Cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh: Làm sao để không tái mọc?
Bộ Công Thương đang thực hiện đợt cắt giảm kỷ lục các điều kiện kinh doanh theo tiêu chí tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Song quan trọng hơn cả là làm sao để không xuất hiện các điều kiện kinh doanh mới sau khi cắt giảm.
Cắt giảm 55,5% điều kiện đầu tư kinh doanh
Tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khiến không ít người sửng sốt với kế hoạch cắt giảm tới 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh. Con số này chiếm tới 55,5% tổng các điều kiện đầu tư kinh doanh mà Bộ này quản lý. Trong thông cáo phát đi, Bộ Công thương coi đây là bước đi lịch sử chưa từng có.
Theo Bộ Công thương, sau khi tiến hành rà soát là 1.216 điều kiện đầu tư, kinh doanh của 27 ngành, nghề (chưa tính đến ngành nghề sản xuất, nhập khẩu ô tô là ngành nghề thứ 28), đã cắt giảm 55,5%. Như vậy, sau khi cắt giảm, tổng số điều kiện còn lại thuộc ngành Công thương chỉ còn 541.
Trước đó, vào tháng 10/2016, Bộ Công Thương cũng tiến hành một đợt cắt giảm các thủ tục hành chính theo Quyết định số 4846. Theo đó, Bộ này bãi bỏ 15 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 108 thủ tục hành chính trong tổng số 443 thủ tục (tương đương 27,8%).
Các lĩnh vực có số lượng điều kiện cắt giảm lớn như xăng dầu; khí; tiến chất thuốc nổ; hóa chất; rượu; thuốc lá; thực phẩm; điện; nhượng quyền thương mại; logistic; tiền chất công nghiệp; sở giao dịch hàng hóa; giám định thương mại; đa cấp; thương mại điện tử; vật liệu nổ công nghiệp (bao gồm cả hoạt động tiêu hủy).
Tuy nhiên, trong số 27 ngành nghề nằm trong diện rà soát thì có 10 ngành, nghề không có đề xuất cắt giảm, bao gồm kinh doanh ngành nghề có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ; dịch vụ nổ mìn; xuất khẩu gạo; tạm nhập tái xuất hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt; tạm nhập tái xuất hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa đã qua sử dụng; kinh doanh khoáng sản; hoạt động mua bán hàng hóa và mua bán hàng hóa của doanh nghiệp FDI; hoạt động dầu khí; kiểm toán năng lượng, kiểm định kỹ thuật an toàn lao động máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; sản xuất, gia công quân phục cho các lực lượng vũ trang nước ngoài.
Trong lần cắt giảm lần này, lĩnh vực xăng dầu có sự điều chỉnh khá rõ nét về điều kiện đối với thương nhân kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu. Trong 675 điều kiện kinh doanh, đầu tư được Bộ Công Thương cắt giảm thì lĩnh vực xăng dầu chiếm 5 điều kiện.
Nghị định sửa đổi của Bộ Công thương bãi bỏ, không yêu cầu doanh nghiệp sau 3 năm kể từ ngày được cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu phải sở hữu hoặc đồng sở hữu với số vốn góp tối thiểu 51% đối với các phương tiện vận tải xăng dầu nội địa. Việc bãi bỏ một số điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu được giới chuyên gia khẳng định sẽ tạo thuận lợi lớn cho doanh nghiệp ngoài nhà nước tham gia vào thị trường này.
Theo thống kê trước đó của VCCI và Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Công Thương là nơi có nhiều điều kiện kinh doanh nhất trong số các bộ ngành.
Làm sao để không "cắt xong lại mọc"?
Đầu những năm 2000, Thủ tướng Phan Văn Khải đã từng ký Nghị định số 109 bỏ hầu hết điều kiện kinh doanh, nhất là đối với ngành giao thông vận tải. Thế nhưng sau đó số lượng điều kiện kinh doanh, giấy phép con mọc lại nhiều hơn.
Mặc dù ghi nhận những kết quả tích cực từ những việc cắt giảm thủ tục điều kiện kinh doanh qua của các bộ, ngành, địa phương, tuy nhiên TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng lo ngại rằng, trong quá trình thực hiện có thể xảy ra tình trạng tái lập các điều kiện kinh doanh và nguy cơ “mọc thêm” các điều kiện mới.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, để phòng ngừa việc tái lập tràn lan các thủ tục, điều kiện kinh doanh không đáng có, điều kiện đầu tiên và tiên quyết chính là quá trình thay đổi tư duy và cách thức quản lý. Bởi lẽ, khi cơ quan chức năng đặt ra điều kiện tiền kiểm hàng hóa thì không bao giờ hạn chế được điều kiện kinh doanh.
Chỉ đạo tại phiên họp Chính phủ cuối tháng 10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nêu rõ yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải “đổi mới”: Chuyển dần tư duy từ tiền kiểm sang hậu kiểm; không để tình trạng cắt giảm điều kiện kinh doanh nhưng lại “mọc lại giấy phép con”.
Nội dung này quả thực không mới, nhưng người đứng đầu Chính phủ vẫn phải nhắc đi, nhắc lại. Bởi giấy phép con gắn với quyền lực, quyền lợi của các cơ quan quản lý, không dễ nói cắt là cắt được, nói bỏ là bỏ được.