Cạnh tranh nội - ngoại: Sân nhà phải vững
Trước khi “mang chuông đi đánh xứ người” các ngân hàng phải nâng cao tiềm lực tài chính, khẳng định chỗ đứng trên chính thị trường trong nước, lấy đó làm cơ sở, nền tảng vững chắc để có những bước tiến dài hơn ra thị trường thế giới.
PGS. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã từng chia sẻ trong một hội thảo bàn về tái cơ cấu tổ chức tín dụng: Hệ thống ngân hàng sau tái cơ cấu là hệ thống ngân hàng đồng hành với doanh nghiệp hội nhập. Chỉ tính riêng với việc gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), các nước sẽ phải mở cửa tất cả các ngành dịch vụ với mức sở hữu nước ngoài có thể lên đến 70%.
Các nước ASEAN cũng đang tìm ra một khuôn khổ chung cho các ngân hàng đạt chuẩn ASEAN (QABs) mới được phép mở rộng hoạt động tại các nước thành viên khác và được đối xử như ngân hàng trong nước của quốc gia đó. Như vậy, với một nền kinh tế nhỏ nhưng lại mở cửa rộng như Việt Nam, thì hệ thống ngân hàng sẽ phải đối diện với sự cạnh tranh trong và ngoài nước ngày càng mạnh mẽ.
Gia tăng cả nội và ngoại
Ngày 2/8/2016 vừa qua, Thống đốc ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận về nguyên tắc thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài của Woori Bank (Hàn Quốc) tại Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập, mở cửa, việc ngày càng có nhiều hơn sự hiện diện của ngân hàng ngoại ở Việt Nam là điều tất yếu. Nhưng sự kiện này, một lần nữa nhắc nhở các ngân hàng nội cạnh tranh thời hội nhập đang ngày càng khốc liệt.
Tính tới thời điểm này, Woori Bank là đại diện thứ 7 của ngân hàng 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam, sau ANZ, Hong Leong Bank, HSBC, Shinhan Bank, Standard Chartered và Public Bank Perhad (PBB).
Về phía mình, ngoài việc nỗ lực “sống cùng” đối thủ ngoại, các ngân hàng Việt cũng đã có bước tiến nhằm chiếm lĩnh thị trường nước ngoài. Các chuyên gia đánh giá đây cũng là cách để ngân hàng gia tăng vị thế, nâng cao năng lực cạnh tranh khi mà ranh giới giữa các quốc gia về thương mại, dịch vụ đang ngày càng bị xóa nhòa.
Vietcombank đã có văn phòng đại diện tại Singapore, công ty con tại Hong Kong và một công ty chuyển tiền tại Mỹ. ngân hàng này cũng đang xúc tiến chuẩn bị cho việc thành lập ngân hàng 100% vốn Vietcombank tại Lào dù trên đất nước triệu voi này đã có sự xuất hiện của nhiều ngân hàng Việt Nam khác: VietinBank, SHB, Sacombank...
Hay như BIDV - một trong những nhà băng năng động với thị trường đầu tư ngoại cũng đã có sự hiện diện ở nhiều quốc gia như Myanmar, Lào, Campuchia, Nga, CH Séc. Còn VietinBank là ngân hàng đầu tiên của Việt Nam mở chi nhánh tại châu Âu (đặt tại hai thành phố lớn của CHLB Đức)...
HDBank cũng đã có văn phòng đại diện tại Myanmar. MB đã mở chi nhánh đầu tiên tại Lào và Campuchia. Và trong kế hoạch năm 2016 MB cũng đã đưa ra mục tiêu thành lập ngân hàng 100% vốn tại Lào Và Campuchia, trên cơ sở chuyển đổi chi nhánh MB Lào và MB Campuchia hiện tại.
Ngân hàng Việt đầu tư ra nước ngoài đã trở thành những cầu nối không chỉ về thanh toán, tín dụng hay thương mại, mà còn góp phần thúc đẩy mối quan hệ chính trị với các quốc gia trên thế giới. Với sự hỗ trợ của ngân hàng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế.
Đặc biệt với những thị trường mới nổi, thì việc “cắm cờ” của ngân hàng Việt cũng sẽ chiếm ưu thế cạnh tranh. Song, câu hỏi đặt ra là cùng một lúc vừa đầu tư ở thị trường nước ngoài, vừa phải đảm bảo và nâng cao tính cạnh tranh ngày càng khốc liệt ở thị trường trong nước khi sự xuất hiện của các ngân hàng ngoại tăng lên thì ngân hàng Việt sẽ phải có chiến lược ra sao khi khó khăn đến từ cả thị trường trong và ngoài nước?
Trả lời câu hỏi này, nhiều chuyên gia cho rằng cái cốt yếu của nâng cao tính cạnh tranh chính là yếu tố khách hàng. Đó cũng là quan điểm được Jeff Bezos, nhà sáng lập và là CEO của hệ thống bán hàng trực tuyến Amazon.com đưa ra. Khi ông đã từng nói: “Nếu quá tập trung vào cạnh tranh, bạn sẽ luôn là kẻ đi sau mỗi khi đối thủ của mình đạt được thành công. Thay vào đó, hãy tập trung vào khách hàng, và bạn sẽ trở thành người tiên phong”.
Cần có tư duy hài hòa
Quay trở lại với hệ thống ngân hàng, đồng ý yếu tố khách hàng là vấn đề đầu tiên. Tuy vậy, để có được sự tin tưởng từ phía những “thượng đế”, thì ngân hàng cũng cần phải đảm bảo đáp ứng được những yêu cầu và mục tiêu nhất định, qua đó khẳng định thương hiệu của mình. TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhiều lần nhấn mạnh vấn đề nguồn nhân lực khi bàn tới chuyện hội nhập nói chung cũng như đối với lĩnh vực ngân hàng nói riêng.
Theo ông Lực, hội nhập đòi hỏi sự chuyên nghiệp từ cấp lãnh đạo đến từng cán bộ, nhân viên. Các ngân hàng phải chuẩn hóa từ đội ngũ lãnh đạo xuống tới các cấp nhân viên, phải được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp trong tác phong và có tư duy sáng tạo, cầu tiến.
Phát triển nguồn nhân lực hiệu quả là nền tảng của sự bền vững, cũng là yếu tố sống còn của một tổ chức. Khi đó, việc cạnh tranh trong hay ngoài nước, thị trường lớn hay thị trường nhỏ, mỗi ngân hàng đều có cơ sở để quán xuyến và đảm đương được.
Với những ngân hàng Việt đầu tư sang thị trường nước ngoài, cơ hội và triển vọng mở ra là vô cùng lớn. Nhưng đi cùng với đó, rủi ro về vấn đề tài chính, pháp lý cũng là bài toán mà mỗi ngân hàng phải cân nhắc. Nhiều ngân hàng phải chấp nhận bù lỗ triền miên cho các chi nhánh mở tại nước ngoài.
Thêm vào đó, khác biệt về văn hóa, chính trị, môi trường pháp lý hay thói quen, tập quán của người dân địa phương tại mỗi quốc gia cũng sẽ ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của ngân hàng Việt với các ngân hàng bản địa.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại có hiện diện tại nước ngoài chia sẻ: Các ngân hàng thương mại nếu muốn mở rộng sang thị trường nước ngoài, phải lựa chọn được một thị trường đúng đắn và vừa sức với tiềm lực tài chính của mình.
Vừa sức ở đây là nên tập trung vào những thị trường mới nổi, chưa có nhiều sự tham gia của các ngân hàng ngoại thì sẽ có nhiều tiềm năng khai thác, và tỷ lệ thành công sẽ cao hơn. Trước đó, các ngân hàng cũng phải có thời gian nghiên cứu cụ thể về môi trường kinh doanh tại thị trường bản địa để đưa ra những chiến lược và mục tiêu phù hợp.
Vị này cũng nhắc tới chuyện các ngân hàng Việt không nên sốt ruột khi thấy sự nhộn nhịp tham gia vào thị trường ngoại của các ngân hàng khác, mà phải có tư duy hài hòa, trước hết phải lo “sân nhà” đã. Sự hiện diện của các ngân hàng ngoại tại Việt Nam chắc chắn sẽ ngày càng gia tăng về số lượng.
Tính chuyên nghiệp của các định chế tài chính trên thế giới, sự chuẩn hoá theo các thông lệ quốc tế về vốn, nhân lực, kỹ thuật... sẽ là thách thức với mỗi nhà băng Việt trong cuộc ganh đua chiếm lĩnh thị phần. Nhưng bù lại, ngân hàng Việt có lợi thế chủ nhà, sự hiểu biết thị trường, gần gũi nên sự ưu tiên từ phía khách hàng là điểm dễ nhận thấy.
Và trước khi “mang chuông đi đánh xứ người” các ngân hàng phải nâng cao tiềm lực tài chính, khẳng định chỗ đứng trên chính thị trường trong nước, lấy đó làm cơ sở, nền tảng vững chắc để có những bước tiến dài hơn ra thị trường thế giới.