rất nhanh.

“Theo tôi, nên từ từ áp dụng và thông qua các dự báo, tiêu chí, để các ngân hàng tự điều chỉnh để dần đáp ứng yêu cầu mới. Bên cạnh đó, việc lùi thời hạn áp dụng Thông tư 02 cũng tạo điều kiện cho DN tiếp cận dòng vốn mới để đầu tư phát triển, qua đó mới có thể gỡ dần nợ xấu”, ông Kiêm nói.

Đúng nhưng chưa trúng thời điểm, đó là đánh giá của TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPost Bank về Thông tư 02. Hiện khoảng 90% dân số nước ta là nông dân, gần 70% dư nợ của Agribank là cho vay nông nghiệp, còn của LienVietPost Bank là 40%. Bởi vậy, theo ông Hưởng, việc áp dụng ngay Thông tư 02 sẽ gây khó khăn rất lớn cho nông dân và các công ty liên quan tới nông nghiệp, nông thôn. Đại diện Vietcombank, ông Đào Hảo, Phó tổng giám đốc cũng cho rằng, nếu áp dụng ngay Thông tư 02 thì nợ xấu ngân hàng sẽ tăng lên, đương nhiên chi phí trích dự phòng sẽ tăng. Nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là DN, bởi khi phát sinh nợ xấu, DN khó có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, đặc biệt là các ngành thủy sản, vật liệu xây dựng, bất động sản…

Ông Phạm Quang Thắng, Phó tổng giám đốc Techcombank cho biết, mặc dù Ngân hàng không ngại nếu thực hiện ngay Thông tư 02, nhưng xem xét thực tế cho thấy, khi triển khai, không chỉ riêng DN hay ngân hàng mà cả nền kinh tế sẽ gặp khó khăn. Ông Thắng phân tích, trong năm 2011 - 2012, chúng ta kiểm soát lạm phát, giảm đầu tư công, có nhiều khoản ngân sách nhà nước chậm thanh toán cho DN, do vậy có nhiều khoản mục nợ xấu không bắt nguồn từ vận hành nội tại của DN hay ngân hàng, mà từ điều kiện vĩ mô nên cần giãn thời gian để DN có dòng tiền trang trải.

“Điều 3 của Thông tư cần cân nhắc, xem xét lại, tạo điều kiện cho DN thực hiện phương án kinh doanh của mình. Chúng ta đang thực hiện nhiều chương trình để thúc đẩy kinh tế. Quyết định 780 về việc giãn, hoãn nợ đã giúp được nhiều DN, là ống thở trợ sức cho DN, chưa nên vội vàng rút ra…”, ông Thắng nói.

Ý kiến trái chiều

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng lại cho rằng, không nên hoãn thi hành Thông tư 02 với bất cứ lý do nào. Bởi đây là một chuyển biến trong chính sách và quản lý tín dụng của NHNN. Nếu cứ hoãn, cứ cho rằng nợ xấu vẫn trong vòng kiểm soát, 6 tháng hay một năm nữa, nợ xấu bùng lên thì vấn đề có thể tệ hơn. Cái giá phải trả khi áp dụng ngay Thông tư 02 rất lớn, nhưng sẽ giúp Việt Nam lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, tăng khả năng hội nhập với thế giới.

“Các tổ chức quốc tế đang xem chúng ta làm gì với nợ xấu. Nếu cứ hoãn lại sẽ mất uy tín với quốc tế, NHNN mất uy tín trên thị trường thanh toán quốc tế. Cứ có bên này, bên kia kêu là lại hoãn, rồi người ta đặt ra vấn đề chính sách tương lai đưa ra có hoãn nữa không. Nếu chúng ta không thực hiện ráo riết vấn đề phân loại nợ thì hội nhập rất khó khăn”, TS. Hiếu nhấn mạnh và nói thêm, nếu Thông tư 02 đi vào cuộc sống, thay vì nợ xấu ở mức 3 - 4%, một số ngân hàng cuối năm nay nợ xấu sẽ tăng lên. Có thể có những ngân hàng lỗ lớn, ăn cả vào vốn chủ sở hữu, nhưng có thể coi đây là “liều thuốc đắng” để trị dứt bệnh.

Còn với các DN, ông Hiếu phân tích, những DN đã không trả được nợ rồi thì khó có thể làm cho hồi sinh trở lại. Việc lùi thời hạn phân loại nợ chỉ là để hoãn binh, điều quan trọng là phải trích lập dự phòng, phân loại nợ cho chính xác. Từ đó, NHNN và các ngân hàng thương mại cùng nhau xây dựng phương án hoạt động phù hợp với diễn biến thực tế.

Chỉ giãn đến hết năm 2013?

“Chúng tôi biết DN nào có thể cứu, DN nào không. Khi DN có nhiều phương án kinh doanh, nếu một phương án khó nhưng với năng lực hiện có, họ có thể khai thác phương án mới. Nếu chúng ta chỉ nhìn thấy một phương án khó mà chuyển cả khối nợ của DN thành nợ xấu thì họ làm sao vay nợ được nữa. Những năm qua, chúng ta rất nỗ lực làm sạch nợ xấu, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, nên nếu chậm lại Thông tư 02 một thời gian thì không vì thế mà các tổ chức nước ngoài có cái nhìn khác với Việt Nam”, ông Thắng nêu quan điểm.

Trong khi đó, TS. Cao Sĩ Kiêm nhấn mạnh: “Từ góc độ người làm ngân hàng lâu năm, tôi rất ủng hộ Thông tư 02, vì vừa là câu chuyện thời sự trước mắt vừa có ý nghĩa lâu dài. Tuy nhiên, tôi cho rằng, thời điểm này nên tạm thời giãn, nhưng cũng chỉ nên giãn đến hết năm nay”.

Ông Hưởng cho rằng, chúng ta đang cố gắng hạ lãi suất cho vay xuống để rút ngắn khoảng cách giữa ngân hàng và DN. Nếu thực hiện Thông tư 02 ngay, chi phí của ngân hàng tăng cao, khả năng giảm lãi suất sẽ hạn chế, gây tác động tiêu cực. Tiêu chuẩn có thể đúng, nhưng chưa trúng thời điểm thì nên xem xét lại.

“Ở Việt Nam , việc thanh toán chậm trễ là bình thường, gia hạn, quá hạn cũng bình thường, mà nếu áp ngay là xấu thì không được. Trong khi cơ thể đang ốm yếu mà dùng thuốc kháng sinh quá mạnh thì khó có thể chịu đựng”, ông Hưởng nói

Ông Hảo nhấn mạnh: “Việc hoãn lại thực hiện Thông tư trong vòng một năm cũng không phải quá dài. Trong thời gian đó, các ngân hàng và DN phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và tiếp cận dần chuẩn mực của Thông tư 02 để không bị hẫng khi áp dụng”.

Để thị trường có thể yên tâm hơn với các tín hiệu chính sách, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, NHNN nên công bố rõ thông điệp bao giờ áp dụng một chính sách quan trọng như Thông tư 02, tránh những đồn đoán không chính xác.

Về khuyến cáo này, một quan chức NHNN chia sẻ, Thông tư 02 sẽ lột tả một cách chính xác chất lượng tín dụng, phát hiện rủi ro sớm hơn, có giải pháp tái cơ cấu, xử lý để ngân hàng phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững trong tương lai. Với những ý kiến của các DN và tổ chức tín dụng đề nghị hoãn thời hạn có hiệu lực thông tư này, NHNN sẽ xem xét, phân tích, đánh giá lại tình hình rồi ra quyết định sớm.