Cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính: Vì lợi ích chung
Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 08/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan. Việc rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính trong năm 2018 được giao cụ thể cho từng bộ, ngành, cho thấy quyết tâm cao của Chính phủ trong triển khai Nghị quyết của Quốc hội, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Qua đó tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ngân hàng Thế giới đánh giá, chỉ tiêu cấp phép xây dựng của Việt Nam có sự cải thiện qua các năm và là một trong các chỉ số có thứ hạng cao trong các chỉ số cải thiện về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian thực hiện thủ tục cấp phép xây dựng như thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy; cấp giấy phép xây dựng; thông báo khởi công… vẫn còn dài và chưa đồng bộ.
Một trong những nguyên nhân là do một số quy định pháp luật chưa thống nhất; chưa thực hiện triệt để cơ chế “một cửa liên thông”, phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong thực hiện thủ tục hành chính chưa chặt chẽ… Chính điều này đã ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia.
Để khắc phục tồn tại này, Chỉ thị 08 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm 2018: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ công bưu chính công ích để giảm thời gian thực hiện thủ tục cấp phép xây dựng. Cụ thể, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng, cấp phép xây dựng từ 82 ngày xuống còn tối đa 63 ngày.
Ngoài ra, đối với thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất từ 30 ngày xuống còn 20 ngày. Xem xét sử dụng kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu khi hoàn thành thi công xây dựng công trình của cơ quan chuyên môn về xây dựng khi giải quyết các thủ tục hành chính về cấp Giấy chứng nhận sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất…
Cải cách thủ tục hành chính là một trong những yêu cầu nêu trong Nghị quyết số 56/2017/QH14 của QH về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả phải được tiến hành toàn diện, đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị, có lộ trình cụ thể, gắn với cải cách thủ tục hành chính.
Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tin học hóa quản lý hành chính nhà nước, thực hiện Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử... Việc Chỉ thị nêu rõ yêu cầu cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính đối với một số lĩnh vực trong năm 2018 đã thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, kịp thời đưa Nghị quyết của Quốc hội sớm đi vào cuộc sống.
Xóa bỏ chi phí không chính thức
Vướng mắc khi thực hiện thủ tục hành chính đã được thảo luận nhiều, không ít giải pháp cũng đã được đặt ra. Tuy nhiên, người dân, doanh nghiệp vẫn phàn nàn vì “trăm sự nhiêu khê” từ chính các thủ tục hành chính. Điều đáng nói là, ngoài vướng mắc vì thủ tục chưa được đơn giản hóa tối ưu, thì người dân, doanh nghiệp còn bị gặp khó từ chính những người thực hiện các thủ tục này.
Để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp thì việc cắt giảm thủ tục và thời gian thực hiện các thủ tục hành chính là điều rất cần thiết. Về nguyên tắc, chỉ cắt những thủ tục không cần thiết và là lực cản cho sự phát triển của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tuy nhiên, để xác định thế nào là thủ tục “không cần thiết”, là “lực cản”, cũng không dễ dàng. Bởi đi cùng với các thủ tục này là lợi ích của bộ, ngành. Việc cắt giảm thủ tục cũng đồng nghĩa có thể bộ, ngành sẽ phải cắt đi một phần quyền lợi. Chính vì thế, việc rà soát để cắt giảm thủ tục hành chính mới trở nên dùng dằng, khó dễ.
Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính đã có, quyết tâm, chỉ đạo với công việc này đã rõ. Đây chính là động lực để các tư lệnh ngành, lãnh đạo địa phương rốt ráo thực hiện. Muốn vậy, mỗi bộ, ngành, địa phương phải dũng cảm cắt bỏ một phần lợi ích của mình vì lợi ích chung.
Như chia sẻ Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà với Báo Đại biểu Nhân dân nhân dịp đầu Xuân 2018, “mỗi bộ, ngành ngoài việc phát triển các lĩnh vực quản lý của mình còn phải hướng đến sự phát triển chung, phải đặt quyền lợi của mình trong tổng thể phát triển của đất nước”. Tin rằng, mỗi tư lệnh ngành vào cuộc với tâm thế, quyết tâm cao như vậy, thì mục tiêu cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính với mỗi lĩnh vực trong năm 2018 sẽ trở thành hiện thực.