Khánh Hòa: Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác quản lý thuế
Việc tăng cường cải cách thủ tục hành chính thuế giúp doanh nghiệp tạo môi trường kinh doanh tốt, nâng cao năng lực cạnh tranh… tạo nguồn thu cho ngân sách. Đồng thời, đây là việc làm giúp cơ quan thuế nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý thuế, qua đó, nâng cao chất lượng các nguồn thu.
Rà soát, cắt giảm tất cả các thủ tục rườm rà
Trao đổi với phóng viên TBTCVN về những giải pháp nâng cao chất lượng công tác quản lý thuế trên địa bàn trong thời gian qua, Cục trưởng Cục Thuế Khánh Hòa Lương Văn Ngà cho biết, cùng với ngành Thuế cả nước, Cục Thuế Khánh Hòa đang nỗ lực cải cách, đưa thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp (DN) giảm xuống còn 110 giờ/năm vào năm 2020, theo đúng các tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị về tăng cường quản lý thuế.
"Theo đó, Cục Thuế Khánh Hòa đang rà soát và điều chỉnh lại các thủ tục thuế phức tạp, qua đó, loại bỏ tất cả những thủ tục rườm rà, không cần thiết trong việc khai và nộp thuế", ông Ngà cho biết thêm.
Bên cạnh đó, Cục Thuế Khánh Hòa cũng đã xây dựng ban hành kế hoạch triển khai thực hiện cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2016 – 2020 với mục tiêu xây dựng Cục Thuế Khánh Hòa hiện đại, hiệu lực, hiệu quả. Công tác quản lý thuế, phí và lệ phí thống nhất, minh bạch, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện dựa trên ba nền tảng cơ bản: thể chế chính sách thuế minh bạch, quy trình thủ tục hành chính thuế đơn giản, khoa học phù hợp với thông lệ quốc tế; nguồn nhân lực có chất lượng, liêm chính; ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, có tính liên kết, tích hợp, tự động hóa cao.
Đồng thời, Cục tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hoá thủ tục hành chính (TTHC) thuế, thực hiện cơ chế liên thông giữa TTHC thuế với một số TTHC khác có liên quan, nhằm tạo thuận lợi và giảm thời gian thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký khai thuế cho DN và người dân.
Bên cạnh đó, áp dụng các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế phù hợp với từng nhóm người nộp thuế; xây dựng, triển khai đa dạng các dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế (NNT) thực hiện thủ tục hành chính thuế; chú trọng cung cấp các dịch vụ thuế điện tử cho NNT.
Hiện đại hóa công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, đảm bảo tối thiểu 85% người nộp thuế được tiếp cận đầy đủ và kịp thời các thông tin thay đổi về chính sách thuê, TTHC thuế; tối thiểu 90% doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ hỗ trợ thuế điện tử; tối thiểu 80% số lượng người nộp thuế hài lòng với các dịch vụ mà cơ quan thuế cung cấp.
Điện tử hóa công tác quản lý thuế
Cùng với việc cắt giảm các thủ tục rườm rà không cần thiết, Cục Thuế Khánh Hòa còn đẩy mạnh việc triển khai các dịch vụ thuế điện tử.
Theo đó, đơn vị đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020: 100% DN thực hiện đăng ký thuế điện tử; tỷ lệ DN nộp thuế điện tử đạt tối thiểu 95%; số tiền thuế được nộp bằng phương thức điện tử đạt tối thiểu 95% số thuế đã kê khai; tỷ lệ số hồ sơ đề nghị hoàn được giải quyết đúng hạn đạt tối thiểu 95%; tối thiểu 95% hồ sơ hoàn thuế GTGT được nộp và trả kết quả qua mạng; tỷ lệ hồ sơ khai thuế được kiểm tự động qua phần mềm ứng dụng của cơ quan thuế là 100%; tỷ lệ DN thực hiện thủ tục điện tử xác nhận số nộp NSNN đạt tối thiểu 95%.
Để đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu cải cách đề ra nêu trên, đơn vị đã xây dựng các nhiệm vụ trọng tâm trên từng lĩnh vực công tác thuế cụ thể như: Trong công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, đơn vị đẩy mạnh việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ giáo dục phổ biến pháp luật thuế phù hợp với từng nhóm người nộp thuế; nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận một cửa tại cơ quan thuế các cấp.
Đồng thời, hoàn thiện các dịch vụ công điện tử để hỗ trợ người nộp thuế: Cung cấp các dịch vụ tra cứu thông tin 24/24 giờ dưới nhiều hình thức như email, sms, mạng xã hội, website …. người nộp thuế có thể dễ dàng tra cứu các thông tin cần lưu ý, cảnh báo.
Triển khai dịch vụ một cửa điện tử và hỗ trợ trực tuyến tập trung như: Thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu và ứng dụng trên trang thông tin điện tử của cơ quan thuế khi Tổng cục Thuế triển khai. Phát triển dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế thông qua cơ chế hợp tác với các tổ chức, cá nhân bên ngoài như: phối hợp với hệ thống Ngân hàng thương mại, VCCI, Hiệp hội ngành nghề, các công ty phần mềm kế toán…
Tổ chức khảo sát mức độ hài lòng của người nộp thuế về các dịch vụ, sản phẩm của cơ quan thuế và nhu cầu hỗ trợ về thuế thông qua hình thức khảo sát/điều tra qua thư điện tử, trang thông tin điện tử, hội nghị...
Thực hiện đăng tải các thông tin về thuế trên trang Thông tin điện tử của Cục Thuế. Phấn đấu tối thiểu 90% người nộp thuế được tiếp cận đầy đủ và kịp thời các thông tin thay đổi về chính sách thuế, thủ tục hành chính thuế; tối thiểu 95 % doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ thuế điện tử; tối thiểu 80% người nộp thuế hài lòng với các dịch vụ mà cơ quan thuế cung cấp. Đảm bảo ít nhất 85% câu trả lời hỗ trợ đem lại sự hài lòng.
Theo ông Lương Văn Ngà, cùng với việc đơn giản hóa các thủ tục thuế thì áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế là cần thiết. Hiện đại hóa quản lý thuế đã và đang mang lại những hiệu quả thiết thực cho cả cơ quan thuế và DN.