Phân tích các yếu tố tác động đến rủi ro thanh khoản tại ngân hàng thương mại Việt Nam

ThS. Bùi Nguyên Khá - Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh

Bài viết hướng tới phân tích các mối quan hệ tồn tại giữa rủi ro thanh khoản, được đo lường bởi tài sản thanh khoản với tổng nguồn vốn huy động và một số biến phụ thuộc cụ thể (tỷ lệ vốn chủ sở hữu/tổng nguồn vốn, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu, tỷ lệ cho vay ròng/tổng huy động ngắn hạn, quy mô ngân hàng). Kết quả cho thấy, các ngân hàng quy mô vốn lớn có nguy cơ rủi ro thanh khoản cao hơn. Các ngân hàng có tỷ lệ vốn chủ sở hữu/tổng nguồn vốn, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu, tỷ lệ cho vay ròng/tổng huy động ngắn hạn tốt, sẽ giảm thiểu nguy cơ rủi ro thanh khoản trong hệ thống ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước cần có sự kiểm tra, kiểm soát có hiệu quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại, đảm bảo sự phát triển bền vững và an toàn. Nguồn: Internet.
Ngân hàng Nhà nước cần có sự kiểm tra, kiểm soát có hiệu quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại, đảm bảo sự phát triển bền vững và an toàn. Nguồn: Internet.

Theo Ủy ban Basel, thanh khoản là khả năng đáp ứng nhu cầu về sử dụng vốn khả dụng phục vụ cho hoạt động kinh doanh tại mọi thời điểm như chi lãi tiền gửi, cho vay, thanh toán, giao dịch vốn.

Các nghiên cứu trước đây cho thấy, những ngân hàng có tỷ lệ vốn chủ sở hữu so với tổng nguồn vốn tốt hơn có tác động tích cực đến thanh khoản ngân hàng; Angora và Roulet (2011) cũng chỉ ra mối quan hệ giữa rủi ro thanh khoản với hai chỉ số thanh khoản mới theo đề nghị của Ủy ban Basel là nhóm chỉ số LCR và một số chỉ số thuộc bảng cân đối kế toán (gồm ROE, logarit tự nhiên, tổng tài sản, tỷ lệ giữa các khoản vay cho khách hàng và tổng dư nợ).

Nghiên cứu của Bonfim & Kim (2011) nhấn mạnh rằng, tỷ lệ rủi ro thanh khoản có một mối quan hệ tiêu cực với hầu hết các chỉ số phân tích bao gồm kích thước và tỷ lệ giữa vốn điều tiết và tổng tài sản. Trước tình hình hội nhập theo các hiệp định song phương và đa phương, khả năng thanh khoản của ngân hàng thương mại (NHTM) phải được đáp ứng nhu cầu vốn cần thiết đúng thời điểm để phát triển thị trường.

Phương pháp nghiên cứu

Dữ liệu nghiên cứu tác giả thu thập từ 8 NHTM Việt Nam từ năm 2008 đến năm 2015. Các báo cáo tài chính hợp nhất cũng được đưa ra xem xét, bởi chúng cho thấy, tổng thể kết quả kinh doanh của ngân hàng trong từng năm, phù hợp với sự đầu tư đa dạng của các NHTM Việt Nam hiện nay.

Bài viết sử dụng mô hình hồi quy dữ liệu bảng tác động cố định:

Phân tích các yếu tố tác động đến rủi ro thanh khoản tại ngân hàng thương mại Việt Nam - Ảnh 1

(1)

Và sử dụng mô hình hồi quy dữ liệu bảng tác động ngẫu nhiên:

Phân tích các yếu tố tác động đến rủi ro thanh khoản tại ngân hàng thương mại Việt Nam - Ảnh 2

(2)

Kết quả nghiên cứu

Từ mô hình nghiên cứu ở trên với hai hiệu ứng fixed effect và random effect, kết quả được biểu diễn ở bảng 1:

Phân tích các yếu tố tác động đến rủi ro thanh khoản tại ngân hàng thương mại Việt Nam - Ảnh 3

Các hệ số hồi quy được kiểm định bằng Wald, ký hiệu *, **, *** chỉ ra các hệ số hồi quy lần lượt có ý nghĩa thống kê tại các mức ý nghĩa 1%, 5%, 10%

Kiểm định sự phù hợp của mô hình

Từ 2 mô hình trên cho thấy, yếu tố tỷ lệ vốn chủ sở hữu được đo lường bằng vốn chủ sở hữu chia cho tổng tài sản (CAP), có mối tương quan khá chặt chẽ với thanh khoản NHTM tại Việt Nam.

Các nghiên cứu của các tác giả Bunda (2003); Vodová (2011); Bonfim và Kim (2009); Aspachs và ctg. (2005); Repullo, 2003; Dewatripont và Tirole (1993); Gorton và Huang (2004); Thakor (1996), Indriani (2004) cũng cho thấy, kết quả về tỷ lệ vốn chủ sở hữu và khả năng thanh khoản của ngân hàng có mối tương quan tích cực với khả năng thanh khoản của các ngân hàng.

Yếu tố ROE được đo lường bởi tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu trong 2 mô hình trên cũng có mối tương quan thuận với thanh khoản NHTM tại Việt Nam. Nhiều nghiên cứu khác cũng đã tìm ra tác động tích cực của tỷ lệ lợi nhuận với khả năng thanh khoản của các ngân hàng (Bonfim & Kim, 2011; Bunda &Desquilbet, 2008; Bryant, 1980; Diamond & Dybvig, 1983).

Yếu tố tỷ lệ vốn huy động được đo lường bằng tổng cho vay chia cho tổng huy động đều có mối tương quan thuận với thanh khoản ngân hàng trong cả 2 mô hình. Điều này cũng tồn tại trong các nghiên cứu trước của nhiều tác giả như: Aspachs và ctg. (2003); Bonfim và Kim (2011), Indriani (2004), Golin (2001).

Yếu tố quy mô ngân hàng được đo lường bằng cách lấy logarit tự nhiên của tổng tài sản (SIZE). Trong 2 mô hình, yếu tố này cũng có mối tương quan nghịch với yếu tố thanh khoản của ngân hàng. Các nghiên cứu trước của các tác giả Aspachs và ctg. (2003); Lucchetta (2007); Vodová (2011); Rauch và ctg. (2009), Indriani (2004) đều cho kết quả tương tự về mối quan hệ giữa quy mô ngân hàng và khả năng thanh khoản.

Kết quả trên cho thấy, mô hình Random effects có độ mạnh minh chứng cho trường hợp nghiên cứu này và phù hợp hơn với kỳ vọng đặt ra của nghiên cứu. Như vậy, hàm hồi quy có dạng: LIQ = 1.395066 + 0.5656603*CAP + 0.8120845*ROE + 0.1949694*LDR - 0.1954878*ROE + uit

Những khuyến nghị đặt ra

Đối với các ngân hàng thương mại

Các ngân hàng cần phải định kỳ đánh giá lại các nỗ lực thiết lập và duy trì các mối quan hệ với các chủ sở hữu, duy trì tính đa dạng hoá của các nguồn vốn. Bộ phận nguồn vốn hoặc bộ phận cụ thể khác trong ngân hàng phải có trách nhiệm theo dõi lựa chọn các nguồn vốn khác nhau và các xu hướng hiện hành trong lựa chọn đó.

Khai thác các cơ chế mà theo đó ngân hàng có thể thế chấp tài sản để vay, hay ký các hợp đồng mua lại (repo) với các ngân hàng khác để có được vốn nhanh nhất. Repo bao gồm một hợp đồng giữa người mua và người bán, thường sử dụng trái phiếu chính phủ hoặc các tài sản tài chính. Trong đó, người bán trái phiếu cho người mua kết hợp đồng thời với một hợp đồng mua lại những chứng khoán đó ở một mức giá đã thỏa thuận tại một thời điểm nhất định trong tương lai.

Đối với Chính phủ

Chính phủ cần tăng cường hệ thống kiểm tra giám sát nội bộ của hệ thống NHTM Việt Nam, đồng thời, cần không ngừng hoàn thiện hành lang pháp lý.

Hệ thống các quy định pháp lý liên quan đến công tác quản trị rủi ro thanh khoản trong các hoạt động của NHTM hiện nay mới chỉ dừng lại ở mức sơ khai, do đó cần phải hoàn thiện thêm nhiều khía cạnh, cụ thể, là cần ban hành một quy chế về rủi ro thanh khoản để hướng dẫn cho các NHTM trong quá trình hoạt động.

Đối với Ngân hàng Nhà nước

Ngân hàng Nhà nước cần có sự kiểm tra, kiểm soát có hiệu quả hoạt động kinh doanh của các NHTM, đảm bảo sự phát triển bền vững và an toàn. Cuối cùng, cần phải hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy thanh tra ngân hàng theo ngành dọc từ Trung ương đến địa phương và sự độc lập tương đối về điều hành, hoạt động nghiệp vụ trong tổ chức bộ máy Ngân hàng Nhà nước; ứng dụng những nguyên tắc cơ bản về giám sát hiệu quả hoạt động ngân hàng của uỷ ban Basel, tuân thủ những nguyên tắc thận trọng trong công tác thanh tra.

Tài liệu tham khảo:

1. Aspachs, O., Nier, E., Tiesset, M. (2005), “Liquidity, Banking Regulation and macroeconomics. Proof of shares, bank liquidity from a panel the bank’s UK-resident “, Bank of England working paper;

2. Arif A. & Anees N. A. (2012). Liquidity Risk and Performance in the Banking System. Journal of Financial Regulation and Compliance, 20(2), 182-195;

3. Bonfim, D., Kim, M. (2008), “Liquidity risk in banking: Is there herding?”, International Economic Journal, vol. 22, no. 3, pp. 361-386;

4. Vodovà P. (2011). Liquidity of Czech Commercial Banks and its Determinants. International Journal of Mathematical Models and Methods in Applied Sciences, 6(5), 1060-1067.