Cảnh sát giao thông Nga nhận 800 triệu USD tiền mãi lộ mỗi năm
Tổ chức cố vấn Indem Foundation từng chỉ ra, mỗi năm Cảnh sát giao thông Nga có thể nhận tới 800 triệu USD tiền mãi lộ.
Ủy ban điều tra Nga vừa triệt phá một vụ án tham nhũng nghiêm trọng liên quan tới cảnh sát giao thông (CSGT) tại vùng Stavropol. Khi khám xét nhà riêng của quan chức đầu sỏ, các điều tra viên choáng ngợp với căn biệt thự siêu sang, có nội thất dát vàng từ phòng khách, phòng ngủ cho đến phòng tắm, thậm chí cả… bồn cầu.
Sự việc gây chấn động dư luận trong và ngoài nước này thêm một lần phơi bày vấn nạn tham nhũng vốn đầy nhức nhối trong hàng ngũ CSGT Nga.
Nhận tới 800 triệu USD/năm tiền mãi lộ
Báo cáo của Hiệp hội Quốc tế về Khoa học giao thông và an toàn (IATSS) năm 2016 chỉ ra, Nga là một trong trong những quốc gia tham nhũng nhất thế giới. Vấn nạn này gây thiệt hại cho Moscow khoảng 2,5 tỷ USD trong giai đoạn năm 2014 - 2017.
Theo số liệu mới nhất, trong năm 2019, tại Nga có tới 16.981 người tử vong vì TNGT. Tổ chức IATSS từng có nghiên cứu chỉ ra mối liên quan giữa tình trạng tham nhũng, thi hành luật giao thông lỏng lẻo với tỷ lệ mất ATGT rất cao tại “xứ sở bạch dương”. Khi CSGT dễ dãi, người điều khiển phương tiện thiếu ý thức và dễ dàng chi tiền để tránh phạt, đồng nghĩa mức độ tuân thủ pháp luật không cao, khó có thể đảm bảo ATGT. Tại Nga, mỗi năm có tới 28.000 người tử vong vì TNGT, theo Washington Post.
Còn theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch Quốc tế năm 2020, chỉ số nhận thức tham nhũng của Nga chỉ đạt 30/100, xếp thứ 129/179 quốc gia. Trong đó, CSGT (thuộc Tổng cục chính về An toàn đường bộ, Bộ Nội vụ Nga) bị coi là tham nhũng nhất trong bộ máy Nhà nước.
Tổ chức cố vấn Indem Foundation từng chỉ ra, mỗi năm CSGT Nga có thể nhận tới 800 triệu USD tiền mãi lộ.
Lưu lượng xe cá nhân tại Nga rất cao, trung bình cứ 1.000 người dân, sẽ có 315 chiếc ô tô. Song, ý thức chấp hành luật giao thông tại Nga lại rất kém, tài xế thường xuyên vi phạm luật giao thông.
Phần nhiều người sở hữu bằng lái xe tại nước này là do chạy tiền, ít người thực sự tìm hiểu và nắm rõ luật, theo tờ Washington Post.
Để ngăn chặn tình trạng này, nâng cao ATGT, chính quyền Nga đã áp dụng thêm camera giám sát hành trình, nâng cao chế tài xử phạt với những vi phạm giao thông. Điển hình, Nga là quốc gia có mức phạt người lái xe có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép (0,15mg/1 lít khí thở) cao nhất thế giới bao gồm: Phạt tiền 977 USD hoặc tạm giữ 15 ngày hay lao động công ích 100 - 200 giờ.
Dù chế tài mạnh, nghiêm khắc nhưng việc thi hành của cấp dưới và hoạt động kiểm soát lại lỏng lẻo. Vô hình chung, ý định tăng phạt để răn đe lại trở thành cơ hội béo bở cho CSGT có ý đồ xấu thực hiện hành vi trái pháp luật.
Người điều khiển phương tiện vi phạm luật giao thông sẵn sàng bỏ tiền để lót tay cho CSGT (thông thường từ 5 - 20 USD), tránh phải chịu những mức phạt nặng.
Trong khi đó, CSGT không ngần ngại cầm tiền để nhắm mắt làm ngơ. Thậm chí, nhiều trường hợp cảnh sát còn tinh vi hơn khi lợi dụng pháp luật, cấu kết với các băng đảng mafia.
Điển hình như vụ CSGT tại vùng Stavropol kể trên. Trong sự việc đó, ngoài nhận những khoản tiền đút lót từ người vi phạm giao thông, Thượng tá CSGT Alexey Safonov còn cùng 35 sĩ quan khác, kết hợp với một băng nhóm mafia, chuyên nhận hối lộ để cấp phép cho các phương tiện vận tải hoạt động trong vùng, vượt qua các chốt kiểm định.
Sau vụ việc này, gần như tất cả quan chức quản lý cấp cao Sở giao thông khu vực đều bị bắt. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nga Vladimir Kolokoltsev đã sa thải Thiếu tướng Sergei Shchetkin, Cảnh sát trưởng khu vực Stavropol.
Chế tài mạnh nhưng khó loại bỏ trong ngắn hạn
Để giải quyết vấn nạn tham nhũng, năm 2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng phê duyệt kế hoạch chống tham nhũng quốc gia, đặt ra hàng loạt biện pháp mạnh tay, kiên quyết làm “trong sạch hóa” các cơ quan bảo vệ pháp luật và tư pháp.
Một trong những biện pháp nổi bật là đưa các quan chức bị cáo buộc tham nhũng hoặc bị sa thải vì “đánh mất lòng tin” của người dân vào hệ thống ghi chép và lưu trữ dữ liệu trực tuyến toàn quốc. Quy định này áp dụng đối với tất cả cán bộ, công chức Nga ở cấp Liên bang cũng như địa phương, các quân nhân, cơ quan hành pháp, tập đoàn Nhà nước và các tổ chức Nhà nước.
Hệ thống dữ liệu này như một “danh sách đen” để các cơ quan chính phủ và các công ty, doanh nghiệp tra cứu và từ chối tuyển dụng hay làm ăn với những ứng viên có tên trong đó.
Ngoài ra, Nga cũng hình sự hóa tội tham nhũng. Đối với công chức nhận hối lộ, mức phạt tối đa có thể lên tới 5 triệu rúp (khoảng 68.000 USD) hoặc số tiền tương đương thu nhập của 5 năm hay gấp 100 lần giá trị hối lộ đã nhận; phạt tù lên tới 15 năm…
Song, các cuộc thăm dò dư luận tại Nga cho thấy, hầu hết người dân coi tham nhũng là “căn bệnh trầm kha” nên khó loại bỏ trong một sớm một chiều.
Năm 2020, tiền phạt vi phạm giao thông ở Nga gần 1,5 tỷ USD
Theo dữ liệu về xử phạt vi phạm giao thông, năm 2020, cơ quan chức năng Nhà nước Nga đã ban hành 142 triệu biên lai phạt vi phạm giao thông với tổng số tiền 106,5 tỷ rúp (gần 1,5 tỷ USD). Trong số này, 122,1 triệu biên lai dựa trên dữ liệu của hệ thống giám sát bằng video.
Phần lớn biên lai phạt do vi phạm các quy định của CSGT với 101,8 triệu biên lai (trong đó nhiều nhất là chạy quá tốc độ); tiếp đến là không tuân thủ các yêu cầu của biển báo hoặc vạch kẻ (khoảng 12 triệu biên bản).
Ngoài ra, 5,1 triệu biên lai thu phạt vì hành vi lái xe vượt đèn đỏ, 3,3 triệu biên lai vì vi phạm quy tắc đỗ ô tô trên đường, chạy ngược chiều, vượt ẩu. Các tài xế nhận thêm 2,8 triệu biên lại do vi phạm quy tắc thắt dây an toàn hoặc không đội mũ bảo hiểm.