Liên hợp quốc hoan nghênh mạng lưới chống tham nhũng mới

Theo Hoài Phương/thanhtra.com.vn

Trước các nhân tố góp phần làm cho tham nhũng xuyên quốc gia ngày càng trở nên phức tạp, hôm 3/6, Liên hợp quốc đã đưa ra sáng kiến “trao quyền cho tất cả các quốc gia” để tìm ra những giải pháp thiết thực và các công cụ tốt hơn để theo dõi, điều tra và truy tố tội phạm này.

Tham nhũng đánh cắp hàng nghìn tỷ đô la của mọi người trên khắp thế giới - thường là từ những người cần nhất, vì nó lấy đi các nguồn lực để phát triển bền vững. Nguồn: UN News/Daniel Dickinson
Tham nhũng đánh cắp hàng nghìn tỷ đô la của mọi người trên khắp thế giới - thường là từ những người cần nhất, vì nó lấy đi các nguồn lực để phát triển bền vững. Nguồn: UN News/Daniel Dickinson

Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã có bài phát biểu tại Phiên họp đặc biệt đầu tiên của Đại hội đồng về chống tham nhũng qua một video. Ông nói rằng, trước đại dịch COVID-19, nhiều quốc gia trên toàn thế giới đã bị "khuấy động bởi các cuộc biểu tình chống chính phủ khổng lồ".

“Tham nhũng là một trong những nỗi bất bình chính của người biểu tình. Chúng ta có thể chắc chắn rằng, những người biểu tình đang theo dõi sát sao, khi hàng nghìn tỷ đô la đang được đầu tư cho công tác phục hồi”, ông Guterres nói thêm.

Tham nhũng gây hậu quả nặng nề

Tham nhũng thường có hệ thống và có tổ chức, một loại tội phạm xuyên biên giới, “phản bội con người và nền dân chủ”, người đứng đầu Liên hợp quốc nói.

“Nó đánh cắp hàng nghìn tỷ đô la của mọi người trên khắp thế giới - thường là từ những người cần nhất, vì nó lấy đi các nguồn lực để phát triển bền vững”, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho biết thêm.

Khi những người có quyền lực không bị trừng phạt khi tham nhũng, công dân mất lòng tin vào các thể chế quản lý, nền dân chủ trở nên suy yếu bởi sự hoài nghi và vô vọng.

Ông Guterres nhấn mạnh: “Lật ngược tình thế chống tham nhũng là điều cần thiết để chúng ta đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDG), thúc đẩy hòa bình và bảo vệ nhân quyền”.

Nhu cầu cấp bách

Người đứng đầu Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải khơi dậy cam kết chính trị chống tham nhũng, tăng cường hợp tác quốc tế để thu hồi tài sản bị đánh cắp và ngăn chặn tội phạm tìm nơi trú ẩn an toàn ở nước ngoài cho bản thân và tiền của chúng.

Ông gọi việc thành lập Mạng lưới hoạt động toàn cầu của các cơ quan thực thi luật chống tham nhũng, hay GlobE Network, là “một bước đi đúng hướng”.

"Mạng lưới sẽ cho phép các cơ quan thực thi pháp luật điều hướng các quy trình pháp lý thông qua hợp tác không chính thức xuyên biên giới, giúp xây dựng lòng tin và đưa những người phạm tội tham nhũng ra trước công lý", ông Guterres diễn giải.

Trong buổi ra mắt GlobE Network, các chuyên gia chống tham nhũng đã thảo luận về vai trò của Mạng lưới trong việc đảm bảo rằng tất cả quốc gia và các cơ quan chống tham nhũng độc lập của họ có liên hệ và công cụ họ cần để theo dõi, điều tra, truy tố tham nhũng xuyên biên giới - bao gồm điểm xuất phát, nơi quá cảnh và quốc gia đến - một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho biết, sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật và kêu gọi tất cả chính phủ “sử dụng đầy đủ mạng lưới và khuyến khích các nỗ lực khác để xóa bỏ tham nhũng”.

Ông kết luận: “Chấm dứt sự miễn trừ đối với hành vi tham nhũng và trả lại tài sản bị đánh cắp cho chủ sở hữu, là những bước quan trọng để hướng tới một khế ước xã hội mới dựa trên lòng tin, sự liêm chính và công lý”.