Cắt giảm thuế theo FTA: Cần vai trò của doanh nghiệp
(Tài chính) Theo các chuyên gia, việc cắt giảm các dòng thuế cho từng ngành hàng khi đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) đặt ra yêu cầu phải có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp (DN).
Giảm thuế phải so sánh đối thủ
Cá ngừ đại dương vốn là mặt hàng xuất khẩu (XK) có thế mạnh của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản, nên khi đàm phán FTA với nước này, việc cắt giảm mức thuế xuống còn 7% đã mang lại nhiều kỳ vọng cho các DN. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu thì các DN mới “ngã ngửa”, các nước đối thủ khác còn có mức giảm thuế thấp hơn rất nhiều.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK Thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cho biết, Thái Lan và Philippines là hai đối thủ cạnh tranh khốc liệt với Việt Nam về mặt hàng cá ngừ đại dương XK, nên việc cắt giảm các dòng thuế có ý nghĩa quan trọng, giúp DN tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, trong khi hai nước này đã đàm phán để có mức thuế về bằng 0% với lộ trình cắt giảm ngắn hơn, thì mức thuế cắt giảm theo ký kết mà DN Việt Nam đàm phán được vẫn ở mức 7% với lộ trình dài hơn.
“Khi đàm phán, chúng ta đã phải cân não nhiều trong việc nhả cái nọ để được cái kia, nên rất cần lưu ý với một mặt hàng cụ thể, chúng ta đang phải cạnh tranh với những nước nào. Đặc biệt, phải xem những nội hàm, nội dung, chương mục thuế hay quy định đó các đối thủ đã đàm phán, ký kết hay chưa để mình có lộ trình phù hợp, tránh để mọi nỗ lực đàm phán không mang lại hiệu quả, DN không được hưởng lợi. Đơn cử với mặt hàng cá ngừ đại dương, chênh lệch thuế 1% đã là chuyện rất lớn về mặt kinh doanh, vậy 7% thì sẽ đi đến đâu?”, ông Nam đặt câu hỏi.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, dẫn ra câu chuyện cắt giảm thuế của ngành ô tô. Với lộ trình cắt giảm thuế xuống 0% vào năm 2018 theo cam kết của Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), nhiều chuyên gia khá lo ngại về tương lai của ngành này. Cũng bởi, thay vì sản xuất trong nước với chi phí cao, các nhà kinh doanh sẽ chuyển sang hình thức thương mại, tức là nhập khẩu trực tiếp các dòng xe từ các nước để được hưởng ưu đãi thuế khi phân phối vào nội địa.
Do đó, với lộ trình mở cửa như vậy, ông Thanh cho rằng đây là nguy cơ với ngành công nghiệp sản xuất ô tô của Việt Nam, khi có thể sẽ có hàng loạt DN phải “chết” và số lượng lao động hiện đang làm trong ngành này lên đến gần 80.000 người cũng có nguy cơ bị mất việc làm.
Đối với cà phê - một trong những ngành hàng được đánh giá là có tiềm năng XK lớn, ông Trần Công Thắng, Trưởng bộ môn Nghiên cứu chiến lược chính sách (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) cho rằng, mức thuế XK vào EU trung bình 2,6% là lợi thế giúp ngành nâng cao kim ngạch XK. Song, theo ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa), mức thuế trung bình là vậy, còn với các sản phẩm cụ thể thì lại có các mức thuế khá cao.
Đơn cử như với cà phê nhân không có caffeine là 8,3%; cà phê rang xay có caffeine là 7,5%, không có caffeine là 9%; và cà phê hoà tan là 9%. Nếu các dòng thuế này cứ tiếp tục được giữ nguyên thì chiến lược đẩy mạnh XK các mặt hàng cà phê chế biến của DN Việt Nam sẽ rất khó thực hiện, vì mức thuế như vậy là khá cao. Do đó, với FTA Việt Nam – EU mà nước ta đang đàm phán, đại diện của các DN ngành cà phê mong muốn đưa lộ trình cắt giảm các dòng thuế cho từng mặt hàng cà phê vào nội dung đàm phán để mang lại lợi ích thiết thực cho DN khi XK.
Cần tham vấn DN
Theo các chuyên gia, lộ trình cắt giảm các dòng thuế trong đàm phán, ký kết các hiệp định FTA là một trong những nội dung quan trọng giúp DN được hưởng lợi trực tiếp. Tuy nhiên, nếu hoạt động đàm phán không có sự tham vấn và nghiên cứu đầy đủ, kỹ lưỡng về từng mặt hàng, ngành hàng và các yếu tố liên quan như điều kiện cắt giảm thuế, mức thuế, lộ trình cắt giảm, các đối thủ cạnh tranh… thì DN sẽ không thể tận dụng được những cơ hội trong XK, hay thậm chí các dòng thuế có thể trở thành “con dao hai lưỡi” tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của DN.
Ông Đỗ Hữu Hào, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, lộ trình cắt giảm các dòng thuế có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đẩy mạnh XK, đặc biệt là với những ngành hàng mà Việt Nam có thế mạnh. Tuy nhiên, với hầu hết các FTA đang đàm phán hiện nay, lộ trình cắt giảm các dòng thuế cũng đặt ra các yêu cầu như quy tắc xuất xứ, tỷ lệ nguồn nguyên phụ liệu tự cung ứng, rào cản phi thuế quan…
Bởi vậy, với hầu hết các ngành hàng có thế mạnh như dệt may, da giày… song lại phải nhập khẩu phần lớn nguyên phụ liệu, nên cần có nghiên cứu rất kỹ lưỡng về lộ trình cắt giảm thuế quan để các DN có sự chuẩn bị đầu tư, nâng cao năng lực nội địa hoá, chất lượng sản phẩm đáp ứng các yêu cầu mà các FTA đặt ra.
Theo các chuyên gia, việc cắt giảm các dòng thuế cho từng ngành hàng khi đàm phán, ký kết các FTA đặt ra yêu cầu phải có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Nhà nước và cộng đồng DN. Do đó, việc tăng cường các hoạt động tham vấn, lấy ý kiến của DN để nắm rõ thực trạng và yêu cầu của từng ngành, từ đó đưa ra lộ trình phù hợp với khả năng đáp ứng của DN, để các cơ hội từ cắt giảm thuế quan FTA thực sự mang lại lợi ích lớn cho XK.